Đọc sách cùng bạn: Sống qua cái chết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chào bạn, ta gặp lại nhau. Hôm nay tôi cùng bạn đọc cuốn tiểu thuyết "Điều này rồi cũng qua" của nhà văn Tây Ban Nha Milena Busquets qua bản dịch từ tiếng Anh của dịch giả Nguyễn An Lý.

 


Điều này là điều gì? Là mọi điều trong cuộc sống, cả niềm vui nỗi buồn, cả nỗi sướng niềm đau. Trong cuốn tiểu thuyết, điều này là nỗi đau mất mẹ. Khi một người thân của ta mất đi, ta sẽ làm gì để vượt qua nỗi đau mất mát? Chìm đắm vào sự tiếc thương để rồi triền miên tháng ngày trong đau khổ? Hay tìm cách vượt lên bằng cách vẫn sống như cần phải sống, sống cho cả người đã mất và sống như điều người đã mất mong muốn mình sống? Blanca nữ nhân vật chính trong truyện mất mẹ khi vừa tuổi 40 đã chọn cách thứ hai.

Tác giả đã cho biết về cốt truyện tác phẩm của mình như sau: "Cuốn tiểu thuyết bắt đầu ở nghĩa trang, bên ngôi mộ vừa chôn mẹ cô ấy. Ngay sau đấy bạn sẽ thấy các nhân vật vây quanh người phụ nữ này, đó là hai anh chồng cũ, thêm một hai anh bồ, rồi lại có một chàng trai lạ mặt nữa. Bên cạnh là hai đứa con của cô ấy với hai người chồng cũ. Và lại có những cô bạn gái thân thiết. Truyện kể về cách cô ấy vượt qua nỗi đau mất mẹ không phải bằng những điều tâm linh ẩn sâu mà bằng chính cuộc sống. Thông qua một cốc vang uống cùng bạn bè, thông qua cái liếc mắt đưa tình với một chàng nào đó, thông qua những điều kiện vật chất mà cuộc sống đưa lại, cái này tôi nghĩ là rất quan trọng bởi vì cuộc sống đưa lại rất nhiều. Giống như việc bơi ở Địa Trung Hải hoặc ở bất kỳ biển nào đều có thể giúp ta hàn gắn nỗi đau. Nó mang bạn trở lại cuộc sống" (trả lời phỏng vấn trang "Read It Forward").

Cuốn truyện viết ở ngôi thứ nhất, theo giọng kể của Blanca. Sau khi mẹ mất cô quyết định rời Barcelona đến nghỉ mùa hè tại ngôi nhà của mẹ mình ở thị trấn ven biển Cadaqués với hội bạn bè nói trên và "sex, thuốc, rock 'n roll". Blanca vui chơi, đi biển, ăn uống, trò chuyện cùng mọi người, và choán vào đấy là những hồi ức về người mẹ - một phụ nữ đã sống một cuộc sống có thể nói là hạnh phúc, vui tươi, nhưng cuối đời bị hành hạ bởi chứng Parkinson. "Toàn bộ khối tình yêu của bạn bè hay của hai đứa con cũng không đủ để cưỡng lại cơn cuồng phong là sự vắng mặt của mẹ, chỉ có cái ôm ghì của một người đàn ông mới giúp con khỏi bị bốc lên trời. Người ta bảo hầu hết đàn bà đều tìm hình bóng cha mình trong người đàn ông khác, còn con, người con tìm là mẹ, tìm mẹ từ hồi mẹ sống." (tr. 96).

Cái chết của người mẹ khi cô vừa sang tuổi 40 khiến Blanca cảm thấy tuổi trẻ của mình cũng sắp hết. Cho nên cô muốn tận hưởng đến hết những lạc thú cuộc đời. Cả hội bạn vây quanh cô ở Cadaqués (trong đó hai anh bồ là tình cờ có mặt chứ không phải đi cùng từ đầu) như là một gia đình cô chọn cho mình để sống một cách tự do. Như tác giả nói, chúng ta chọn gia đình mà chúng ta muốn. Blanca rất quan tâm việc sử dụng tự do đến hết mức. Làm bất cứ điều gì cô muốn. Chúng ta cần phải học cách sử dụng tự do nhiều hơn nữa bởi vì đôi khi chúng ta bị rơi vào những điều quy ước. Lấy vợ lấy chồng, sinh con đẻ cái, sống chung thủy với một người trọn đời, đó là một kiểu hạnh phúc. Nhưng có thể có một kiểu hạnh phúc khác trung thực với mình hơn. "Và đó là một trong những chủ đề chính của cuốn sách: người phụ nữ tìm kiếm sự thật, tìm kiếm cách cô muốn sống cuộc đời mình.", M. Busquets nói.

 

ĐIỀU NÀY RỒI CŨNG QUA

Tác giả: Milena Busquets (Tây Ban Nha)

Dịch giả: Nguyễn An Lý (từ tiếng Anh)

Nhã Nam & Nhà xuất bản Dân Trí, 2020

Số trang: 178

Số lượng: 2000

Giá bán: 86.000đ

Blanca tìm cách chữa trị nỗi đau của mình bằng tình dục: "Cứ như tôi biết thì chỉ có một thứ tạm thời xua tan cái chết – cũng như cái sống – mà không gây nhức đầu búa bổ sáng hôm sau, đấy là sex. Nó là thứ sức nổ có khả năng biến tất cả thành nát vụn. Có điều nó chỉ kéo dài vài giây, hoặc có khi được hơn ít lâu nếu ta ngủ khi đã xong." (tr. 13). Cô ham mê tình dục một cách thoải mái tự nhiên. Chỉ mới thấy chàng trai lạ trong quán ăn ngước mắt nhìn cô đã "cảm thấy thân thể mình căng lên, tôi bỏ kính râm xuống, kéo váy nhích lên đôi chút." (tr. 69). Nhưng với cô tình dục phải đi cùng tình yêu. "Dù sao thì tôi cũng tin rằng không ai sống được nếu không có một lượng yêu và tiếp xúc thân thể tối thiểu. Thấp hơn một mức nào đó, chúng ta tan rã. Gái bán hoa là một vai trò không thể thiếu, đáng ra phải có cả gái bán yêu. Nhưng tình yêu là thứ khó nhân lên mà cũng khó làm giả, quá lâu, quá cực nhọc, quá ngấm ngầm. Chưa kể còn giỏi hủy hoại." (tr. 70). Blanca theo tác giả là một người cuồng nhiệt. Tác giả cũng như nhân vật không phân biệt lắm giữa tình dục và tình yêu. Busquets cho biết mỗi khi làm tình cô đều nghĩ tới tình yêu, dù sau đó có thể không nghĩ nữa, nhưng cô luôn coi tình dục một cách nghiêm túc. Đó là một vấn đề rất cá nhân nhưng là điều quan trọng, một trong những chủ đề chính mà với tư cách nhà văn và con người cô rất quan tâm. Tình dục là một cách trải nghiệm cuộc sống thông qua sự đụng chạm đến người khác. Để cho Blanca có sex với chồng cũ, với anh bồ, nhưng tác giả không thích tầm thường hóa nó. "Tôi không thích cách nói chuyện tình dục một cách dễ dãi.", Busquets nói.

Và như vậy một tháng hè bên bờ biển vây giữa những người yêu mến mình và mình yêu mến họ, Blanca đã được sống là mình để vượt qua/vượt lên nỗi đau mất mẹ. Đó cũng là thời điểm cô nhìn lại bốn mươi năm đời mình đã sống, ở cái thời "là những người trẻ, hớn hở, ngạo mạn, vô tâm và dữ dội, chúng tôi bay cao bên trên thị trấn và thế giới." (tr. 170). Đó cũng là cuộc chia tay thế hệ, giữa mẹ cô và cô, giữa cô và hai con cô. Kết truyện Blanca thấy mẹ hiện về trên bãi biển. Trước khi bước lên thuyền, bà quay lại mỉm cười với cô và nói: "Điều này rồi cũng qua". Đó là câu nói trong một câu chuyện cổ mẹ đã kể cô nghe và khi kết chuyện mẹ nói thêm với cô: "Đau khổ buồn rầu sẽ qua, hân hoan vui sướng cũng vậy." Nhưng giờ đây Blanca hiểu rằng không phải thế. "Con sẽ sống thiếu mẹ tới tận khi con chết." (tr. 176).

Cuốn tiểu thuyết này có tính tự truyện. Blanca mang hình bóng Milena Busquets. Nữ tác giả sinh 1972 này từng học trường Pháp tại Barcelona và tốt nghiệp chuyên ngành khảo cổ học tại Đại học College London. Về sau này cô thành lập một nhà xuất bản của riêng mình, làm việc cho một tạp chí thời trang, và vừa viết báo vừa dịch thuật. Busquets bắt tay vào viết "Điều này rồi cũng qua" một năm rưỡi sau khi mẹ mất. Không việc làm, không tiền bạc, mang nỗi đau mất mẹ, một hôm sau khi đưa hai con đến trường cô quay về nhà và ngồi xuống bàn bếp mở máy tính ra gõ những dòng chữ đầu tiên. Chương đầu cuốn sách cô viết xong trong khoảng 15 phút. Cả Cadaqués cũng là nơi cô lớn lên, một thị trấn sát Pháp nhưng vẫn là Tây Ban Nha, nơi họa sĩ siêu thực Salvador Dalí sinh ra, nơi mỗi mùa hè các văn nghệ sĩ từ Barcelona và nước ngoài tìm đến nghỉ. Tuy nhiên dù có hơi hướng tự truyện, nhưng "Điều này rồi cũng qua" vẫn là một cuốn tiểu thuyết nhẹ nhàng mà sâu sắc nói về cuộc sống và cái chết, quá khứ và hiện tại, đùa cợt và suy tư. Đọc nó cho ta niềm vui sống, lạc quan, và cả nỗi buồn không tránh khỏi khi biết rằng cuộc đời sẽ trôi qua cùng với mọi điều rồi cũng qua hết. Một cuốn tiểu thuyết mỏng nhưng sức chứa của cảm xúc và tư tưởng thì nặng, điều đáng để các nhà văn Việt Nam tham khảo nếu họ chịu đọc. Nó đã được dịch in ở hơn ba mươi nước và đã lọt vào chung khảo Giải văn chương quốc tế Dublin. Nói về tác phẩm này của Milena Busquets, Trưởng khoa Nhân văn (Đại học Columbia) Sharon Marcus viết trên tờ "The New York Times" (1/6/2016) có so sánh nó với tiểu thuyết "Chết ở Venise" (đã dịch in ở nước ta) của Thomas Mann và viết: "Nặng ký hơn một truyện vui nhộn tình dục nhưng nhẹ nhàng hơn một tiểu thuyết tư tưởng, "Điều này rồi cũng qua" là một cuốn sách mùa hè của một cá nhân suy tư hơn là một phiên bản "Chết ở Venise" của nữ giới. Thế nhưng, giống như một ngày trên bãi biển – một bãi biển châu Âu với điếu xì gà và tách cà phê espresso – cuốn tiểu thuyết này đọng lại lâu trong tâm trí sau khi đã đọc xong, gợi ta nhớ tới sự thân mật gần gũi giữa khoái lạc và sự mất mát."

Tiểu thuyết hay, bản dịch cũng hay. Dịch giả Nguyễn An Lý thế hệ 8x nhưng đã có kinh nghiệm dịch thuật với những dịch phẩm xứng đáng, nhất là bản dịch tác phẩm của George Orwell "Animal Farm" (tên quen thuộc là "Trại súc vật", bản in tiếng Việt trong nước là "Chuyện nông trại"). Đến tác phẩm của Milena Busquets, tuy không phải dịch từ tiếng gốc Tây Ban Nha (También esto pasará), nhưng bản dịch qua tiếng Anh (This Too Shall Pass)  của Nguyễn An Lý đã làm cho người đọc như được sống cùng Blanca và các bạn bè của nhân vật. Những câu thoại, những cách dùng từ, hành văn, của dịch giả đã tái hiện được tính cách nhân vật chính và các nhân vật khác, cả hoàn cảnh lịch sử cũng như bầu không khí sống của họ.

Đọc bản dịch ta vẫn có thể chung cảm nhận với một bài viết trên tạp chí "Lire" (Pháp) nhận xét: "Một cuốn tiểu thuyết phóng khoáng, phập phồng nhục dục, đam mê và sức sống. Một tác phẩm dao động giữa tự truyện hư cấu và tiểu thuyết tâm lý. Sâu sắc, hài hước, "Điều này rồi cũng qua" được viết bằng một phong cách thực sự lôi cuốn con tim. Và lôi cuốn cả sự ủng hộ của chúng ta nữa".

Quả vậy, lôi cuốn cả sự ủng hộ của chúng ta, những người đọc ở cách xa không gian của tác giả và nhân vật. Tôi chắc đọc xong sách này qua cách dịch của Nguyễn An Lý nhiều người sẽ thầm muốn giá mà mình sống được như Blanca và các bạn của cô nàng, và sẽ thấy thích văn chương của Milena Busquets trong lần đầu gặp gỡ. Đó là thành công của một bản dịch và một dịch giả.

Hẹn bạn lần tới với một cuốn sách mới khác.


 

https://danviet.vn/doc-sach-cung-ban-song-qua-cai-chet-20200731005123854.htm

Đà Lạt, 30/7/2020
Theo Phạm Xuân Nguyên (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Thơ Đào An Duyên: Ngàn sau

Thơ Đào An Duyên: Ngàn sau

(GLO)- Không chỉ là một lời nói về tình yêu, "Ngàn sau" của tác giả Đào An Duyên còn là một tác phẩm thơ triết lý, khẳng định sự bất tử, trường tồn của những xúc cảm chân thật qua biến động của thiên nhiên và cuộc sống.

Thơ Lê Vi Thủy: Tinh khôi mùa xuân

Thơ Lê Vi Thủy: Tinh khôi mùa xuân

(GLO)- "Tinh khôi mùa xuân" của Lê Vi Thủy thể hiện cảm xúc tươi mới, ngọt ngào của mùa xuân và tình yêu trong sáng, thuần khiết. Từ hình ảnh thiên nhiên gần gũi như "cánh hoa trắng", "giọt sương ban mai" đến những ẩn dụ về tình yêu, tất cả đều mang lại cho người đọc cảm giác ấm áp, đầy hy vọng.

Thơ Vân Phi: Ngõ xanh

Thơ Vân Phi: Ngõ xanh

(GLO)- Bài thơ Ngõ xanh của tác giả Vân Phi khắc họa một không gian thiên nhiên thanh bình của làng quê, nơi có mẹ cha và những điều thân thuộc nhất. Mỗi hình ảnh trong thơ như một lời nhắc nhở về sự quan trọng của gia đình, quê hương và những ký ức đẹp mà ta luôn cất giữ trong trái tim mình.

Khúc ca mùa xuân đoàn tụ

Khúc ca mùa xuân đoàn tụ

(GLO)- Mỗi lần nghe lại ca khúc “Sông Đakrong mùa xuân về” của nhạc sĩ Tố Hải, lòng tôi lại dạt dào xúc cảm và không thôi nghĩ về dòng chảy của những đoàn quân hào hùng ra trận để đem về mùa xuân đoàn tụ của một dân tộc anh hùng.

Thơ Phạm Đức Long: Tản mạn Pleiku

Thơ Phạm Đức Long: Tản mạn Pleiku

(GLO)- Pleiku hiện lên trong bài thơ của tác giả Phạm Đức Long như một vùng đất đầy bí ẩn, vừa thực vừa ảo, vừa hùng vĩ vừa mộng mơ. Những câu từ mang đến cho người đọc cảm giác như đang lạc vào không gian trữ tình, đầy sức sống, thôi thúc họ khám phá và trải nghiệm.

Nhà văn Đỗ Tiến Thụy “về nhà”

Nhà văn Đỗ Tiến Thụy “về nhà”

(GLO)- Khi tôi và nhà thơ Hương Đình “mở tiệc” chia tay Đỗ Tiến Thụy ra Hà Nội học Trường Viết văn Nguyễn Du thì anh là Thượng úy, công tác tại Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3). Ấy là năm 2002. Tháng 11 năm nay, khi trở “về nhà”, anh đã mang hàm Đại tá, Trưởng ban Văn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Nhóm tác giả thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Xây dựng AVIEW giành giải nhất, nhì cuộc thi “Sáng tác mẫu phác thảo Tượng đài Tây Sơn Tam Kiệt và Phù điêu”

Nhóm tác giả thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Xây dựng AVIEW giành giải nhất, nhì cuộc thi “Sáng tác mẫu phác thảo Tượng đài Tây Sơn Tam Kiệt và Phù điêu”

(GLO)- Ngày 16-12, UBND tỉnh Gia Lai có quyết định Phê duyệt kết quả cuộc thi “Sáng tác mẫu phác thảo Tượng đài Tây Sơn Tam Kiệt và Phù điêu” thuộc dự án Phong trào nông dân Tây Sơn trên đất Gia Lai (Tây Sơn Thượng đạo).

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tiết lộ cách viết '3 trong 1' ở 'Tiệm sách của nàng'

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tiết lộ cách viết '3 trong 1' ở 'Tiệm sách của nàng'

Trong số các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, đã có nhiều tựa sách đề cập đến nhân vật nữ cá tính như: Nữ sinh, Những cô em gái, Út Quyên và tôi… nhưng đây là lần đầu tiên từ khóa “sách” và “nàng” cùng xuất hiện trên bìa tác phẩm mới, tạo cho bạn đọc sự tò mò thú vị.

Phương án sắp xếp cơ quan báo chí thuộc Chính phủ và bộ, ngành

Phương án sắp xếp cơ quan báo chí thuộc Chính phủ và bộ, ngành

Quán triệt nội dung định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW đã xây dựng phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, trong đó có các cơ quan báo chí thuộc Chính phủ.