Miên man lá cỏ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Qua vài cơn mưa, cứ như một cái chớp mắt, bãi đất trống gần nhà bỗng xanh um cỏ lá. Màu nâu đỏ của đất, màu xám úa của cây khô mới đó đã biến mất. Cỏ chỉ, cỏ mật, cỏ vừng, bông bay, dã quỳ, xấu hổ đã tự dàn hàng như hiển nhiên phải vậy. Cỏ ướt sương, ướt mưa rung rinh trong nắng sớm. Những giọt nước lấp lánh ánh mai, cái màu xanh của cỏ cây như mời gọi khiến bàn chân tôi cứ muốn được chạm vào cỏ, như những ngày xưa ấy.
Ngày đó, đôi chân nhỏ xíu rụt rè nghe theo chúng bạn bỏ đôi dép ra để thử chạy nhảy trên đồng bãi. Cỏ non mơn man đôi chân chưa từng dám thả dép ra để chạm vào mênh mang ấy. Những bước chân đầu tiên trên cỏ đã cho tôi biết cái nhói buốt của gai xấu hổ náu mình lẫn trong những bụi cỏ thấp. Để rồi giọt nước mắt khóc nhè cũng lấp lánh như sương mai, chỉ một chốc sau tôi đã lại tập tễnh chạy theo chúng bạn vào một cuộc chơi mới.
Chân trần trên cỏ ngày ấy là điều quen thuộc với đám trẻ, chúng tôi quần đảo cả ngày trên cỏ từ chạy nhảy, đuổi bắt, đánh trận giả… Cỏ mềm đã nâng niu những bước chân nghịch ngợm ấy không một chút bực dọc. Chạy nhảy đến mệt lử, chúng tôi lại nằm lăn ra đám cỏ, nghe chiều đang về dịu nhẹ theo vệt nắng mờ phai mà ngẩn ngơ tiếc nuối một ngày.
Mặc cho đám trẻ giẫm đạp, chạy nhảy, mặc đám bò cần mẫn gặm, mặc những chiếc liềm quơ cắt mỗi ngày, cỏ vẫn dịu dàng vươn lên trong sương sớm với sức sống mãnh liệt của riêng mình. Để xanh mênh mang trải tít những cánh đồng, để dập dờn theo gió những ngày trong veo nắng, để reo gọi hớn hở như lũ trẻ trong những ngày mưa xối. Cỏ cứ âm thầm xanh khắp các rẻo đất xa.  
 Ảnh minh họa (nguồn: INTERNET)
Ảnh minh họa (nguồn: INTERNET)
Cỏ của những ngày xưa ấy mới hiền dịu, mềm mại và ngọt ngào làm sao. Ngày ngày, chúng tôi còn được giao nhiệm vụ phân loại cỏ ra để tìm cắt, nào là cỏ cắt về cho bò, cỏ nấu độn cám cho heo, cỏ để làm phân xanh, cỏ lợp nhà, cỏ nấu nước uống, cỏ để gội đầu... Những bao cỏ cắt về cho bò bao giờ cũng thơm ngọt hơn mùi cỏ vừng chua chua dành cho đám heo ăn tạp. Những xe cỏ dùng làm phân xanh thì mùi hắc nồng ngai ngái nhựa. Cỏ tranh lợp nhà phơi khô thơm nắng hanh hao đến ngào ngạt, cứ như nếp cỏ tranh sắp được lợp trên mái có thể mang cả nắng ấm vào nhà.
Cuộc chạy chơi, cắt cỏ trên đồng bãi ấy bao giờ cũng kết thúc bằng cảnh đám trẻ cúi người nhặt hết cỏ may bám nơi ống quần. Cỏ may sao mà lắm thế, mọc len ở chỗ nào chẳng biết, cứ móc những chiếc gai nhỏ vào mặt trong của quần nghe rằm rặm ngứa. Những ống quần đầy cỏ may là bằng chứng để mách mẹ cái tội trốn nhà đi chơi với đám bạn, bởi dẫu nhặt, dẫu gỡ thế nào cũng vẫn sót lại những mấu gai li ti.
Chẳng biết tự bao giờ, những đôi chân không còn thả trần ra để chạy trên đồng bãi, mà đồng bãi dường như cũng dần mất hẳn. Nhà nối nhà sin sít, công trình nọ nối công trình kia hình thành, những sân chơi bê tông sạch sẽ chen mất lối của cỏ. Đôi chân cũng đã vào khuôn phép của đôi giày cao gót, đôi bốt hợp thời nên bước chân bềnh bồng trên cỏ cũng biến mất lúc nào không hay. Để bây giờ vô tình gặp lại một trảng cỏ, chân bỗng nhón lên mà nhớ những miên man ngọt ngào cỏ lá…
KIM SƠN

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Văn hóa báo chí thời đại số

Văn hóa báo chí thời đại số

Từ điểm khởi đầu những năm 1925 cho đến ngày đất nước thống nhất năm 1975, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn lịch sử vinh quang, viết nên bao câu chuyện anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.