Độc đáo trống tre Bahnar

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Gọi là trống nhưng lại có 2 dây và gảy bằng phím, đó chính là trống tre-một nhạc cụ độc đáo, có vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người Bahnar ở xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, Gia Lai. 
Dẫn chúng tôi tới làng Kgiang, anh Đinh A Ngưi-cán bộ Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Kbang-cho biết: Trống tre (còn gọi là Pru) thường được người Bahnar dùng để cổ vũ tinh thần hăng say lao động sản xuất và cầu mong cho mùa màng bội thu, bên cạnh đó còn có tác dụng xua đuổi muông thú trong rừng, không cho chúng phá hoại nương rẫy. Vào các dịp ăn lúa mới, đóng cửa kho..., trống tre sẽ được sử dụng kết hợp với đàn goong (ting ning). Dịp này, gia chủ để ghè rượu giữa nhà, mọi người quây quần nghe tiếng trống tiếng đàn dặt dìu hòa quyện lúc trầm, lúc bổng cộng với hơi men nồng ấm giúp con người thư thái, xua tan nỗi mệt nhọc của những ngày làm việc vất vả.
 Ông Đinh A Nghinh (bìa trái) giới thiệu cách làm trống tre. Ảnh: N.M
Ông Đinh A Nghinh (bìa trái) giới thiệu cách làm trống tre. Ảnh: N.M
Theo anh A Ngưi, trong số ít những người biết chế tác trống tre ở xã Kông Lơng Khơng, người giỏi nhất là ông Đinh A Nghinh. Nhờ đôi bàn tay tài hoa, đôi tai cảm âm tốt, ông chế tác được những chiếc trống tre có âm thanh hay, hình thức đẹp được nhiều người dân yêu thích tìm đến đặt hàng. Ngoài ra, ông còn chế tác chúng để tặng bạn bè vào các dịp lễ, Tết.
Đang cắt từng chiếc ống tre, biết có người muốn tìm hiểu về loại trống truyền thống của dân tộc mình, ông A Nghinh rất phấn khởi. Dừng tay rồi đon đả mời chúng tôi vào nhà, ông A Nghinh bảo rằng, làm trống tre trông thì đơn giản, mỗi ống tre tương ứng với một chiếc trống và 2 đầu trống đều có mấu bịt kín. Để trống cho âm thanh hay thì trước tiên phải chú trọng khâu chọn tre. Theo đó, tre để làm trống không quá già hoặc quá non, có đường kính 10-12 cm, khoảng cách các đốt dài, vỏ bóng và mỏng giúp trống kêu to. Mùa khai thác tre tốt nhất vào mùa khô. Khi đó tre rút hết nước, thân cứng cáp nên sau này ít bị mối mọt. Ông A Nghinh cầm ống tre lên vừa thao tác vừa giải thích: Đầu tiên dùng dao lớn loại bỏ phần vỏ xanh cứng trên bề rộng 5 cm, để lộ phần thịt tre nhằm tạo thế sau này tách dây và khoan lỗ trống dễ dàng hơn. Tiếp đến, dùng mũi dao nhỏ khoét một lỗ chính giữa của ống tre. Vị trí này sau đậy nắp trống (phím trống).
Với ông A Nghinh, công đoạn tách dây được xem là khó nhất, đòi hỏi sự khéo léo, độ chính xác cao. Nói rồi, ông đẩy mạnh mũi dao nhỏ, bén ngọt tách phần vỏ cứng hay còn gọi là cật tre, đưa cẩn thận từng chút tạo thành dây từ đầu đến cuối trống. Dây có bề rộng khoảng 0,5 cm, mỏng và được tuốt nhẵn. Mỗi chiếc trống sẽ có 2 dây. Hai đầu dây được cố định bằng dây mây hoặc dây kẽm để khi đưa các chốt vào làm dây căng mà không bật ra khỏi thân. “Nét độc đáo của trống tre là khi chơi dùng ngón tay cái gảy vào phím, hơi từ bên ngoài được đưa vào gặp khoang rỗng cộng hưởng tạo ra âm thanh bập bùng, bập bùng nghe rất vui tai”-ông A Nghinh cho hay.
Cũng theo ông A Nghinh, trước đây, trong xã có khá nhiều người biết làm trống tre nhưng đến nay chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Nguyên nhân là bởi những nghệ nhân này nay đã già yếu, không đủ sức để lên rừng tìm tre về làm, còn lớp trẻ thì bị ảnh hưởng bởi âm nhạc hiện đại nên không mặn mà với nhạc cụ truyền thống.
Trao đổi với P.V, ông Đinh Văn Lum-Phó Chủ tịch UBND xã Kông Lơng Khơng-cho hay: Trống tre là loại nhạc cụ độc đáo của người Bahnar cần được bảo tồn, gìn giữ. Nhạc cụ tuy đơn giản, mộc mạc nhưng có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần, cổ vũ người dân chăm lo lao động sản xuất, góp phần làm phong phú và đa dạng bản sắc văn hóa các dân tộc bản địa trên địa bàn xã nói riêng và huyện Kbang nói chung. Thời gian tới, xã sẽ tuyên truyền, vận động người lớn tuổi chỉ dạy cho lớp trẻ để duy trì việc chế tác loại nhạc cụ này; đưa vào sử dụng nhiều hơn trong các lễ hội nhằm gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa đặc sắc của người dân bản địa.
NGỌC MINH

Có thể bạn quan tâm

Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

Thơ Từ Dạ Linh: Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

(GLO)- "Tặng em nỗi nhớ ngược chiều" của Từ Dạ Linh mang vẻ đẹp mộc mạc, đầy hoài niệm về tuổi thơ, về những khoảnh khắc hồn nhiên mà người ta thường dễ dàng quên đi. Ẩn chứa trong đó cũng là nỗi nhớ, sự lưu luyến về tình yêu đầu đời với những xúc cảm tinh khôi, thuần khiết...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.

Thơ Đại Dương: Em đi trên đồi hoa

Thơ Đại Dương: Em đi trên đồi hoa

(GLO)- "Em đi trên đồi hoa" của tác giả Đại Dương là sự hòa quyện giữa con người và cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp. Những câu thơ mang sắc thái vừa lãng mạn vừa thoáng gợi lên cảm giác tiếc nuối về thời gian trôi qua, để rồi "mắt hoa tròn ngấn lệ/rưng rưng vắt qua mùa"...

Gương mặt thơ: Thanh Thảo

Gương mặt thơ: Thanh Thảo

(GLO)- Là một trong những nhà thơ tiêu biểu nhất của thế hệ thơ chống Mỹ cùng thời với Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, Bằng Việt, Hoàng Nhuận Cầm, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Trọng Tạo, Phạm Tiến Duật, Thu Bồn... nhưng Thanh Thảo có một giọng thơ riêng, thiên về trí tuệ và một lối tư duy trực cảm.

“Gia Lai trong tôi”

E-magazine“Gia Lai trong tôi”

(GLO)- Gia Lai trong bạn là những hình dung gì khi nhắc đến? Là khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, là nụ cười sơn nữ hay nét bản sắc văn hóa khó lẫn? Những câu trả lời sẽ được tìm thấy tại Triển lãm nhiếp ảnh năm 2024 với chủ đề “Gia Lai trong tôi”.

Thơ Lê Vi Thủy: Ngày nắng

Thơ Lê Vi Thủy: Ngày nắng

(GLO)- Bài thơ "Ngày nắng" của Lê Vi Thủy là những hình ảnh đầy sức sống và hy vọng. Tác giả khéo léo khắc họa cuộc sống khó khăn nhưng đầy nghị lực của con người, với những mầm xanh vươn lên trong khô cằn, thể hiện niềm tin vào ngày mai tốt đẹp hơn.