Độc đáo trống cổ của người Jrai

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Với cộng đồng người Jrai, chiếc trống không chỉ mang ý nghĩa thiêng liêng trong sinh hoạt tín ngưỡng mà còn biểu thị cho cuộc sống sung túc. Vì vậy, tài sản độc đáo này vẫn luôn được gìn giữ và lưu truyền qua nhiều thế hệ như một “báu vật”.
“Báu vật” truyền đời 
Từ TP. Pleiku, chúng tôi vượt hơn 70 km tìm về buôn Gok (xã Piar, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) để mục sở thị chiếc trống cổ có đường kính hơn 1 m của gia đình ông Ksor Jim. Hơn 100 năm qua, chiếc trống này đã được lưu truyền qua 3 thế hệ và luôn được các thành viên trong gia đình gìn giữ cẩn trọng.
Ông Jim chia sẻ: “Nghe cha mẹ kể lại, ngày đó, ông bà tôi đã lặn lội hết cánh rừng này tới cánh rừng khác suốt hơn 1 tháng mới tìm được cây gỗ thích hợp để làm trống. Sau đó, mất thêm 1 tuần nữa để chặt hạ cây và đưa về nhà. Nếu người Kinh làm trống thường xẻ gỗ thành từng mảnh, uốn cong rồi ghép lại thì người Jrai làm bằng gỗ nguyên khối, khoét rỗng trước khi bịt da 2 đầu. Vật liệu làm trống là những thân gỗ tốt và dẻo như dầu rái, sao xanh, lim xanh...
Theo quan niệm của dân làng, muốn âm thanh vang xa và ấm thì bắt buộc phải bịt mặt trống bằng da trâu. Vì thế, ông bà tôi đã chọn ra 2 con trâu to khỏe nhất để lấy da làm trống. Sau khi căng phơi nắng cho khô thì đem da ngâm nước 1-2 ngày cho mềm rồi mới cắt để bịt mặt trống, cố định bằng những nêm tre già. Trống làm xong không được phơi ngoài nắng mà chỉ hong gió cho khô để tránh bị nứt”.
Cũng theo ông Jim, trống da trâu chỉ được sử dụng vào các dịp quan trọng của gia đình như: cúng về nhà mới, lễ thổi tai, cúng vòng, cưới hỏi hoặc báo hiệu khi có người mất. Chiếc trống quý của gia đình ông còn được buôn Gok mượn dùng mỗi lần tổ chức lễ cúng cầu mưa cũng như trong các dịp lễ hội lớn của cộng đồng.
“Đa số trống da trâu dùng vào các dịp cầu mong Yàng ban tặng những điều tốt đẹp cho gia đình nên rất linh thiêng. Trống da trâu cũng chỉ được cho làng mượn để cúng lễ nhưng nhất định không cho hộ gia đình khác mượn sử dụng và phải được bảo quản một chỗ, không được xê dịch vì sẽ mang đến những điều xui rủi cho người thân trong gia đình”-ông Jim cho hay.
Bà Rơ Mah H’Đinh (làng Plei Ksing, xã Ia Piar, huyện Phú Thiện) bên chiếc trống hơn 100 tuổi của gia đình. Ảnh: Hồng Thương
Bà Rơ Mah H’Đinh (làng Plei Ksing, xã Ia Piar, huyện Phú Thiện) bên chiếc trống hơn 100 tuổi của gia đình. Ảnh: Hồng Thương
Gia đình bà Rơ Mah H’Đinh là 1 trong 3 hộ dân của làng Plei Ksing (xã Ia Piar) còn lưu giữ những chiếc trống da trâu cổ hơn trăm năm tuổi. Theo bà H’Đinh, ngày trước, những chiếc trống này hiện thân cho sự sung túc và quyền uy của từng dòng tộc. Cũng bởi lẽ đó mà chỉ những nhà có điều kiện mới có thể sở hữu trống.
Để mua được chiếc trống quý từ tay một nghệ nhân ở làng khác, cha mẹ bà đã phải bán đi 8 con bò. Chiếc trống này và 2 bộ cồng chiêng trở thành “báu vật” truyền đời của gia đình, được bà H’Đinh lưu giữ. Khi tuổi cao, bà mới giao lại cho con rể mình tiếp tục giữ gìn.
Bảo tồn trống quý
Không đơn thuần là loại nhạc cụ truyền thống, những chiếc trống cổ còn chứa đựng giá trị tinh thần, mang ý nghĩa linh thiêng trong sinh hoạt cộng đồng, tín ngưỡng của người Jrai. Vì thế, đây là tài sản quý được người dân lưu truyền và giữ gìn qua nhiều thế hệ dẫu trải bao thăng trầm.
“Dù qua nhiều năm, chiếc trống đã bị bong tróc, nứt nẻ nhưng gia đình tôi vẫn lưu giữ và bảo quản cẩn thận, không cho ai mượn và cũng không bán đi dù nhiều người từng ngỏ lời mua với giá cao”-bà H’Đinh khẳng khái nói.
Dù chiếc trống có bị hỏng nhưng vẫn chứa đựng giá trị văn hóa và tinh thần vô cùng lớn. Ảnh: Mộc Trà
Dù chiếc trống có bị hỏng nhưng vẫn chứa đựng giá trị văn hóa và tinh thần vô cùng lớn. Ảnh: Mộc Trà
Ông Ksor Khanh-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Piar-cho biết: Hiện nay, trên địa bàn xã nói riêng và rải rác ở một số xã của huyện Phú Thiện, Krông Pa và thị xã Ayun Pa vẫn còn khá nhiều hộ dân lưu giữ những chiếc trống da trâu có kích thước 0,9-1 m với tuổi đời hơn trăm năm. Đa phần những chiếc trống này đều do ông bà họ để lại.
Hiện nay, những nghệ nhân biết làm trống hầu như đã qua đời, cộng với thực hiện nghiêm việc bảo vệ rừng nên không còn những thân gỗ lớn để làm. Vì thế, dân làng chỉ làm những chiếc trống với kích thước nhỏ hơn, làm bằng nhiều loại gỗ khác nhau, phổ biến là kơ nia, bằng lăng và bịt trống chủ yếu bằng da bò. Những chiếc trống này chỉ được dùng khi tổ chức các lễ hội thông thường của làng và không được sử dụng vào những dịp quan trọng của gia đình.
Cũng bởi nỗ lực gìn giữ nên khi biết tin một số người vì chạy theo lợi ích kinh tế đã đem bán trống quý, ông Jim và bà H’Đinh không khỏi đau lòng. “Dù chiếc trống có bị hỏng nhưng vẫn chứa đựng giá trị văn hóa và tinh thần vô cùng lớn, là vật thiêng của gia đình, dòng tộc”-ông Jim khẳng định.
Anh Võ Văn Công (đường Lê Thánh Tôn, TP. Pleiku) cất công sưu tầm những chiếc trống quý với mong muốn góp phần bảo tồn nét văn hóa bản địa độc đáo. Ảnh: Mộc Trà
Anh Võ Văn Công (đường Lê Thánh Tôn, TP. Pleiku) cất công sưu tầm những chiếc trống quý với mong muốn góp phần bảo tồn nét văn hóa bản địa độc đáo. Ảnh: Mộc Trà
Trong quá trình tìm hiểu về loại trống độc đáo này, chúng tôi may mắn gặp được anh Võ Văn Công (hẻm 466, đường Lê Thánh Tôn, TP. Pleiku). Anh Công là người luôn đau đáu với văn hóa các dân tộc bản địa, trong đó có những chiếc trống da trâu cổ. Hiện, anh đang lưu giữ 2 chiếc trống đều có xuất xứ từ huyện Phú Thiện, đường kính 0,9-1 m. Trong đó, chiếc đầu tiên đã trên 100 năm tuổi nhưng gần như còn nguyên vẹn, được anh đưa về cùng bộ cồng chiêng cổ cách đây hơn 10 năm; chiếc thứ 2 đã cũ, 2 mặt trống có đôi chỗ rách và bị bung da với thân, vừa được anh sưu tầm vào giữa tháng 11-2020.
“Chính sự độc đáo và linh thiêng của những chiếc trống đại này đã thu hút tôi. Nhiều người bạn cho tôi là “gàn dở” khi bỏ tiền ra mua những chiếc trống đã cũ, thậm chí hư hỏng mang về nhà. Mặc kệ thị phi, tôi đơn giản chỉ muốn góp một phần nhỏ để bảo tồn những nét văn hóa độc đáo đó, ít ra để con cháu tôi sau này được biết đến nhiều điều hay, thú vị về văn hóa của các dân tộc trên mảnh đất Tây Nguyên hùng vĩ mà chúng đã sinh ra và lớn lên”-anh Công bày tỏ.
NHẬT HÀO-MỘC TRÀ

Có thể bạn quan tâm

Chuyện một “công trình sư” Bahnar

Chuyện một “công trình sư” Bahnar

(GLO)- Sau khi hoàn tất việc cắt lúa, ông Chánh thư thái ngồi trò chuyện cùng chúng tôi bên ghè rượu. Phẩm chất nghệ sĩ của người nông dân với tư cách “công trình sư” một loạt công trình, mô hình ghi dấu bản sắc văn hóa tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) hiện diện trước mặt chúng tôi.

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

(GLO)- Sáng 6-11, tại TP. Pleiku, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo khoa học di tích lịch sử “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947, xã Kông Bơ La, huyện Kbang” nhằm hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền đề nghị xếp hạng di tích quốc gia.

Trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống tạo ra các sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách

Trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống tạo ra các sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách

(GLO)- Nằm trong khuôn khổ Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya, chiều 9-11, tại khu vực sân nhà rông làng Gri, xã Chư Đang Ya (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai), Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Chư Păh tổ chức trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống.

Các nghệ nhân làng Chuet 2 (phường Thắng Lợi) phục dựng lễ báo hiếu cha mẹ tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Thu

Lễ báo hiếu của người Jrai

(GLO)- Lễ báo hiếu cha mẹ là tập tục văn hóa truyền thống đã có từ xa xưa trong đời sống của cộng đồng người Jrai. Đây là dịp để những người con đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục và cầu mong thần linh ban sức khỏe cho cha mẹ.

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Cách đây gần 18 năm, trong một số công trình điều tra văn hóa các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku thì người ta xếp một số buôn làng trong khu vực, trong đó có làng Wâu và Ktu (xã Chư Á) là làng tương đối có giá trị, đưa vào diện bảo tồn và phát triển.

Sân trường rộn tiếng cồng chiêng

Sân trường rộn tiếng cồng chiêng

(GLO)- Cứ mỗi buổi sinh hoạt, khuôn viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lơ Pang (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) lại rộn ràng tiếng cồng chiêng. Âm thanh quen thuộc ấy đến từ đôi tay nhỏ bé của các em học sinh thuộc Câu lạc bộ (CLB) Cồng chiêng của trường.

Ngân vang giai điệu cồng chiêng

Ngân vang giai điệu cồng chiêng

(GLO)- Suốt 1 tháng qua, sau khi hoàn tất công việc gia đình, những người nông dân Jrai chân chất, mộc mạc ở tổ 6 (phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) lại say sưa luyện tập đánh cồng chiêng.

Người giữ nghề dệt thổ cẩm ở Ia Rsươm

Người giữ nghề dệt thổ cẩm ở Ia Rsươm

(GLO)- Không chỉ dệt thổ cẩm giỏi, chị Rah Lan H’Nghí (SN 1988, buôn Toát, xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) còn nhiệt tình chỉ dạy cho chị em trong buôn để góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Là gốm nhưng không phải... gốm

Là gốm nhưng không phải... gốm

Sau thời gian dài thực nghiệm, nghệ nhân Đỗ Hữu Triết (51 tuổi, ngụ 66 Chi Lăng, TP.Huế, Thừa Thiên-Huế) sáng tạo thành công chất liệu mới có tên Việt kim diêu có thể đáp ứng nhu cầu sáng tạo nghệ thuật với nhiều đặc tính ưu việt.