(GLO)- Nhận thức được tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường và sức khỏe con người, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã triển khai các hoạt động thiết thực nhằm giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường.
Thay đổi nhận thức
Là đơn vị đi đầu thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa”, những năm gần đây, Siêu thị Co.op Mart Pleiku ưu tiên kinh doanh các sản phẩm thân thiện với môi trường như: ống hút giấy, ly giấy, chén giấy, túi đựng thực phẩm nhiều lần. Bên cạnh đó, đơn vị sử dụng các loại bao bì dễ phân hủy, thân thiện với môi trường để đóng gói sản phẩm giao cho khách hàng. Các loại bao bì này chủ yếu làm bằng bột bắp, giấy tự hủy, lá chuối, lá sen. Đồng thời, Siêu thị chủ động phân loại rác thải tại nguồn thành rác thải hữu cơ, vô cơ, rác thải tái chế, rác thải độc hại; khuyến khích khách hàng sử dụng túi bảo vệ môi trường sử dụng nhiều lần; thường xuyên tuyên truyền, vận động người lao động và người tiêu dùng nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường thông qua các chương trình: “Tiêu dùng xanh”, “Ngày không túi ni lông”, “Đổi rác thải nhựa lấy hàng tiêu dùng”; tổ chức cho con em của người lao động và khách hàng thân thiết tham gia hội thi “Bé vẽ tranh về môi trường”…
Ông Bùi Quốc Bình-Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Pleiku-cho hay: Hệ thống Co.op Mart là nhà bán lẻ tiên phong tại Việt Nam triển khai thực hiện “Tiêu dùng xanh” 13 năm nay và đã nhận được nhiều động viên, khen thưởng từ các bộ, ngành. Đặc biệt, chiến dịch “Ngày không túi ni lông” và gói hàng hóa bằng lá thân thiện với môi trường đã được Thủ tướng Chính phủ trực tiếp khen thưởng. Riêng Co.op Mart Pleiku cũng đã được UBND tỉnh khen thưởng và chứng nhận đơn vị có thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ môi trường.
|
Khách hàng chọn mua sản phẩm dĩa-ly-chén giấy tại Siêu thị Co.op Mart Pleiku. Ảnh: Hà Duy |
Tương tự, Trường Sinh Group cũng có nhiều hoạt động thiết thực nhằm chung tay chống rác thải nhựa. Ông Phan Thanh Thiên-Tổng Giám đốc Trường Sinh Group-cho biết: “Khi xây dựng nhà máy, chúng tôi đã tính đến các phương án thu gom, xử lý rác thải, chú trọng hạn chế rác thải nhựa. Theo đó, chúng tôi đầu tư hệ thống nhà máy hiện đại nhằm xử lý tốt chất thải nói chung, rác thải nhựa nói riêng. Đặc biệt, chúng tôi ưu tiên sử dụng các loại bao bì thân thiện với môi trường để đóng gói sản phẩm, thức uống như lon giấy, lon nhôm và một số chai nhựa HDPE do đơn vị sản xuất bán ra thị trường. Bên cạnh đó, khi cung cấp chai nhựa HDPE ra thị trường, chúng tôi yêu cầu các đại lý thu gom các chai nhựa đã qua sử dụng từ khách hàng và thu mua lại với giá bằng 30% giá bán chai nhựa để tái chế nhằm hạn chế rác thải nhựa ra ngoài môi trường”.
Nâng cao vai trò của doanh nghiệp
Thời gian qua, thông qua công tác tuyên truyền, vận động, hầu hết doanh nghiệp trên địa bàn đã hiểu được tác hại của rác thải nhựa và bước đầu đã thay đổi hành vi trong tham gia chống rác thải nhựa để bảo vệ môi trường. Ông Nguyễn Tuấn-Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh-cho hay: Hai năm qua, Hiệp hội đã tập trung thực hiện nhiệm vụ được UBND tỉnh giao tại Chỉ thị số 13/CT-UBND ngày 28-10-2020 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh. Hoạt động này đã đạt kết quả bước đầu, nhất là ở các doanh nghiệp có cơ sở bán lẻ, dịch vụ ăn uống. Mới đây, Hiệp hội phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam-Chi nhánh Đà Nẵng, Trung tâm Giáo dục và Phát triển tổ chức hội thảo “Vai trò của doanh nghiệp trong thúc đẩy, hỗ trợ các hoạt động tái chế rác thải nhựa” nhằm nâng cao nhận thức cho hội viên trong quản lý, xử lý rác thải nhựa để tìm kiếm các giải pháp đổi mới, hướng tới sản xuất kinh doanh bền vững thông qua áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn.
“Thông qua những hoạt động nói trên, các doanh nghiệp hội viên đã có những thay đổi nhất định về nhận thức lẫn hành vi trong xử lý rác thải nói chung, rác thải nhựa nói riêng. Hiệp hội sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp hội viên tích cực tham gia chống rác thải nhựa phù hợp với điều kiện cụ thể của từng đơn vị, hướng đến mục đích cuối cùng là bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, bảo vệ môi trường nhưng vẫn cân bằng được lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp. Xử lý rác thải nhựa đang trở thành nhu cầu thiết thực của các doanh nghiệp và ngày càng có thêm doanh nghiệp đầu tư dịch vụ này như: Công ty cổ phần Công trình đô thị Gia Lai, Công ty TNHH Dịch vụ môi trường Gia Lai, Nhà máy xử lý rác thải Chư Sê… Bên cạnh đó, xử lý môi trường, rác thải cũng là lĩnh vực khởi nghiệp đầy tiềm năng”-ông Tuấn cho hay.
|
Trường Sinh Group nói không với việc sử dụng các chai nhựa, ly nhựa đựng nước tại các buổi làm việc, hội họp. Ảnh: Nhật Hào |
Trao đổi với P.V, bà Lê Thị Hồng Quyên-Chi cục phó Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) nhìn nhận: Tuy mới triển khai được gần 4 năm nhưng phong trào “Chống rác thải nhựa” đã thực sự lan tỏa trong cộng đồng nói chung, doanh nghiệp nói riêng. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp đã có những chương trình, hoạt động thiết thực như: không sử dụng chai nhựa đựng nước trong hội họp; ngưng kinh doanh các sản phẩm nhựa dùng 1 lần; sử dụng các loại túi thân thiện với môi trường gói hàng cho khách; chú trọng sản xuất các sản phẩm an toàn hoặc tái chế các sản phẩm nhựa an toàn để cung cấp ra thị trường…
“Thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tuyên truyền về Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và đẩy mạnh phong trào “Chống rác thải nhựa” nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng, doanh nghiệp trong chung tay giảm thiểu, phân loại rác thải tại nguồn, tăng cường khả năng tái sử dụng, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường cũng như giảm dần việc kinh doanh các sản phẩm nhựa dùng 1 lần, bao bì nhựa khó phân hủy”-Chi cục phó Chi cục Bảo vệ môi trường thông tin.
HÀ DUY - NHẬT HÀO