Đỗ Thị Ánh Nguyệt trở thành VĐV Việt Nam thứ 15 giành vé tham dự Olympic Paris

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cung thủ Đỗ Thị Ánh Nguyệt đã được Liên đoàn bắn cung thế giới (World Archery) xác nhận là 1 trong 5 vận động viên cuối cùng đến với Thế vận hội 2024 dựa vào bảng xếp hạng thế giới ở nội dung cá nhân.
Cung thủ Đỗ Thị Ánh Nguyệt, (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Cung thủ Đỗ Thị Ánh Nguyệt, (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Cung thủ Đỗ Thị Ánh Nguyệt đã được Liên đoàn Bắn cung Thế giới (World Archery) xác nhận là 1 trong 5 vận động viên cuối cùng đến với Thế vận hội 2024 dựa vào bảng xếp hạng thế giới ở nội dung cá nhân.

Trước đó, cung thủ Lê Quốc Phong trở thành vận động viên thứ 12 của Thể thao Việt Nam giành vé chính thức tham dự Olympic Paris 2024, sau khi lọt vào Bán kết nội dung cung 1 dây cá nhân nam tại Cúp Bắn cung thế giới tại Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ (diễn ra từ 12-23/6).

Như vậy, Đỗ Thị Ánh Nguyệt sẽ cùng Lê Quốc Phong tham dự thêm một nội dung cung 1 dây hỗn hợp nam nữ tại Olympic Paris.

Đỗ Thị Ánh Nguyệt xếp hạng cao trên Bảng xếp hạng thế giới nhờ vào quá trình thi đấu tốt tại giải vô địch châu Á 2023 (27 điểm), ASIAD 19 (21 điểm), vô địch thế giới 2023 (20 điểm), vòng loại Olympic châu Á 2023 (17 điểm).

Đây cũng là kỳ Olympic thứ 2 liên tiếp của cung thủ nữ số 1 Việt Nam ở nội dung cung 1 dây. Tại Olympic Tokyo 2020, cung thủ Đỗ Thị Ánh Nguyệt là thành viên nhỏ tuổi nhất của Đoàn Thể thao Việt Nam.

Ở giải đấu cấp quốc tế này, cô phải sớm nói lời chia tay khi để thua cung thủ nước chủ nhà trong lượt bắn tie-break với kết quả chung cuộc là 7-8. Tại SEA Games 30, cô giành Huy chương Vàng đồng đội cung 1 dây nữ.

Đỗ Thị Ánh Nguyệt sinh ngày 15/1/2001 tại thôn Hồng Thái, xã Lạc Hồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Bắt đầu sự nghiệp vận động viên vào năm 2016 với môn bóng rổ, đến năm 2017, sau 7 tháng tập luyện tại đội trẻ bóng rổ Hà Nội, các huấn luyện viên ở đội bóng rổ cho rằng Ánh Nguyệt có những tố chất của một cung thủ, nên đã khuyên cô thử thách ở bộ môn này.

Sau đó với tố chất tiềm năng, Đỗ Thị Ánh Nguyệt đã quyết định rẽ ngang sang con đường cung thủ và nhanh chóng trở thành một hạt giống tiềm năng của thể thao Việt Nam.

Tháng 12/2019, Ánh Nguyệt tham dự SEA Games 30 tại Philippines. Ngày 8/12, Ánh Nguyệt cùng Lộc Thị Đào, Nguyễn Thị Phương giành huy chương vàng đồng đội cung 1 dây nữ. Ánh Nguyệt sau đó được đề cử là một trong ba ứng cử viên cho hạng mục Vận động viên trẻ xuất sắc nhất Cúp Chiến thắng 2019.

Bên cạnh đó, với việc giành suất tham dự Olympic Paris 2004, Hà Thị Linh (boxing) và Đỗ Thị Ánh Nguyệt (bắn cung) sẽ được đơn vị chủ quản thưởng gần 1 tỷ đồng.

Được biết, Hà Nội là địa phương duy nhất thưởng 816 triệu đồng cho vận động viên vượt qua vòng loại Olympic, giành suất đến Thế vận hội (17 triệu đồng/người/tháng trong vòng 4 năm).

Tính đến thời điểm hiện tại, Thể thao Việt Nam đã có 15 suất tham dự Olympic Paris 2024, đó là Nguyễn Thị Thật (xe đạp), Nguyễn Huy Hoàng và Võ Thị Mỹ Tiên (bơi lội), Trịnh Thu Vinh và Lê Thị Mộng Tuyền (bắn súng), Trịnh Văn Vinh (cử tạ), Nguyễn Thị Hương (canoeing), Phạm Thị Huệ (rowing) Nguyễn Thùy Linh và Lê Đức Phát (cầu lông), Võ Thị Kim Ánh và Hà Thị Linh (boxing), Lê Quốc Phong và Đỗ Thị Ánh Nguyệt (bắn cung), Hoàng Thị Tình (judo).

Có thể bạn quan tâm

Dấu ấn Kim Sang-sik

Dấu ấn Kim Sang-sik

Khác với hình ảnh điềm đạm kể từ khi làm HLV tuyển Việt Nam, ông Kim Sang-sik đã bộc lộ nhiều cung bậc cảm xúc xuyên suốt trận chung kết lượt về ASEAN Cup 2024