Như vậy là sau những chuyện xảy ra ở thủy điện Thượng Nhật (tỉnh Thừa Thiên - Huế), dư luận lại tiếp tục "nóng" với việc xả lũ của 2 nhà máy thủy điện Buôn Kuốp và Buôn Tua Srah (tỉnh Đắk Nông).
Theo thống kê sơ bộ, những ngày đầu tháng 12, trên sông Krông Nô có khoảng 160 lồng bè cá của dân thiệt hại do nhà máy thủy điện bất ngờ xả lũ. Tương tự, đoạn sông Sêrêpốk qua huyện Cư Jút cũng thiệt hại 25 lồng bè cá. Tổng thiệt hại ước tính 60 tỉ đồng và hơn 10 tỉ đồng thiệt hại do cây trồng bị ngập lụt.
May là không thiệt hại về người nhưng thiệt hại tài sản như vậy đã rất lớn đối với dân tỉnh nghèo như Đắk Nông. Trong buổi thị sát vào ngày 5-12 tại khu vực thủy điện xả lũ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông - ông Lê Trọng Yên - đã yêu cầu UBND 2 huyện bị thiệt hại là Krông Nô và Cư Jút trích ngân sách hỗ trợ trước mắt để dân sớm ổn định cuộc sống. Ông Yên cũng khẳng định với báo chí "sẽ kiến nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo các ban quản lý dự án thủy điện như Buôn Kuốp, Buôn Tua Srah xem xét hỗ trợ, tránh thiệt hại cho người dân".
Như vậy, nếu Đắk Nông làm tròn trách nhiệm thì những thiệt hại của dân sẽ có cơ hội được hỗ trợ phần nào. Chưa kể, nếu phát hiện có việc cố tình làm sai quy định vận hành hồ chứa, xả lũ thì những thiệt hại của dân sẽ phải được bồi thường chứ không thể giản đơn là hỗ trợ.
Nhưng việc xả lũ của thủy điện Buôn Kuốp và Buôn Tua Srah vừa qua có sai quy trình không? Dù việc đã xảy ra qua vài ngày nhưng lãnh đạo tỉnh Đắk Nông và các huyện bị thiệt hại vẫn chưa khẳng định được, mới ở mức chỉ đạo làm rõ xem quy trình vận hành hồ chứa, xả lũ có bảo đảm đúng quy định hay không mà thôi?
Ở một diễn biến khác, báo chí cho biết ông Nguyễn Đức, Phó Giám đốc Công ty CP Thủy điện Buôn Kuốp, khẳng định: "Chúng tôi đã thực hiện đúng quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Sêrêpốk, việc thông tin không đến được với người dân, gây thiệt hại cho người dân là điều đáng tiếc".
Như vậy là rõ: Trong chuyện xả lũ này đã có việc "thông tin không đến được với người dân". Đây chính là mấu chốt của hậu quả sau đó là "gây thiệt hại cho người dân".
Cần nhớ là căn cứ Nghị định số 114/2018/NĐ-CP (ngày 4-9-2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước), Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 09/2019/TT-BCT (ngày 8-7-2019) về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện. Thông tư này quy định rõ chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện có trách nhiệm thống nhất với UBND, ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn địa phương vùng hạ du trong việc lắp đặt hệ thống cảnh báo vận hành xả lũ tại vùng hạ du, những trường hợp phải cảnh báo, thời điểm cảnh báo, hình thức cảnh báo... kể cả trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân có liên quan việc cảnh báo.
Vậy trong trường hợp này, vì đâu và vì ai mà thông tin xả lũ "không đến được với người dân" 2 huyện Krông Nô và Cư Jút? Câu trả lời là không khó đối với chính quyền tỉnh Đắk Nông và các huyện liên quan.
Và thưa ông Nguyễn Đức, đây là điều rất "đáng sợ" chứ không chỉ "đáng tiếc" đâu!
Theo Lương Duy Cường (NLĐO)