(GLO)- Để giáo viên có thể hiểu được những mơ ước của học sinh qua đó góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chư Pah, Gia Lai đã triển khai mô hình “Cây mong ước” và hộp thư “Điều em muốn nói”. Sau 3 năm triển khai, 2 mô hình này đã trở thành cầu nối hữu ích, tạo sự gắn kết giữa giáo viên và học sinh, hướng đến xây dựng môi trường học thân thiện.
Từ chuyện trường đến chuyện nhà
Trường Tiểu học số 2 Nghĩa Hưng là một trong những đơn vị triển khai tốt mô hình “Cây mong ước” và hộp thư “Điều em muốn nói”. Cô Phạm Thị Hoan-Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “2 mô hình này được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện triển khai từ năm học 2015-2016. Sau đó, chúng tôi triển khai cho tất cả giáo viên và các lớp chủ động xây dựng mô hình theo cách riêng sao cho phù hợp với lứa tuổi học sinh. Qua theo dõi, chúng tôi thấy các em học sinh rất thích mô hình này và thường xuyên chia sẻ tâm tư, ước mơ của bản thân”.
Các em học sinh chia sẻ ước mơ lên Cây mong ước. Ảnh: T.B |
“Cây mong ước” thường được giáo viên để ở gần bục giảng, có lớp gắn những quả bóng, thú bông lên cây, giáo viên bỏ sẵn băng keo 2 mặt ở gần bảng lớp để các em học sinh chủ động gắn ước mơ của mình lên cây. Có lớp dùng bao thư hoặc hộp quà và ghi tên của học sinh lên trên, các em viết ước mơ lên mảnh giấy rồi bỏ vào nơi có ghi tên mình. Còn với hộp thư “Điều em muốn nói”, các em viết điều mình muốn chia sẻ vào một mảnh giấy và bỏ vào hộp thư; chìa khóa hộp thư do các giáo viên chủ nhiệm giữ. Vào 15 phút sinh hoạt đầu giờ, giáo viên chủ nhiệm kiểm tra “Cây mong ước” và hộp thư để kịp thời chia sẻ, giải quyết nguyện vọng của học sinh.
Qua đó, nhiều học sinh đã chia sẻ những ước mơ thật đẹp như: ước mơ được đi du học, mong muốn sau này được làm chú Công an, mong muốn các bạn học sinh nghèo được cắp sách đến trường, mong tất cả các bạn được lên lớp... Em Nguyễn Thị Trà My (lớp 4A, Trường Tiểu học số 2 Nghĩa Hưng) bày tỏ: “Cây mong ước” và hộp thư “Điều em muốn nói” rất ý nghĩa với chúng em. Có những điều chúng em muốn nói với thầy cô nhưng lại không dám nói ra. Nhờ những mô hình này mà em mạnh dạn giãi bày với thầy cô”. Bên cạnh đó cũng có những tâm sự rất xúc động, như của em Nguyễn Tuyết Nhi (lớp 1C, Trường Tiểu học số 2 Nghĩa Hưng): “Ba em bị câm bẩm sinh, em rất buồn. Em muốn ba biết nói để khen em ngoan và động viên khi em được điểm tốt”.
Tương tự, Trường Tiểu học Chư Jôr đã triển khai 2 mô hình này từ năm học 2016-2017 và cũng được các em học sinh đón nhận rất hào hứng. Nhà trường có 78/180 học sinh dân tộc Jrai nên sự giao tiếp, sẻ chia với thầy cô còn hạn chế. Cô Nguyễn Thị Bích Thảo-giáo viên chủ nhiệm lớp 2, cho biết: “Với “Cây mong ước”, sau khi chuẩn bị cây xanh, tôi dùng những phong bao lì xì và ghi tên của các em lên đó, nếu có mong ước gì thì các em bỏ vào phong bao của mình. Cứ mỗi buổi sáng, tôi sẽ kiểm tra để có định hướng cho các em. Với hộp thư “Điều em muốn nói”, chìa khóa do tôi giữ và kiểm tra hộp thư hàng ngày. Tất cả những điều chia sẻ của các em được giữ kín. Điều đáng nói là các em học sinh dân tộc thiểu số rất hào hứng với mô hình này và tích cực chia sẻ”.
Hướng đến môi trường giáo dục thân thiện
Qua 3 năm triển khai, 2 mô hình trên đã trở thành cầu nối giữa giáo viên và các em học sinh trong trường. Cô Phạm Thị Hoan-Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 Nghĩa Hưng, cho biết: “Hàng tuần, Ban Giám hiệu tổng hợp những chia sẻ của các em từ các giáo viên chủ nhiệm, từ đó xem xét để có hướng giải quyết kịp thời, điều chỉnh sao cho hợp lý. Nhiều em học sinh được thầy cô khuyến khích, động viên nên tích cực hơn trong học tập. Cũng có những chia sẻ, tâm tư về gia đình nhưng các em không dám nói với bố mẹ, do đó nhà trường cũng chủ động xem xét và liên lạc với phụ huynh để tìm hướng giải quyết”. Còn cô Trần Thị Hiền-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chư Jôr, cho hay: “Nhiều em chia sẻ về hoàn cảnh gia đình, có em do quá khó khăn nên không đủ đồ dùng học tập... Nhờ những mô hình này mà nhà trường kịp thời chia sẻ, hỗ trợ các em bằng cách trích quỹ mua sách vở, đồ dùng học tập tặng các em, ngăn chặn tình trạng nghỉ học giữa chừng”.
Ông Nguyễn Anh Tuấn-cán bộ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chư Pah: Hai mô hình “Cây mong ước” và hộp thư “Điều em muốn nói” đã được triển khai đến tất cả 19 trường Tiểu học trên địa bàn huyện và đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần xây dựng trường học thân thiện, nâng cao chất lượng dạy và học. |
Thủy Bình