Dịch COVID-19 sáng 25-4: Việt Nam 0 ca mới, số người chết ở Mỹ vượt 50.000

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Việt Nam không ghi nhận ca bệnh mới, tổng số ca nhiễm hiện tại là 270. Tại Mỹ, số người chết vì COVID-19 của Mỹ vượt mốc 50.000 ca.

 

Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ đạo cuộc họp báo về dịch bệnh COVID-19 tại Nhà Trắng ngày 24-4-2020 - Ảnh: REUTERS
Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ đạo cuộc họp báo về dịch bệnh COVID-19 tại Nhà Trắng ngày 24-4-2020 - Ảnh: REUTERS



Việt Nam không có ca nhiễm mới

Thông tin từ Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 lúc 6h sáng 25-4 cho biết tính từ 18h ngày 24-4 đến 6h ngày 25-4, Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm mới.

Như vậy từ ngày 23-1 đến nay, tại Việt Nam ghi nhận tổng cộng 270 ca mắc COVID-19, trong đó 220 ca đã khỏi.

Theo báo cáo của Tiểu ban điều trị Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, có 5 bệnh nhân dương tính trở lại sau khi được công bố khỏi bệnh gồm bệnh nhân 188, bệnh nhân 52 và 149, 137 và 36.

Trước đó, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Tiểu Ban điều trị đã có công văn yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố và các bệnh viện được phân công điều trị COVID-19 theo dõi xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người bệnh COVID-19 đã ra viện.

Theo thông tin báo chí, Hàn Quốc cũng gặp phải tình trạng tương tự. Ngày 18-4, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hàn Quốc (KCDC) công bố 160 bệnh nhân dương tính lại sau trung bình 13,5 ngày ra viện, Tổ chức Y tế Thế giới đang điều tra về các trường hợp này.

Số người chết ở Mỹ vượt 50.000

Trong bối cảnh số người chết vì COVID-19 của Mỹ vượt mốc 50.000 ca, Tổng thống Trump vừa ký phê chuẩn gói cứu trợ kinh tế 483 tỉ USD, chủ yếu hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ.

Tới 2h sáng nay 25-4, theo hãng tin AFP, tổng số người bệnh COVID-19 chết ở Mỹ đã vượt 50.000 (chính xác là 50.360), cao nhất thế giới.

Sau Mỹ là Ý với 25.969 người chết. Tiếp nữa lần lượt là Tây Ban Nha với 22.524 người, Pháp với 22.245 người và Anh với 19.506 người.

Bỉ dần mở lại doanh nghiệp, trường học từ giữa tháng 5

Thủ tướng Bỉ, bà Sophie Wilmes ngày 24-4 thông báo các doanh nghiệp và trường học ở Bỉ sẽ dần mở lại từ giữa tháng 5 sau khi nước này nới lỏng lệnh phong tỏa phòng dịch áp dụng từ giữa tháng 3.

Theo hãng tin AFP, các doanh nghiệp sẽ khởi động lại từ 11-5 trong khi trường học từ 18-5. Bà Sophie Wilmes nói mặc dù tốc độ lây lan virus đã chậm lại nhưng tình thế vẫn "chưa có gì chắc chắn cả".

Cũng theo bà Sophie Wilmes, các giai đoạn nới lỏng giãn cách khác nhau vẫn có thể bị trì hoãn nếu các chuyên gia thấy cần phải như vậy. Bà khuyến cáo các doanh nghiệp phải tôn trọng giãn cách xã hội khi mở lại.

Cho tới 24-4, quốc gia có 11,5 triệu dân của châu Âu này đã có hơn 44.000 người mắc COVID-19, trong đó có gần 6.700 người chết.

Ông Trump ký gói cứu trợ gần 500 tỉ USD cứu doanh nghiệp

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 24-4 ký phê chuẩn gói cứu trợ gần 483 tỉ USD, hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng trong đại dịch COVID-19.

Theo AFP, phần lớn số tiền này (320 tỉ USD) sẽ dành để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, giúp họ duy trì hoạt động và trả lương cho người lao động.

Đây là gói cứu trợ kinh tế lớn thứ hai của chính phủ Mỹ trong đại dịch, sau gói cứu trợ 2,2 ngàn tỉ USD được phê chuẩn tháng 3.

Kể từ giữa tháng 3, số người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp ở Mỹ lên 26,4 triệu.

Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ ước tính nền kinh tế Mỹ sẽ sụt giảm 12% trong quý 2 năm tài khóa 2020 và tỉ lệ thất nghiệp sẽ lên tới gần 14% do ảnh hưởng của phong tỏa, giãn cách phòng dịch.

Trong khi đó chính phủ Ý ước tính mức thâm hụt ngân sách sẽ tăng lên 10,4% GDP và nợ công tăng 155,7% trong năm 2020.

Tại Nga, ngân hàng trung ương cho biết nền kinh tế sẽ giảm tới 6% năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh và giá dầu giảm sốc.

Người Hồi giáo vô tháng chay Ramadan trong tình trạng phong tỏa

Cộng đồng người Hồi giáo trên toàn thế giới đã bắt đầu bước vào tháng chay Ramadan thiêng liêng của họ trong tình trạng nhiều nơi bị phong tỏa, giãn cách vì dịch COVID-19.

Vì dịch bệnh, hàng trăm triệu người Hồi giáo từ Đông Nam Á cho tới Trung Đông và châu Phi đã không thể tới cầu nguyện trong các đền thờ và cũng không được phép tụ tập đông người để thực hiện các hoạt động tín ngưỡng như bình thường.

Anh hơn 19.500 người chết, Pháp giảm số người chết và số người nhập viện

Tổng số người bệnh COVID-19 chết ở Anh đã tăng lên gần 20.000 người tính tới ngày 24-4 trong bối cảnh chính phủ Anh đối mặt với dư luận kêu gọi cần công khai rõ hơn chiến lược thoát dần khỏi những biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt.

Nước Anh đã ở trong tình trạng phong tỏa phòng dịch một tháng, các doanh nghiệp đóng cửa trong khi người dân phải ở nhà và chỉ ra ngoài mua thực phẩm và thuốc men hay tập thể dục.

Trong khi đó tại Pháp, ngày 24-4 ghi nhận thêm 389 người chết vì COVID-19, giảm hơn so với những ngày trước đó. Tin tích cực là số người phải nhập viện và điều trị tích cực tại Pháp cũng đã giảm. Hiện số người phải nằm phòng hồi sức tích cực tại Pháp đã giảm xuống dưới 5.000 người.

Theo hãng tin AFP, tới nay Pháp có tổng cộng 22.245 người đã chết vì COVID-19.

Theo DƯƠNG KIM THOA - LAN ANH (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Cán bộ y tế TP. Pleiku tuyên truyền về phòng-chống sốt rét đến người dân. Ảnh: N.N

Pleiku loại trừ sốt rét

(GLO)- Ngày 6-12 vừa qua, TP. Pleiku được công nhận đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét năm 2024. Đây là thành quả cho những nỗ lực của địa phương trong công tác phòng-chống một trong những căn bệnh tồn tại dai dẳng trong cộng đồng.

4 lợi ích sức khỏe khi chạy bộ 2 km/ngày

4 lợi ích sức khỏe khi chạy bộ 2 km/ngày

Chạy bộ là một trong những hình thức tập luyện phổ biến nhất. Lợi thế của bài tập này là không cần thiết bị tập luyện và bất kỳ ai cũng có thể tập. Tùy vào thể lực của từng người mà có thể chạy với cự li bao xa.

Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm y tế, chiều 2711. Ảnh Media Quốc hội. Nguồn vnexpress.net

Người mắc bệnh hiểm nghèo sẽ được chuyển bảo hiểm y tế lên thẳng cấp chuyên sâu

(GLO)- Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, trong đó có điểm mới về thông cấp khám-chữa bệnh với quy định một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... được lên thẳng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu.