Đền thờ Bác Hồ - Linh thiêng trên đỉnh núi Vua

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Dãy núi Ba Vì được coi là núi tổ của nước Đại Việt với 3 ngọn, trong đó hướng Đông là đỉnh Vua cao 1.296m so với mực nước biển, trên đó tọa lạc Ngôi đền thờ Người Cha già vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Ngôi đền được xây dựng từ ngày 1-3-1999 và khánh thành cuối tháng 8 cùng năm, đúng vào ngày 21 tháng Bảy Âm lịch năm ấy cũng là ngày giỗ Bác. 
1. Mất gần nửa giờ để vượt qua quãng đường hơn chục cây số hoang sơ và hùng vĩ, với những đoạn quanh co giữa rừng xanh bạt ngàn, tới những khúc cua tay áo, dốc dựng thẳng đứng, chúng tôi đến Trạm kiểm lâm cốt 1.100m, Vườn quốc gia Ba Vì, Hà Nội trong cái sương mù se lạnh của những ngày đầu thu tháng 8.
Nhâm nhi chén nước chè xanh nóng hổi như để xua đi mệt mỏi sau một chặng đường “ù tai, chóng mặt”, chúng tôi trò chuyện với anh Trần Ngọc Chính, Trạm trưởng. Anh chia sẻ: Trạm được thành lập từ năm 1996, với 5 thành viên.
Ngoài nhiệm vụ chính quản lý bảo vệ gần 1.000ha rừng thuộc phân khu nghiêm ngặt của Vườn Quốc gia Ba Vì nằm ở độ cao từ 800m trở lên, anh em trong trạm còn có nhiệm vụ thiêng liêng là túc trực bảo vệ, trông nom, hương khói đền thờ Bác Hồ nằm ở cao độ cốt 1.296m trên đỉnh Vua của dãy Ba Vì hùng vĩ. Đây là công việc rất đặc thù không nơi nào có được. 
Tháp Báo thiên được xây dựng gần Đền thờ Bác và hoàn thành vào năm 2010 với 13 tầng, cao 26,9m.
Tháp Báo thiên được xây dựng gần Đền thờ Bác và hoàn thành vào năm 2010 với 13 tầng, cao 26,9m.
Sau khi dâng hương tại bàn thờ Bác Hồ được đặt tại trạm, chúng tôi bắt đầu chặng leo núi chinh phục đỉnh Vua. Qua cổng tam quan vào khu đền thờ Bác Hồ, chúng tôi như lạc vào cõi thiêng giữa cánh rừng nguyên sinh rậm rạp, xanh mướt với những cây cổ thụ cao vút, dây leo chằng chịt, sương mù phủ giăng giăng bên những vách núi.
Sau gần 1 giờ xuyên rừng, leo hơn 1.300 bậc thang đá bên vách núi hiểm trở, chúng tôi đã đặt chân tới đỉnh Vua trong bầu không khí trong lành và mát mẻ. Từ đây phóng tầm mắt ra 4 phía là non sông hùng vĩ hiện ra trước mắt. Cả một vùng đồng bằng Bắc bộ trù phú trải dài mênh mông, xa xa là núi rừng Tây Bắc trùng điệp. 
2. Cùng đồng hành với chúng tôi lên đỉnh Vua là anh Đỗ Hữu Thế, Phó Giám đốc Vườn quốc gia Ba Vì, một người con của quê hương Ba Vì. Anh Thế là người có thâm niên lâu nhất với hơn 30 năm gắn bó Vườn quốc gia Ba Vì, là một trong những người lính gác đầu tiên ở đền thờ Bác Hồ trên đỉnh núi Vua khi được xây dựng xong.
Với anh Thế, núi rừng Ba Vì không chỉ được anh thuộc như lòng bàn tay, những câu chuyên về xây dựng đền thờ Bác trên đỉnh núi Vua cũng được người kiểm lâm già này nắm rõ tường tận. Anh Thế cho biết, Ba Vì được coi là ngọn núi tổ của nước Đại Việt.
Hướng Đông là đỉnh Vua. Đối diện về phía Tây là đỉnh Tản Viên, cao 1.226m, nơi có đền Thượng thờ Đức Thánh Tản Sơn Tinh - một trong “tứ bất tử” theo tín ngưỡng của người Việt (Thánh Tản Viên, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Bà chúa Liễu Hạnh). Tiếp đó là đỉnh Ngọc Hoa (tương truyền là con gái Vua Hùng thứ 18) cao 1.120m. 
Uy nghiêm đền thờ Bác trên đỉnh Vua núi Ba Vì.
Uy nghiêm đền thờ Bác trên đỉnh Vua núi Ba Vì.
Núi rừng Ba Vì không chỉ gắn liền với truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh huyền thoại mà còn là nơi linh thiêng của xứ Đoài (Ba Vì) xưa của nước Việt Nam. Theo truyền thuyết, xưa kia vua nhà Đường coi núi Ba Vì như một đầu rồng hùng mạnh, còn thân rồng chạy suốt tới phương Nam (dãy Trường Sơn ngày nay). Để nước Nam không thể phát Vương, vua Đường đã cử một vị tướng kiêm thầy phù thủy nổi tiếng tên Cao Biền dùng pháp thuật cho đào 100 cái giếng xung quanh chân núi Ba Vì trấn yểm, hòng triệt long mạch của nước ta.
Thế nhưng cứ đào gần xong cái giếng nào, giếng ấy sập xuống nên chúng đành phải bỏ cuộc… Xứ Đoài xưa còn là vùng đất địa linh nhân kiệt, gắn với tên tuổi của các vị anh hùng dân tộc, trong đó nổi tiếng nhất là Bố Cái Đại vương Phùng Hưng và Tiền Ngô vương Ngô Quyền.
3. Chuyện kể rằng, sinh thời Bác Hồ muốn sau khi qua đời tro cốt của mình sẽ được đặt ở 3 địa điểm, trong đó có núi Ba Vì. Từ cuối năm 1998 đến đầu năm 1999, đúng vào dịp kỷ niệm 30 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ý tưởng xây đền thờ Bác trên núi Ba Vì được nêu ra theo di nguyện của Người, cũng như mong muốn của đồng bào đã được Ban Bí thư phê chuẩn.
Đền thờ Bác được xây dựng đơn giản, mang phong cách kiến trúc truyền thống có mái đao uốn cong ở 4 phía, dựng trên những chiếc cột tròn trên chân đá tảng với kết cấu bền vững, uy nghiêm.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn lãnh đạo Trung ương một lần lên thăm đền thờ Bác trên đỉnh Vua núi Ba Vì.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn lãnh đạo Trung ương một lần lên thăm đền thờ Bác trên đỉnh Vua núi Ba Vì.
Phía sân trước đền thờ Bác là tấm bia đá lớn nguyên khối, mặt trước khắc một đoạn trong Điếu văn của Ban chấp hành Trung ương Đảng do Tổng Bí thư Lê Duẩn đọc trong lễ tang của Người năm 1969: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ Tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta”.
Mặt kia khắc bút tích Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ở bức tường đầu hồi của đền có hình Trống đồng với hình bản đồ Việt Nam và dòng chữ màu vàng: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi” - Chủ tịch Hồ Chí Minh. 
Vào bên trong đền thờ Bác, khu chính điện là không gian rộng mở, không có cửa nên dễ dàng nhìn ngắm cảnh vật bên ngoài, thiên nhiên hòa quyện ùa vào từ mọi phía làm cho ngôi đền luôn tràn ngập ánh sáng. Trên bệ thờ đá chính giữa bàn thờ có bức tượng Bác Hồ đúc bằng đồng trong tư thế ngồi, phía trên là bức hoành phi ghi dòng chữ nổi tiếng: "Không có gì quý hơn độc lập, tự do".
Trên cao là cờ Tổ quốc ghép bằng đá hoa cương màu đỏ. 2 bên bệ thờ là chuông đồng và khánh đồng. Ngoài bức tường phía sau bàn thờ Bác, ba bề xung quanh và phía trước của ngôi đền là những chân tường chỉ cao chừng 0,5m, mặt trên được lát những tấm gỗ dài chắc chắn tựa như những chiếc ghế băng làm chỗ nghỉ chân cho đồng bào, chiến sĩ cả nước lên thăm viếng đền thờ Bác. Ngôi đền được kiến trúc đúng như mong muốn Bác đã để lại trong di chúc: “…Nên xây một cái nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi...”.
4. Gần 20 năm đã trôi qua, từ khi khánh thành đến nay, đền thờ Bác trên đỉnh Ba Vì luôn ấm áp khói hương và rực rỡ hoa tươi. Hàng ngày rất nhiều người dân ở khắp mọi miền đất nước và kiều bào, bạn bè quốc tế tới thăm viếng, dâng hương lên Người, nhất là với những ngày lễ, Tết, ngày rằm, mồng một và ngày giỗ Bác.
Không lúc nào, đền thờ Bác tắt khói hương, bất kể những lúc thời tiết khắc nghiệt. Bởi ở đỉnh cao nhất của dãy Ba Vì này luôn có những người lính kiểm lâm không quản ngại gian khổ, vất vả, thiếu thốn... túc trực để trông coi, hương khói cho Người.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Trần Ngọc Chính tự hào: “Ở nơi rừng xanh, núi cao rất vất vả, khó khăn và thiếu thốn, nhưng chúng tôi rất vui và hãnh diện với công việc chuyên môn và trên hết là nhiệm vụ cao cả khi được trông coi và bảo vệ đền thờ Bác”.
Hàng ngày, ngoài việc tuần tra bảo vệ rừng, tiếp đón, giúp đỡ bà con, du khách tới thăm Vườn quốc gia Ba Vì và đền thờ Bác, anh em trong trạm còn phân công nhau túc trực chăm sóc, dọn dẹp trên đền thờ Bác bằng tất cả tấm lòng thành kính. 
Nguyễn Quốc (sggp)

Có thể bạn quan tâm

Những người giữ hồn dân ca Jrai

Những người giữ hồn dân ca Jrai

(GLO)- Nhằm bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc Jrai, nhiều nghệ nhân ở xã Ia Rbol (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) từng ngày âm thầm lưu giữ những làn điệu dân ca như một cách thể hiện tình yêu với cội nguồn.

Lưu giữ “men say” của đại ngàn

Lưu giữ “men say” của đại ngàn

(GLO)- Hiện nay, nhiều gia đình người dân tộc thiểu số ở Gia Lai vẫn giữ nghề ủ rượu cần truyền thống từ men lá tự nhiên. Theo thời gian, họ đã cùng nhau lưu giữ “men say” của đại ngàn, giúp cho thức uống mang đậm dấu ấn văn hóa của cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên được chắp cánh bay xa.

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

(GLO)- Đây là số cuối cùng của chuyên mục “Gương mặt thơ” trên báo Gia Lai Cuối tuần do tôi phụ trách.Chuyên mục đã đi được hơn 2 năm (từ tháng 10-2022), tới nay đã giới thiệu tác phẩm của hơn 100 nhà thơ nổi tiếng trên thi đàn cả nước.

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

(GLO)- Rời quê vào thôn Đà Bắc (xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) lập nghiệp đã hơn 30 năm, nhưng cộng đồng người Mường vẫn luôn duy trì và nỗ lực bảo tồn văn hóa cồng chiêng của dân tộc. Với họ, “giữ lửa” cồng chiêng chính là cách làm thiết thực nhất tạo sự gắn kết bền chặt với quê hương, nguồn cội.

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là di sản có tiềm năng khai thác kinh tế du lịch. Ảnh: Minh Châu

Những ngày làm hồ sơ “Không gian văn hóa cồng chiêng”

(GLO)- Ngày 23-3-2004, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) ban hành quyết định về việc xây dựng hồ sơ ứng cử quốc gia “Vùng văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” là di sản tiếp nối trình UNESCO công nhận là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại.

Về miền di sản

Về miền di sản

(GLO)- Những địa danh lịch sử, điểm di sản là nơi thu hút nhiều người đến tham quan, tìm hiểu. Được tận mắt chứng kiến và đặt chân lên một miền đất giàu truyền thống luôn là trải nghiệm tuyệt vời và xúc động đối với nhiều người.

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

(GLO)- Tại Kỳ họp thứ 19 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể diễn ra tại Thủ đô Asunción (Cộng hòa Paraguay) vào ngày 4-12, UNESCO đã chính thức ghi danh Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

“Điểm sáng văn hóa vùng biên”

“Điểm sáng văn hóa vùng biên”

(GLO)- Năm 1993, Sở Văn hóa-Thông tin (VH-TT) và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai đã ký kết chương trình phối hợp hành động với nhiều hoạt động thiết thực, trong đó có mô hình “Điểm sáng văn hóa vùng biên”.