Pleiku: Phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Không chỉ thường xuyên tổ chức các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, TP. Pleiku cũng chú trọng đầu tư, mở lớp đào tạo để bà con các xã, phường trên địa bàn thêm gắn bó với cồng chiêng-di sản quý báu của dân tộc.
Pleiku Roh (phường Yên Đổ, TP. Pleiku) là một trong những ngôi làng thường xuyên có các hoạt động duy trì sức sống cồng chiêng. Làng có 2 đội cồng chiêng, trong đó đội thanh niên gồm các em từ 7 đến 16 tuổi thường xuyên đại diện TP. Pleiku tham gia các lễ hội, cuộc thi, liên hoan lớn nhỏ trong và ngoài tỉnh. Không chỉ vậy, năm 2018, đội cồng chiêng này còn là chủ lực trong chương trình giao lưu, biểu diễn cồng chiêng tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) hàng tháng. Mặc dù không được tổ chức thường xuyên như kế hoạch do điều kiện thời tiết, song mỗi lần biểu diễn chương trình đều thu hút được sự quan tâm của đông đảo nhân dân. Các bài chiêng quen thuộc như: Mừng lúa mới, Đâm trâu, Mừng chiến thắng... được phối hợp ăn ý, nhịp nhàng, do vậy đội chiêng của Pleiku Roh luôn khiến nhiều người dân và du khách thích thú theo dõi. 
  Biểu diễn cồng chiêng tại Công viên Đồng Xanh. Ảnh: Đ.T
Biểu diễn cồng chiêng tại Công viên Đồng Xanh. Ảnh: Đ.T
Anh Thưm-Đội trưởng Đội cồng chiêng Pleiku Roh-chia sẻ: “Đội cồng chiêng thanh niên của làng thành lập cũng khá lâu rồi. Các thành viên trong đội đều là những người có tình yêu mãnh liệt với cồng chiêng. Mỗi lần chuẩn bị biểu diễn, ai cũng háo hức tập luyện, người lớn hơn chỉ dạy cho người nhỏ hơn. Nhờ vậy mà ai cũng thành thạo”.
Cũng là một trong những “hạt nhân” cồng chiêng của TP. Pleiku, làng Chuét 2 (phường Thắng Lợi) khá “nổi danh” khi nhiều lần đạt giải cao trong các liên hoan, cuộc thi cồng chiêng do các cấp tổ chức. Đặc biệt, đội cồng chiêng của làng vừa được chọn đại diện cho tỉnh Gia Lai tham gia Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ nhất-2019 tại tỉnh Đak Nông. Ông Yaih-Trưởng thôn-cho hay: “Đội cồng chiêng làng chúng tôi thường xuyên được phường, thành phố quan tâm tạo điều kiện cho tham gia nhiều hội diễn, liên hoan cồng chiêng. Nhờ đó mà các thành viên trong đội có nhiều kinh nghiệm, hiểu biết thêm về nghệ thuật cồng chiêng ở các nơi khác để học hỏi”.
Trong số 14 xã, phường có cồng chiêng của thành phố thì xã Ia Kênh và xã Gào là 2 đơn vị đã thành lập được đội cồng chiêng ở các làng. Đều đặn hàng năm, xã Ia Kênh tổ chức chương trình liên hoan cồng chiêng, thu hút hàng trăm nghệ nhân trong xã tham gia và đông đảo nhân dân trong vùng đến xem, cổ vũ, tạo không khí sinh hoạt văn hóa phong phú, đặc sắc.
Ông Nguyễn Xuân Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin TP. Pleiku, cho biết: “Thành phố hiện có 31 đội cồng chiêng của 14/22 xã, phường. Người dân các làng còn lưu giữ khoảng 85 bộ cồng chiêng các loại. Những năm gần đây, nhằm kết hợp văn hóa truyền thống của dân tộc bản địa với phát triển du lịch, TP. Pleiku đặc biệt quan tâm phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng. Bên cạnh việc tạo điều kiện cho các đội cồng chiêng được tham gia các hội thi, hội diễn, khuyến khích bà con gìn giữ các nghi lễ truyền thống, chúng tôi còn mở thêm nhiều lớp tập huấn, truyền dạy cồng chiêng cho thanh niên các làng. Hàng năm, thành phố đều tổ chức Liên hoan cồng chiêng thanh-thiếu niên để “truyền lửa” cho thế hệ kế cận”.
Vừa qua, UBND TP. Pleiku đã tặng làng Ốp (phường Hoa Lư) một bộ âm thanh và một bộ cồng chiêng (trị giá 50 triệu đồng) để sử dụng trong các buổi sinh hoạt, lễ hội và biểu diễn phục vụ khách du lịch. Năm 2017, sau khi kết thúc lớp truyền dạy cồng chiêng, thành phố cũng tặng làng Brel (xã Biển Hồ) một bộ cồng chiêng để tập luyện và biểu diễn. “Bên cạnh các hoạt động truyền thống, năm nay, chúng tôi dự định phối hợp tổ chức lễ hội cồng chiêng đường phố với sự tham gia biểu diễn của các đội cồng chiêng trên địa bàn để người dân được tham gia một sinh hoạt văn hóa giàu ý nghĩa, hiểu và thêm tự hào về nghệ thuật cồng chiêng của cha ông truyền lại. Đây còn là dịp để quảng bá, giới thiệu nét văn hóa truyền thống đặc sắc đến đông đảo bạn bè, du khách gần xa”-ông Hà cho biết thêm.
Phương Vi

Có thể bạn quan tâm

Bữa cơm cộng cảm

Bữa cơm cộng cảm

(GLO)- Bữa cơm cộng cảm thể hiện sự cảm thông của người Jrai trước biến cố xảy ra trong một gia đình nào đó. Điều đó xác nhận mối liên hệ giữa các thành viên cùng với sự thống nhất ý chí của cộng đồng.
Địa danh Pleiku nhìn từ bia ký Chăm

Địa danh Pleiku nhìn từ bia ký Chăm

(GLO)- Từ trước đến nay, địa danh Pleiku được cho là xuất phát từ Plơi Aku trong tiếng Jrai. Plơi (Plei) là làng, Aku (Ku) là cái đuôi. Plơi Aku là làng đuôi, sau đó biến đổi thành Pleiku. Dân gian có 2 truyền thuyết về địa danh Pleiku.
Ðộc đáo trang phục bằng vỏ cây

Ðộc đáo trang phục bằng vỏ cây

Để hiểu rõ hơn về loại trang phục độc đáo này, chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân ưu tú Y Der (61 tuổi, ở thôn Kon Sơ Tiu, xã Ngọk Réo, huyện Đăk Hà, Kon Tum)-một trong số ít những người ở xã Ngọk Réo còn biết làm trang phục từ vỏ cây.
Pleiku: Ra mắt đội cồng chiêng nữ làng Chuêt Ngol

Pleiku: Ra mắt đội cồng chiêng nữ làng Chuêt Ngol

(GLO)- Tối 7-3, UBND xã Chư Á (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ xã, Đoàn thanh niên xã tổ chức đêm hội cồng chiêng, ra mắt câu lạc bộ “Cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống dân tộc nữ làng Chuêt Ngol”.