Đề xuất đường cao tốc Bình Thuận - Lâm Đồng - Đắk Nông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đề xuất quy hoạch bổ sung tuyến đường cao tốc kéo dài từ Phan Thiết (Bình Thuận) sang H.Di Linh (Lâm Đồng) tới Đắk Nông, sát biên giới Campuchia.

Ngày 18.4, tại Hội thảo khoa học "50 năm một chặng đường - Lâm Đồng từ tỉnh khó khăn trở thành tỉnh phát triển khá", ông Trần Hồng Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết trong thời gian qua, Lâm Đồng được Bộ Chính trị, Ban Bí thư phân công làm đầu mối xây dựng đề án sáp nhập 3 tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Đắk Nông.

Ông Trần Hồng Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, phát biểu tại hội thảo ngày 18.4 sẽ đề xuất làm cao tốc nối 3 tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Đắk Nông. ẢNH: L.V
Ông Trần Hồng Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, phát biểu tại hội thảo ngày 18.4 sẽ đề xuất làm cao tốc nối 3 tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Đắk Nông. ẢNH: L.V

"Chúng tôi đã chủ động làm việc với UBND tỉnh Đắk Nông, Bình Thuận để cố gắng tận dụng các tiềm năng từ núi xuống biển, cố gắng kêu gọi đầu tư, xây dựng các nhà máy nhôm, khai thác bauxite và vận chuyển ra các cảng, phát triển du lịch...", ông Thái nói.

Theo ông Thái, sau khi sáp nhập 3 tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận và Đắk Nông sẽ thành tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, tổng GRDP đứng thứ 8, sẽ có biển, có rừng, biên giới, hải đảo. Sau sáp nhập địa phương sẽ tận dụng tiềm năng từ núi xuống biển để kêu gọi đầu tư, phát triển kinh tế, trong đó có phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, du lịch... Với tỉnh Lâm Đồng, dự kiến tỉnh sẽ sắp xếp 137 xã, phường thành 51 đơn vị hành chính cơ sở.

Tuyến QL28B từ Bình Thuận đi Lâm Đồng đang được cải tạo, nâng cấp. ẢNH: L.V
Tuyến QL28B từ Bình Thuận đi Lâm Đồng đang được cải tạo, nâng cấp. ẢNH: L.V

Cũng theo ông Trần Hồng Thái, trong năm 2025 - 2026, sẽ đẩy nhanh thực hiện tuyến đường QL28, QL28B để kết nối giao thông giữa Lâm Đồng - Bình Thuận - Đắk Nông. Bên cạnh đó, Lâm Đồng sẽ đề xuất quy hoạch bổ sung tuyến đường bộ cao tốc kéo dài từ biên giới Campuchia (Đắk Nông) sang H.Di Linh (Lâm Đồng) tới Phan Thiết (Bình Thuận).

Phát biểu tại hội thảo, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cho biết sau ngày giải phóng, Lâm Đồng vẫn là một vùng khó khăn, đất rộng, người thưa, địa hình chia cắt, chịu sự tàn phá của chiến tranh, chủ yếu là sản xuất nhỏ, cơ sở hạ tầng kỹ thuật thấp kém, hệ thống đường giao thông trong điều kiện chiến tranh không được tu sửa, bảo dưỡng nên xuống cấp nghiêm trọng.

Từ năm 2000 đến nay, Lâm Đồng tập trung mọi nguồn lực đưa tỉnh thoát khỏi tình trạng chậm phát triển, phấn đấu phát triển nhanh và bền vững. Đến nay tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng, là tỉnh phát triển khá của cả nước.

Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cùng các chuyên gia tại Hội thảo khoa học "50 năm một chặng đường - Lâm Đồng từ tỉnh khó khăn trở thành tỉnh phát triển khá". ẢNH: L.V
Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cùng các chuyên gia tại Hội thảo khoa học "50 năm một chặng đường - Lâm Đồng từ tỉnh khó khăn trở thành tỉnh phát triển khá". ẢNH: L.V

Du lịch tiếp tục là điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; nhiều lễ hội, sự kiện quy mô lớn, các giải thể thao cấp quốc gia… Đặc biệt, Festival Hoa Đà Lạt lần thứ X thành công, tiếp tục khẳng định TP.Đà Lạt là thành phố Festival Hoa của Việt Nam, thành phố sáng tạo trong lĩnh vực âm nhạc của UNESCO và thành phố thuộc nhóm 5 thành phố Festival ấn tượng của châu Á.

Theo Lâm Viên (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Người dân xã Chư Gu lưu thông qua cầu tạm. Ảnh: L.N

Người dân xã Chư Gu mong ước cây cầu bắc qua sông Ba

(GLO)- Để rút ngắn thời gian di chuyển đến khu sản xuất, người dân xã Chư Gu (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) đã tự làm cầu tạm bắc qua sông Ba. Vì vậy, việc có một cây cầu được đầu tư kiên cố để đi lại thuận tiện, an toàn hơn là mong mỏi của hàng ngàn hộ dân nơi đây suốt nhiều năm qua.