Để suối Hội Phú sạch và đẹp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Công trình kè chống sạt lở suối Hội Phú-đoạn từ đường Nguyễn Trung Trực đến đường Nguyễn Lương Bằng (TP. Pleiku) dài 1,76 km cơ bản đã hoàn thiện. Phần kè lòng suối và đường nội bộ hai bên suối Hội Phú cùng với những cây cầu bắc qua suối cũng đã xây xong. 
Hiện tại, phần bị sụt lún do mưa lớn ở đoạn gần chùa Minh Thành hôm 11-6 đã được khắc phục. Các bên thi công còn phần việc cuối là san ủi mặt bằng ở bờ lề hai con đường, trả lại không gian thoáng đãng cho công trình. Mặc dù từ khi có chủ trương cho đến khi hoàn thiện một phần công trình này đã kéo dài gần 8 năm (2013-2021) với nhiều khó khăn, vướng mắc, nhưng với quyết tâm cao của lãnh đạo tỉnh và TP. Pleiku, cuối cùng cũng đã hoàn tất phần bờ kè quan trọng nhất đi qua trung tâm đô thị với diện tích đất 90 ha.
Suối Hội Phú. Ảnh: Bùi Quang Vinh
Công trình kè chống sạt lở suối Hội Phú (TP. Pleiku) cơ bản đã hoàn thiện. Ảnh: Bùi Quang Vinh
Qua việc đầu tư xây dựng công trình dân sinh, môi trường ở đô thị này, chúng ta có thể rút ra các bài học kinh nghiệm trong công tác quản lý, chỉ đạo cũng như việc khảo sát, thiết kế, đền bù giải phóng mặt bằng; đồng thời, phải coi trọng công tác đấu thầu, chọn lựa những đơn vị thi công có đủ năng lực, uy tín để đảm bảo về mặt thời gian thi công cũng như chất lượng công trình. Sắp đến, chúng ta còn phải tiếp tục đầu tư xây dựng hai đoạn bờ kè suối Hội Phú: đoạn từ đường Lê Thánh Tôn đến đường Nguyễn Trung Trực và đoạn từ đường Nguyễn Lương Bằng đến đường Cách Mạng Tháng Tám cũng không kém phần khó khăn, phức tạp với kinh phí không nhỏ. Tin tưởng rằng, với kinh nghiệm những năm xây dựng đoạn kè từ đường Nguyễn Lương Bằng đến đường Nguyễn Trung Trực, chủ đầu tư dự án cũng như bên xây dựng sẽ có phương án thi công tốt, đúng tiến độ hơn cho những đoạn công trình tiếp theo.

Tuy tính chất công trình suối Hội Phú chỉ là “bờ kè chống sạt lở” nhưng công năng phục vụ dân sinh đô thị Pleiku của công trình này ở hiện tại lẫn tương lai sẽ được mở rộng và mang nhiều tác dụng, ý nghĩa hơn. So với dự kiến ban đầu, quy hoạch công trình suối Hội Phú có thu hẹp cả mức độ và công năng. Nhưng thực tại, cơ bản chúng ta đã giải phóng được một phần diện tích con suối hoang hóa, ô nhiễm trong lòng thành phố bao năm qua, tạo môi trường thoáng đãng, mặt bằng thuận lợi để các khu dân cư ẩm thấp trước đây có điều kiện tôn tạo nhà ở, mở ra các dịch vụ phục vụ du lịch trong tương lai.

Cây cỏ phủ lấp lòng suối Hội Phú. Ảnh: Bùi Quang Vinh
Cây cỏ phủ lấp lòng suối Hội Phú. Ảnh: Bùi Quang Vinh
Bên cạnh các mặt tích cực, trên thực tế, “hậu công trình” cũng còn một số tồn tại cần tiếp tục hoàn thiện để tạo ra môi trường tốt, tô thêm vẻ đẹp của đô thị. Hiện nay, do lòng suối hẹp, ít nước, dòng chảy yếu ngay cả trong mùa mưa nên ở nhiều đoạn suối, cây cỏ đã phủ lấp, đất sình lầy bồi lấp, thêm vào đó rác thải đô thị trôi nổi, nhất là đoạn bờ kè ở đường Nguyễn Lương Bằng (đã hoàn tất cách đây vài năm). Vì thế, cần có phương án nạo vét, dọn vệ sinh lòng suối thường xuyên nhằm khai thông dòng chảy, giữ gìn môi trường trong sạch. Hàng năm, lãnh đạo TP. Pleiku nên phát động phong trào trồng cây xanh trong khu vực, dọn vệ sinh môi trường hai bên lòng suối tạo ra quang cảnh xanh-sạch-đẹp cho đô thị, nhất là dịp sau Tết Nguyên đán và Ngày Môi trường Thế giới 5-6.
Để Pleiku trở thành một đô thị cao nguyên đáng sống, một thành phố “Cao nguyên xanh vì sức khỏe”, chúng ta còn nhiều việc phải làm. Trong đó, ngay bây giờ, phải tạo ra thói quen của nếp sống văn minh đô thị là “không vứt rác ra đường”, mỗi người là một “công nhân vệ sinh”. Có như thế, thành phố chúng ta mới tươi đẹp mỗi ngày.
BÙI QUANG VINH

Có thể bạn quan tâm

Bảo tồn địa hình để tạo lập bản sắc đô thị

Bảo tồn địa hình để tạo lập bản sắc đô thị

(GLO)- Nhiều khách phương xa rất thích thú khi được lên xuống trên những con dốc dài giữa phố núi Pleiku. Địa hình đồi núi mang đến sự khác lạ về tầm mắt, thay đổi về cảm xúc và đầy thêm trải nghiệm về một vùng đất. Bản sắc ấy của đô thị cao nguyên đang được bảo tồn một cách đầy chủ ý.