Đâu rồi “tiên học lễ, hậu học văn”?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
“Tiên học lễ, hậu học văn” là dòng chữ luôn được đặt ở vị trí dễ thấy nhất trong trường học, nhắc nhở mỗi người việc học lễ nghĩa phải được đặt lên hàng đầu. Thế nhưng, dư luận hẳn vẫn chưa hết xót xa khi chứng kiến vụ việc nhóm học sinh lớp 7C tại Trường THCS Văn Phú (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) ép nữ giáo viên vào góc tường, chửi bới, thậm chí ném dép vào cô giáo.

Ai cũng hiểu “không có lửa thì sao có khói”. Vụ việc vẫn đang được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ. Đúng sai rồi sẽ tường minh. Thế nhưng, việc đáng bàn là hành vi của nhóm học sinh. Rõ ràng, đây không phải là cách ứng xử chuẩn mực của những cô cậu học trò 12 tuổi. Văng tục, đe dọa, chửi bới kèm theo hành động dồn cô giáo vào góc tường, đỉnh điểm là hành động ném dép vào mặt cô giáo là biểu hiện của bản tính hung hăng, côn đồ. Trên nét mặt của nhóm học sinh chỉ còn lại sự hỗn hào, không một chút tôn trọng, coi người mà mình đang dồn vào tường không khác kẻ thù.

Cô giáo phút chốc trở nên nhỏ bé, lạc lõng, cô đơn ngay trên bục giảng của mình. Khi clip lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội, trong chúng ta, hầu như không một ai có thể chấp nhận được hành vi của nhóm học sinh dù cho nguyên nhân nếu có xuất phát từ chính cô giáo đi chăng nữa.

Nhắc đến bạo lực học đường, chúng ta vẫn nghĩ nạn nhân là học sinh. Thực tế, tình trạng giáo viên trở thành nạn nhân lại đang ngày càng gia tăng. Hành động ngang ngược của nhóm học sinh này hay thái độ coi thường giáo viên của rất nhiều trường hợp khác có thể coi là minh chứng cho sự thất bại của cha mẹ trong dạy dỗ con cái, của nhà trường trong giáo dục đạo đức học trò.

Cách đây khoảng 2 thập kỷ, chỉ cần cha mẹ nghe tin ở trên trường bị thầy cô trách phạt, đứa con có thể sẽ phải gánh chịu hình phạt thêm một lần nữa vì để mắc lỗi. Nhưng giờ đây, chỉ cần giáo viên lỡ lời, phụ huynh sẵn sàng lên “đập bàn” hiệu trưởng để làm cho ra nhẽ. Cá biệt, có phụ huynh xách dao lên tận trường đòi chém cả hiệu trưởng và giáo viên. Điều này khiến cho lòng tự tôn nghề nghiệp của mỗi nhà giáo bị tổn thương sâu sắc. Có lẽ vì thế, tinh thần cống hiến cho sự nghiệp “trồng người” cũng phần nào bị ảnh hưởng.

“Tôn sư trọng đạo” vốn là truyền thống, là đạo lý, là bổn phận của bất kỳ ai đã, đang và sẽ là học trò. Thông tư số 06/2019/TT-BGDĐT ngày 12-4-2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc quy định quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên cũng đã nêu rõ quy tắc ứng xử của người học.

Theo đó, ứng xử với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên phải kính trọng, lễ phép, trung thực, chia sẻ, chấp hành các yêu cầu theo quy định; không bịa đặt thông tin; không xúc phạm tinh thần, danh dự, nhân phẩm, bạo lực. Còn giáo viên ứng xử với người học phải bằng ngôn ngữ chuẩn mực, dễ hiểu, khen hoặc phê bình phù hợp với đối tượng và hoàn cảnh; mẫu mực, bao dung, trách nhiệm, yêu thương; tôn trọng sự khác biệt, đối xử công bằng, tư vấn, lắng nghe và động viên, khích lệ người học; tích cực phòng-chống bạo lực học đường, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện. Không xúc phạm, gây tổn thương, vụ lợi; không trù dập, định kiến, bạo hành, xâm hại; không thờ ơ, né tránh hoặc che giấu các hành vi vi phạm của người học.

Bộ quy tắc đã có, việc còn lại là cách thức triển khai, sự quyết liệt của mỗi cơ sở giáo dục. Vụ việc nêu trên là hồi chuông cảnh tỉnh, cấp báo đã đến lúc cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nền nếp trong mỗi trường học. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho rằng: Vụ việc nói trên là không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, ông cũng nhìn nhận cần phải có đánh giá, rà soát một cách tổng quan từ khâu quản lý, giáo viên, gia đình và xã hội.

Thứ trưởng cho rằng, ngành Giáo dục và Đào tạo luôn bảo vệ các nhà giáo nhưng cũng phải nhìn lại các nhà giáo và đội ngũ giáo viên từ đào tạo, bồi dưỡng đến quá trình sử dụng, tuyển dụng. Đánh giá cả về chuyên môn và phẩm chất, những kỹ năng xử lý, cả giáo viên môn học và giáo viên chủ nhiệm. Công tác tuyên truyền, giáo dục học sinh trong nhà trường thực hiện như thế nào. Việc tuyên truyền, giáo dục học sinh không chỉ đánh giá hiệu quả mà còn đánh giá việc học sinh chấp hành như thế nào, cần theo dõi thường xuyên đối với học sinh. Giáo dục không chỉ trong nhà trường mà phải có mối quan hệ chặt chẽ với phụ huynh. Phụ huynh và gia đình cũng phải có mối quan hệ chặt chẽ với nhà trường. Cuối cùng là trách nhiệm của toàn xã hội bởi giáo dục học sinh không chỉ trong nhà trường, trong gia đình mà là trách nhiệm của toàn xã hội.

Suy cho cùng, để trường học thân thiện, học sinh tích cực, bản thân mỗi thầy-cô giáo cũng phải thực sự chuẩn mực, phải luôn được trui rèn không chỉ trình độ chuyên môn mà cả kỹ năng sư phạm, bản lĩnh, ứng xử khéo léo trong các tình huống, để vẫn giữ được sự uy nghiêm, giá trị của nhà giáo. Về phía gia đình cũng cần phải làm gương, trách nhiệm trong việc giáo dục con cái về “tôn sư trọng đạo” để định hình tư tưởng cho học sinh, tránh những biểu hiện lệch lạc đáng tiếc như trường hợp nói trên.

Có thể bạn quan tâm

Dù đã về hưu nhưng bà Siu H’Prưng vẫn lưu giữ bằng khen do Bộ trưởng Bộ Giáo dục tặng như một kỷ vật trong quãng đời làm nhà giáo. Ảnh: Vũ Chi

Nhà giáo về hưu: Vẫn một tình yêu da diết với nghề

(GLO)- Dù đã về hưu nhưng tình cảm với trường lớp, với học trò vẫn mãi trong tim các thầy, cô giáo. Lắng nghe chuyện nghề của các nhà giáo đã về hưu tại thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) giúp ta hiểu thêm về những hy sinh thầm lặng của các thầy cô với sự nghiệp “trồng người”.

Chuyện về “đại sứ văn hóa đọc” Bùi Phạm Thùy Linh

Chuyện về “đại sứ văn hóa đọc” Bùi Phạm Thùy Linh

(GLO)- Cuối tháng 10 vừa qua, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức lễ tổng kết và trao giải Đại sứ văn hóa đọc năm 2024. em Bùi Phạm Thùy Linh-Học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học Kim Đồng (thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) đã đạt giải nhì toàn quốc và giải “Truyện ngắn khuyến đọc hay nhất”.