Lựa chọn ngành nghề phù hợp đôi khi không chỉ dựa vào sở thích, đam mê của bản thân, mà còn phải phải dựa vào tính chất công việc và mức độ an toàn của ngành học đó trong tương lai.
Dưới đây là một số ngành nghề được xếp vào danh mục ngành nghề nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm trình độ trung cấp, cao đẳng bạn có thể tham khảo thêm.
Đâu là ngành nghề nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm nhất hiện nay? (Ảnh minh họa) |
Ngành công nghệ kỹ thuật cơ khí
Công nghệ kỹ thuật cơ khí là nhóm ngành nghề đầu tiên được xếp vào danh mục ngành nghề nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm. Ngành này có thời gian thực hành, thực tập nghề nghiệp chiếm trên 50% so với tổng thời lượng của chương trình đào tạo toàn khóa.
Những ngành nghề thuộc nhóm công nghệ kỹ thuật cơ khí được liệt kê vào danh mục này gồm: Công nghệ kỹ thuật cơ khí; công nghệ kỹ thuật ô tô; công nghệ kỹ thuật đóng mới thân tàu biển; công nghệ chế tạo máy; công nghệ chế tạo vỏ tàu thủy; công nghệ ô tô; công nghệ hàn.
Ngành kỹ thuật cơ khí và cơ kỹ thuật
Kỹ thuật cơ khí và cơ kỹ thuật được xem là ngành phổ biến, được đông đảo các bạn học sinh và các bậc phụ huynh quan tâm. Hiện trên cả nước rất nhiều cơ sở đào tạo ngành nghề này.
Một số vị trí việc làm của nhóm ngành kỹ thuật cơ khí và cơ kỹ thuật có tính chất nặng nhọc, nguy hiểm và độc hại: Chế tạo thiết bị cơ khí; gia công và lắp dựng kết cấu thép; gia công lắp ráp hệ thống ống tàu thủy; cắt gọt kim loại; sửa chữa máy tàu thủy; sửa chữa thiết bị mỏ hầm lò; sửa chữa máy thi công xây dựng; bảo trì và sửa chữa thiết bị cơ giới hạng nặng.
Ngành kiến trúc và xây dựng
Hàng loạt công trình xây dựng đang được triển khai khắp mọi miền đất nước, thị trường cũng đang cần lực lượng lớn nguồn nhân lực làm việc trong lĩnh vực kiến trúc, xây dựng. Đây là nhóm ngành phù hợp với những người thích làm việc một cách có hệ thống, ưa thích kỹ thuật, máy móc…
Tuy nhiên, trong nhóm ngành nghề có một số vị trí công việc được xếp vào danh mục ngành nghề nguy hiểm, độc hại và nặng nhọc: Kỹ thuật xây dựng; xây dựng cầu đường; xây dựng cầu đường bộ; cốp pha - giàn giáo; cốt thép - hàn; mộc xây dựng và trang trí nội thất.
Ngành công nghệ kỹ thuật địa chất, địa vật lý và trắc địa
Ngành công nghệ kỹ thuật địa chất, địa vật lý và trắc địa gồm những lĩnh vực sau: Trắc địa công trình; khảo sát địa hình; khảo sát địa chất; Khoan thăm dò địa chất.
Những năm gần đây, vị trí việc làm của nhóm ngành nghề này đang cần số lượng lớn nguồn nhân lực chất lượng. Trong khi, các hệ thống giáo dục chưa cung cấp đủ và đáp ứng được yêu cầu của các đơn vị tuyển dụng đề ra.
Nhóm ngành kỹ thuật điện, điện tử và viễn thông
Điện tử - Viễn thông đang không ngừng phát triển và được ứng dụng rộng rãi trong tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Ngành học này cũng nhận được sự quan tâm của nhiều người, nhất là những bạn trẻ đam mê kỹ thuật và yêu thích lĩnh vực điện tử, truyền thông.
Trước khi đặt bút đăng ký ngành học này bạn cũng cần phải cân nhắc, khi có một số vị trí công việc được xếp vào danh mục ngành nghề nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm.
Các vị trí gồm: Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí; điện công nghiệp và dân dụng; điện tàu thủy; vận hành nhà máy thủy điện; lắp đặt đường dây tải điện và trạm biến áp có điện áp từ 220 kV trở lên; quản lý vận hành, sửa chữa đường dây và trạm biến áp có điện áp từ 220 kV trở lên.