Đừng mong đập Tam Hiệp Trung Quốc có thể giải quyết tất cả mọi vấn đề về lũ lụt trên sông Dương Tử, các chuyên gia quốc tế lưu ý.
Đập Tam Hiệp xả lũ hồi tháng 7. Nguồn: Reuters. |
Nghi ngờ khả năng kiểm soát lũ đập Tam Hiệp
Đập Tam Hiệp là dự án thủy điện lớn nhất từng được xây dựng. Khi bắt đầu xây dựng năm 1994, đập Tam Hiệp được thiết kế không chỉ để sản xuất điện mà còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, chế ngự dòng sông dài nhất Trung Quốc, bảo vệ hàng triệu người khỏi lũ lụt nghiêm trọng đồng thời là biểu tượng của sức mạnh công nghệ, lòng tự hào dân tộc, CNN cho hay.
Toàn bộ dự án đập Tam Hiệp trị giá 200 tỉ nhân dân tệ (28,6 tỉ USD), mất gần hai thập kỷ để xây dựng và khiến hơn một triệu người dọc theo sông Dương Tử phải sơ tán.
Xả nước qua đập Tam Hiệp lần đầu tiên ngày 11.6.2003. Ảnh: AFP. |
Đập Tam Hiệp được coi là có thể bảo vệ cộng đồng dân cư quanh hạ lưu sông Dương Tử trước "trận lũ lụt trăm năm một lần" nhưng năng lực này thường xuyên bị nghi ngờ.
Câu hỏi về đập Tam Hiệp gần đây trở lại khi lũ lụt đặc biệt nghiêm trọng ở Trung Quốc trong vài tháng qua. Lưu vực sông Dương Tử chứng kiến lượng mưa trung bình lớn nhất trong gần 60 năm kể từ tháng 6, khiến dòng sông và nhiều phụ lưu bị tràn bờ.
Lũ lụt Trung Quốc tới nay khiến hơn 158 người đã chết hoặc mất tích, 3,67 triệu người phải sơ tán, 54,8 triệu người bị ảnh hưởng, gây thiệt hại kinh tế 144 tỉ nhân dân tệ (20,5 tỉ USD).
Trung Quốc khẳng định, đập Tam Hiệp thành công trong việc đóng vai trò quan trọng để ngăn lũ lụt. Nhà vận hành đập - Tập đoàn Tam Hiệp Trung Quốc - chia sẻ với Tân Hoa Xã rằng, đập Tam Hiệp chặn được 18,2 tỉ mét khối nước lũ tiềm năng.
Một quan chức Bộ Thủy lợi Trung Quốc trao đổi với nhật báo China Youth Daily rằng, đập Tam Hiệp đã "làm giảm hiệu quả tốc độ và mức độ mực nước dâng" ở trung lưu và hạ lưu sông Dương Tử.
Tuy nhiên, nhiều trạm đo dòng chảy sông Dương Tử chứng kiến lượng mưa cao kỷ lục vào mùa hè năm nay, với một số nhà địa chất đánh giá đập Tam Hiệp có vai trò hạn chế trong kiểm soát lũ.
Đập Tam Hiệp không thể ngăn lũ lụt nghiêm trọng
Có 3 đỉnh lũ đổ về đập Tam Hiệp trong tháng trước. Con đập trên sông Dương Tử đã mở các cửa xả lũ nhiều lần kể từ cuối tháng 6 năm nay. Việc xả lũ từ hồ chứa đập Tam Hiệp dẫn tới nhiều chỉ trích trên mạng xã hội Trung Quốc là làm trầm trọng thêm lũ lụt ở hạ lưu con sông dài nhất Trung Quốc.
Công ty vận hành đập Tam Hiệp bác bỏ thông tin này, trong đó khẳng định đập Tam Hiệp đã giúp trì hoãn và điều chỉnh dòng chảy nước lũ xuống hạ lưu.
Tuy nhiên, nước lũ ở hồ Bà Dương, tỉnh Giang Tây đã dâng cao vượt mức cao nhất trong lịch sử, vượt kỷ lục do lũ lụt thảm khốc năm 1998 khiến hơn 3.000 người thiệt mạng. Những nơi khác thuộc hạ lưu sông Dương Tử cũng ghi nhận mực nước phá vỡ kỷ lục trước đó.
Các chuyên gia cho rằng, không thể trông đợi vào duy nhất đập Tam Hiệp để giải quyết toàn bộ lũ lụt sông Dương Tử. Ảnh: CNN. |
David Shankman - giáo sư danh dự về địa lý tại Đại học Alabama, Mỹ, đã nghiên cứu về lũ lụt ở trung lưu sông Dương Tử nhận định, mực nước dâng vượt kỷ lục cho thấy đập Tam Hiệp không thể ngăn lũ lụt nghiêm trọng.
"Đó là một tuyên bố theo căn cứ thực tế. Con đập này đã hoạt động đầy đủ trong nhiều năm nay và hiện chúng ta có mực nước cao nhất từng được ghi nhận" - chuyên gia người Mỹ chỉ ra.
Những nghiên cứu của các nhà nghiên cứu Trung Quốc và nước ngoài trong những năm qua, Giáo sư Shankman nói thêm, đã nhận thấy hồ chứa đập Tam Hiệp quá nhỏ để có thể giảm đáng kể việc xả nước xuống hạ lưu trong những trận lũ lụt nghiêm trọng dù nó giúp giảm bớt lũ lụt trong những năm bình thường.
Miroslav Marence - Phó giáo sư về hồ chứa và thủy điện tại Viện IHE Delft về Giáo dục Nước ở Hà Lan cho hay, vấn đề không phải ở thiết kế của đập Tam Hiệp mà là ở kỳ vọng rằng đập Tam Hiệp có thể giải quyết tất cả mọi vấn đề về lũ lụt trên sông Dương Tử. "Không thể làm được điều đó chỉ với một con đập" - ông nói.
Ví dụ, đập Tam Hiệp có thể làm giảm cường độ lũ từ thượng nguồn. Đến một mức độ nhất định nó sẽ không thể ngăn lũ lụt do mưa lớn ở trung lưu và hạ lưu sông Dương Tử cùng các phụ lưu trong toàn bộ lưu vực, ông nói thêm.
Và vấn đề là, nhiều đợt lũ lụt ở miền trung và miền nam Trung Quốc trong mùa hè năm nay, là do những con mưa lớn đổ xuống hạ lưu, không hề đi qua đập Tam Hiệp.
https://laodong.vn/the-gioi/dap-tam-hiep-khong-the-ganh-het-lu-lut-song-duong-tu-824301.ldo
Theo HẢI ANH (LĐO)