Đào phai - Truyện ngắn của Hoàng Hiền  

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

- Đào nở ngày nào thì hôm đó là mùa xuân. Nếu đào nở sớm em đừng khoanh vỏ hãm cây, đào nở muộn thì tết kéo dài cả tháng giêng cũng tốt.

Chị Tú dặn Thành trước khi đi lấy chồng. Chị lấy chồng đường đột. Thành chưa thấy chị diện áo trắng hẹn hò, chưa ngồi thêu khăn mùi xoa, chưa cắt giấy hồng để đựng hạt dưa hạt bí trong ngày dạm ngõ. Chị thường ví mình như mớ rau chợ chiều không chê mâm cơm nhà nghèo, như cành đào ít nụ đêm ba mươi chẳng dám kén một chiếc bình hoa đẹp.

Cây đào phai lớn lên cùng chị Tú. Thành lớn lên dưới bóng của cây đào nhiều trưa hè trốn ngủ. Tết năm nào chị cũng cắt một cành đem tặng nhà Thành cắm trong lộc bình. Mấy tháng trước chị đã chiết hai cành đẹp nhất, ươm bầu khỏe khoắn rồi đem cho Thành trồng ở trong vườn sát bờ tường gạch hoa.

Ngày bé Thành vay gạo nhà chị, lần nào đem trả gạo chị cũng đong vơi ống để bớt gạo cho Thành đem về. Bố chị chặt cây ổi, chị chọn đoạn gỗ tốt cho Thành đẽo vụ. Đi làm ngoài đồng chị xách nước hai chị em cùng uống. Chị đối với Thành như một người mẹ nhưng trẻ trung hơn, như người bạn nhưng thấu hiểu, lại có khi giống một đứa em gái sớm lo toan.

Chị đi lấy chồng cái cầu bến vắng hẳn. Nhiều đêm nằm hóng gió trên mái nhà nhìn xuống gốc đào nơi chị vẫn ngồi băm bèo, đan né tằm chỉ còn trăng suông đổ xuống thênh thênh.

Hai mùa hoa đào thì chị khăn gói về nhà. Chị lấy chồng bên kia sông thôi, có dài lắm đâu, một thôi đê với một chuyến đò ngang mà người ta chẳng bao giờ cho chị về thăm nhà ngoại. Người làng đồn năm ngoái muốn về thăm mẹ ốm, chị phải quỳ dưới chân giường cả đêm chồng chị mới cho về. Trong bữa cơm, Thành nghe mẹ kể lại mà bát nước rau muống luộc dầm sấu bỗng dưng đắng ngắt trong miệng. Thành gặp chị ở cầu bến, mắt chị sưng như quả sung chín, chị gượng cười đưa tay sửa cái nón hơi cụp xuống. Cánh tay chị chằng chịt những vết bầm xanh bầm tím, có chỗ đã đen thẫm lại. Máu sôi lên, Thành lấy xe đạp sang thẳng nhà chồng chị. Hắn đang uống rượu trong xóm, anh chẳng nói chẳng rằng bế thốc hắn ném xuống ao. Thấy tướng tá lực lưỡng, đôi tay rắn chắc và đôi mắt vằn lên tức giận của Thành, mấy người ngật ngưỡng say không dám đánh trả.


 

 



Từ hôm ấy, chị tránh mặt Thành. Thấy anh trên đê chị đi vòng đường sông máng, Thành ra cầu bến chị gánh cỏ quay vào nhà. Thành đi xát gạo, chị chạy ngay vào nhà đựng trấu, trấu thổi bụi mù, hai tay chị bưng lấy mặt, trấu chui hết vào cổ, vào ngực, vào tay áo. Rồi chị cũng không tránh được Thành mãi, chị đi hái dâu, Thành đứng chờ giữa ruộng, Thành nắm lấy hai vai chị, nhìn sâu vào mắt chị. Ở đó hai hàng nước mắt tủi cực tuôn ra như bát nước đầy sóng sánh được bưng lên. Bao nhiêu điều định hỏi, định nói trôi đi đâu hết, Thành ôm chị vào vòm ngực mình.

Chuyện chỉ có thế nhưng mẹ Thành buồn lắm. Thành là con một còn chị Tú là con út trong gia đình có sáu người con. Mẹ còn thấy hai chị em đi với nhau thì mẹ còn nghĩ ngợi. Mẹ bảo đường quang không đi, làm sao lại chọn đâm quàng bụi rậm. Thành và chị đứng nói dăm ba câu chuyện ở đống rơm tươi ngoài cổng mẹ múc nước trong bể hất vỏng qua tường. Mẹ và nhà chị Tú xưa nay vẫn đi cấy đổi công, vẫn chạy mưa cho nhau mùa phơi rơm phơi thóc, vẫn í ới gọi nhau giặt chiếu đãi gạo nơi cầu bến mỗi dịp cuối năm. Nhưng dẫu có thân gần đến mấy cũng chẳng thể nào vượt qua được những bất an về tương lai của cậu con trai một trong nhà. Trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã hay, chuyện cọng chỉ cái kim qua lời đồn đại cứ phồng lên mãi. Mẹ bảo:

- Con lên thành phố mà ôn thi đại học, nhà bác Việt neo người, ở đó bác kèm cặp cho.

Ngày Thành đi, anh tưới thật đẫm cho mấy gốc đào phai. Mẹ nói anh cứ yên tâm ở nhà mẹ chăm cho. Phải rồi, người ta chỉ khó nhìn mặt nhau chứ ai nỡ ghét những cái cây, ai nỡ bỏ mặc hoa đào. Chị Tú đợi Thành ở bến đò, tay chị vân vê chiếc mũ lưỡi trai, đưa nó cho Thành chị dặn bao giờ Thành có người yêu, bao giờ Thành lấy vợ chị sẽ đường đường chính chính sang nhà nấu nước pha trà trong đám hỏi của em. Đôi tay chị vết sẹo vì nung bi ve cho Thành lõm xuống run run. Hồi bé, đi cắt tỏi thuê được mấy đồng bạc chị mua ngay một túi bi ve trong suốt. Chị lấy mấy viên bỏ vào bếp than nung nóng rồi thả ngay vào chậu nước lạnh, chúng nứt bên trong lõi thành những tinh thể óng ánh như pha lê. Nung năm sáu viên mới được một viên không nứt vỡ. Thành đem giấu mấy viên bi ấy vào đống rơm, đống rơm ngày ấy cứ như kho báu của trẻ con trong làng. Hôm ấy mùa đông, đống trấu hun đuổi muỗi và sưởi ấm cho đàn lợn bén vào đống rơm bốc cháy ngùn ngụt. Thành lăn ra sân khóc òa lên. Cả xóm xách thùng, xách gầu múc nước chữa cháy. Mẹ đứng tiếc rơm vì không có cái đun mùa mưa phùn gió bấc nhưng Thành chỉ tiếc món quà của chị.

Thành đậu đại học, lần nào về thăm nhà chị cũng tìm cách dúi cho Thành một thức quà nào đó chị đã để dành từ lâu lắm, có khi là mấy đồng tiền cuộn kỹ lưỡng trong túi ni lông để Thành đi đường uống nước. Thành làm thêm đủ trang trải cuộc sống sinh viên nhưng anh không nỡ từ chối.

Học đến năm thứ hai đại học thì anh xin bác cho ra ở riêng rồi theo cậu bạn đi làm thêm ở một phòng trà hạng sang. Ở đó những bộ cánh phẳng phiu, lộng lẫy, phấn son, váy áo, nước hoa khiến anh thích thú, ngưỡng mộ nhưng không rung động. Vài mối tình chóng vánh dỗi hờn, phụng phịu vừa nhen lên đã tắt ngúm. Trong những khoảng trống của một chàng thanh niên mới lớn, thứ tình cảm dịu êm của chị Tú dành cho Thành như mạch nước ngọt rỉ rả thấm từ vùng đất ký ức làm nảy mầm cái cây tình thương ngày một lớn. Người ta có thể yêu nhau rồi hận nhau, nhưng một khi đã thương nhau thì khổ mấy cũng ưng, vì thương mà có cực thân đau lòng đến mấy cũng không thể nào cắt đứt được.

Việc làm thêm ở phòng trà khiến Thành thường xuyên về phòng trọ khi đêm muộn, nhiều hôm anh ngủ vùi đến tận trưa hôm sau. Thi cuối kỳ anh nợ mấy môn học. Thành thấy không ổn nên quyết tâm xin nghỉ việc ở phòng trà dù ở đó anh được nhận mức lương khá cao. Thi thoảng cuối tuần anh làm thêm cho một công ty chuyên tổ chức sự kiện. Công việc của Thành và các bạn trong team là diễn mascot chạy sự kiện quảng cáo cho nhãn hàng. Những con thú bông ngộ nghĩnh gương mặt lúc nào cũng vui vẻ, nhảy múa sôi động thu hút được rất nhiều khách hàng. Không một ai biết đằng sau những gương mặt đáng yêu, hồn nhiên đó Thành và các bạn mồ hôi ướt đẫm lưng, đẫm tóc.

Một lần team đang phát mẫu dùng thử trước một trung tâm thương mại thì có gã đàn ông to béo tiến đến bạn mascot nữ đang mặc bộ đồ chuột Mickey, tay ông ta ôm eo, đụng chạm lên ngực cô rồi cười khả ố. Hai tay cô ôm lấy ngực nhưng không dám phản kháng, chỉ xoay người đi hướng khác. Gã đàn ông vừa cười nham nhở vừa làm tới. Mọi người đang lúng túng thì Vy - cô sinh viên năm hai tháo bộ đồ đang mặc ra chạy đến ngăn gã lại. Gã kia điềm nhiên nói Mickey là con trai mà, rồi cứ thế xấn đến.

- Là con gái - Vy hét lên, ôm lấy bạn mình.

Gương mặt chuột Mickey đang cười mà bên trong bạn gái khóc nấc lên. Gã kia vẫn không chịu buông tha. Thành tiến đến, dọa nếu hắn không biến đi sẽ cho hắn ăn đấm. Gã rời đi nhưng giữa trưa khi cả nhóm tháo bộ đồ thú bông để đi ăn trưa thì gã thình lình lái xe máy lạng tới xông vào giữa nhóm. Vy tránh không kịp nên ngã sõng soài trên đường. Thành nâng cô dậy, nhưng chân trái của cô vừa đứng xuống vội bật co lên vì đau điếng. Có lẽ là trật khớp rồi. Thành cõng cô, lần đầu tiên trong đời anh cõng một người con gái. Lúc ấy trong lòng anh tình thương cũng ngân lên.

Phòng trọ của Vy nằm sâu trong con hẻm chằng chịt những ngã rẽ, lối đi lên phòng phải trèo lên một cái cầu thang gỗ hẹp dựng đứng. Ở đó không một chút ánh sáng lọt vào, Vy đã gầy, cái chân đau khiến cô như xanh xao hơn. Thành bất đắc dĩ thành người đưa đón Vy đi học và qua lại thăm hỏi, chuyện trò với cô.

Có lần Vy kể làng cô xưa có nghề làm pháo nổi tiếng khắp cả nước, thanh niên, người già, trẻ em, phụ nữ trong làng ai cũng biết làm pháo, cuộn pháo. Ngày tết có lẽ nơi đây rôm rả nhất cả nước, những bánh pháo dài treo trong sân nổ đì đoàng đón giao thừa. Sáng ra sân nhà, đường làng đầy xác pháo hồng. Trẻ con đi mót pháo xịt đựng đầy hai túi quần, cầm trong tay như cầm kẹo. Khói pháo khét lẹt, tiếng nổ đinh tai nhức óc, pháo bèo có thể tạo ra sức ép đánh tung mặt nước rộng. Người ta say tiếng pháo, mê tiếng pháo, nhắc đến tết là nhắc đến những bánh pháo đỏ. Trên là trời, dưới làng là pháo. Pháo là miếng cơm manh áo, thức ngủ cùng với người làng. Pháo đem đến nhiều niềm vui mà cũng loang lổ phận người.

Sinh nghề tử nghiệp, khi những bánh pháo được xếp đầy trên giường ngủ nhà Vy, khi mấy mẹ con đang lúi húi ngoài sân cuộn mạ cấy cho kịp tết thì một tiếng nổ long trời lở đất đã đem bố cô đi xa mãi mãi. Nhà Vy bỏ nghề làm pháo, mãi sau này mẹ cô vẫn chưa hết bàng hoàng, lần nào nhắc đến bố, mẹ cô cũng nói lúc tiếng nổ ấy cất lên chắc là bố chưa kịp biết đau thì đã mất rồi. Thôi không biết đau thì tốt.

Sau này nhà nước cấm sản xuất và đốt pháo nổ, người làng viết một tấm biển cắm ở đầu làng để người mua pháo không tìm đến nữa. Tết im ắng, người làng im ắng, người ta bắt đầu nhìn đến đôi bàn tay mình, những bàn tay chi chít vết thương của pháo để lại. Cũng may, đồng đất mênh mông màu mỡ không phụ công người tần tảo. Sự lặng im cần mẫn của đất, của người trả lại những mùa màng chín mọng đủ đầy. Tết không xác pháo nhưng có hoa đào rụng ngoài sân, có ngô treo đầy ở hiên nhà, có đàn gà ngủ vùi trong đống rơm trốn rét. Có lẽ vì yêu thiết tha đồng đất quê nhà mà Vy quyết tâm theo học ngành nông nghiệp.

Sự rộn ràng của tiếng pháo suy cho cùng cũng không thể so sánh được với sự rộn ràng trong lòng người sum họp mà không phải thấp thỏm nay còn mai mất với kế sinh nhai. Vì sớm lo toan nên Vy có sự điềm đạm khéo vén của một người đàn bà mà người con trai nào cũng thấy dễ chịu khi ở bên. Cũng vì sớm lo toan nên cô không chạy theo những hào nhoáng thức thời chộp giật, ở cô nét duyên dáng, trong veo khiến người ta muốn bảo bọc chở che.

Tình yêu Thành dành cho cô không phải là sự rung động mãnh liệt hay tiếng sét ái tình. Đó là tổng hòa của nhiều thứ tình cảm, đồng điệu được vun đắp mỗi ngày một lớn, như gom đủ ngày dài thì sẽ đến mùa xuân.

Ngày dẫn Vy về ra mắt, chuyến đò sang bến tíu tít những chiếc xe chở đầy hoa tươi. Các chị các cô đi chợ mùa này diện lắm, bán hoa tết là bán cả niềm vui cho người khác, bán không khí mùa xuân cho phố thị. Qua sông gặp khu khuyến nông trồng bạt ngàn hoa cúc, hoa đào. Ngày trước khu đất ấy trồng lúa Q5 chịu lụt, sau lại trồng dâu, nghề dệt tơ tằm không thịnh thì lại xoay qua trồng sắn dây làm bột. Mấy năm nay chuyển đổi cây trồng người làng trồng hoa chơi tết. Mẹ anh bảo phú quý sinh lễ nghĩa, đời sống khấm khá lên người ta mới nghĩ đến chuyện chơi cây. Ngày trước chỉ có nhà nào khá giả trong làng mới dám lên huyện mua một chậu quất hay nhánh đào về trưng đèn nhấp nháy. Hồi bé Thành hay thắc mắc vườn nhà mình rộng thế sao mẹ không trồng lấy một khóm hoa. Mãi đến sau này chị Tú mới chiết cho hai cành đào. Tết năm nào đào phai cũng nở hồng một góc sân, bay đầy cánh mỏng.

Nghĩ đến chị Tú, Thành khẽ mỉm cười. Vy kêu anh dừng xe. Hai người ngồi trên đê đưa mắt ngắm cánh đồng trải dài tít tắp. Những cành đào được uốn khéo quá, hàng trăm tay hoa vươn thẳng lên trời, nụ đóng kín cành. Đào thế được uốn vô cùng kỳ công, tài hoa. Thế long giáng đầy uy quyền, thế quần tụ tượng trưng cho cha con khắng khít. Thế phu thê nương tựa vào nhau. Người ta đã bắt đầu đánh dấu cây đặt mua đào sớm. Bây giờ đào sớm gửi tận vào Nam, đào muộn níu kéo tết cho những người ở xa về muộn. Hoa chưa kịp tàn thì chồi biếc từng chùm đã bật ra xanh biếc. Trong những nhánh khẳng khiu chứa ăm ắp mùa xuân. Thành nắm lấy tay người yêu, thấy tay cô run rẩy trong tay mình.

- Em hồi hộp quá, biết nói gì khi gặp hai bác nhà mình.

Mẹ anh rất hiền - Vy bật cười khi nghe Thành nói. Có lẽ chàng trai nào dẫn bạn gái về ra mắt lần đầu cũng trấn an như thế. Mẹ đón anh và Vy ở tận quán Tiến, mẹ đang đạp xe chở một bao gạo nếp cái hoa vàng vừa xát xong. Niềm vui của một người mẹ đón con trai và con dâu tương lai khiến bà gần như quýnh quáng, vừa hỏi han vừa mắng yêu sao về gần đến làng không gọi điện báo trước một câu, mẹ đã dặn từ hôm qua về gần đến làng thì phải gọi. Cả đời mẹ gần như lúc nào cũng làm lụng để chuẩn bị. Lúc mẹ mua thêm ruộng, khi xây mới cái bếp hay lát lại mảnh sân mẹ đều nhắc đến chuyện Thành cưới vợ sau này.

Vy lúi húi trong bếp với mẹ suốt cả buổi chiều, Thành cùng bố lên chậu cho mấy khóm cúc trong vườn, vừa làm vừa nghĩ đến chị Tú, chắc chị đã biết anh về ăn tết cùng với người yêu. Xưa nay trong làng niềm vui nỗi buồn nào cũng nhanh chóng lan ra trong từng xóm nhỏ. Anh muốn chạy sang ngay với chị nhưng cũng muốn kéo dài niềm háo hức ấy nên định bụng cơm tối xong sẽ dẫn Vy sang thăm nhà.

Cơm nước xong xuôi mẹ Thành nói: Chị Tú không có nhà đâu, hai đứa đừng sang mất công. Chị đi giúp việc cho người ta dễ đến nửa năm chưa thấy về làng.

Thành hơi ngẩn người, trong ánh sáng của ngọn đèn vàng vọt đầu ngõ Thành nhìn vào sân nhà chị. Cây đào um tùm lá chưa được tuốt đứng sừng sững nơi góc sân như người canh gác, mảnh sân im lìm, bố mẹ chị đã được người anh cả đón về phụng dưỡng từ lâu. Giàu con út, khó con út, mấy sào ruộng màu mỡ năm nào cũng thu hai vụ lúa một vụ hành tỏi và sắn dây nào có khó khăn gì mà chị phải đi giúp việc trên thành phố.

Sáng hôm sau Thành nhảy qua tường rào đem theo mấy cái bao xác rắn để tuốt lá cho cây đào nhà chị Tú. Bây giờ tuốt lá là trễ lắm rồi, tết này đào nhà chị sẽ nở muộn. Nhưng đào nở ngày nào thì hôm đó là mùa xuân là ngày tết - chị từng nói vậy. Thế nào mấy hôm nữa chị cũng về. Vừa tuốt lá, bấm tỉa những cành khô Thành vừa trêu chọc cô kỹ sư nông nghiệp đứng bên ngoài bức tường chờ đón những bao lá anh thảy ra.

Hôm chị Tú về cả xóm nhỏ xôn xao, bụng chị đội lên sau lần áo ấm rộng. Việc đâu vào đấy mọi người mới vỡ lẽ mấy tháng nay chị vào bệnh viện phụ sản để tự cho mình một đứa con. Nhìn Thành và Vy, mắt chị ngân ngấn mà miệng chị cười tươi lắm: “Sang năm là hai đứa lên chức cậu mợ rồi, cưới nhanh lên để chị đun nước cho rồi còn nằm ổ”. Vy nắm chặt tay chị gói vào lòng mình.

Mẹ sai Thành đi nổ bỏng gạo nếp cái hoa vàng để đóng bánh lòng, năm nay nổ nhiều gạo hơn để đóng cho cả nhà chị Tú. Quả nổ được quay nóng thổi ra mẻ bỏng trắng phau, mẹ đã kho khô thịt nạc, sên sẵn mứt dừa mứt bí. Tấm chiếu trải ra hiên, chiếc nia mới đựng nồi nước đường gừng, bỏng gạo được nghiền nhỏ, cả nhà quây quần đóng khuôn, bọc bánh lòng trong giấy điều. Vừa đảo nồi đường chị Tú vừa ôm trong lòng mình một mùa xuân nho nhỏ. Mẹ cười bảo chị Tú:

- Năm nay tròn trịa quá!

Thành lúi húi vớt bánh chưng, anh thích nhất những tấm bánh vừa vớt xong chưa được ép nước. Bóc lớp lá dong ra mặt bánh gói bằng gạo nếp cái hoa vàng đã nhuyễn ra xanh mướt, lớp đậu bùi béo ôm những miếng thịt ba rọi mềm tan như khâu nhục thơm vị hạt tiêu, hơi nóng bốc lên lẫn trong mưa bụi. Bánh gói chắc tay, dền bánh, trời có rét mấy để lâu cũng không lại gạo. Những quả bưởi vàng ươm được lau bằng rượu nếp tỏa hương thơm ngát. Mẹ cắm bình hoa lay ơn khéo quá. Ngoài vườn hai cây đào chi chít nụ đã he hé sắc hồng phai.

Theo Hoàng Hiền (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Tranh minh họa (nguồn internet).

Thơ Đại Dương: Kính rượu thầy giáo cũ

(GLO)- Bài thơ "Kính rượu thầy giáo cũ" của tác giả Đại Dương chứa đựng nhiều tình cảm và lòng tri ân sâu sắc. Mỗi câu thơ là hình ảnh rất chân thật về một thời gian khó cắp sách đến trường, về những hy sinh thầm lặng của thầy giáo và cả sự khắc khoải, trăn trở của người học trò đã trưởng thành...

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

Thơ Từ Dạ Linh: Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

(GLO)- "Tặng em nỗi nhớ ngược chiều" của Từ Dạ Linh mang vẻ đẹp mộc mạc, đầy hoài niệm về tuổi thơ, về những khoảnh khắc hồn nhiên mà người ta thường dễ dàng quên đi. Ẩn chứa trong đó cũng là nỗi nhớ, sự lưu luyến về tình yêu đầu đời với những xúc cảm tinh khôi, thuần khiết...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.