Dân làng Brò hiến đất làm đường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Gần 3 năm qua, phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn được người dân làng Brò (xã An Trung, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) hưởng ứng tích cực.
Con đường nối từ đường Trường Sơn Đông vào làng Brò đã được bê tông hóa. Dọc hai bên đường là những ngôi nhà mới khang trang với khoảng sân sạch sẽ và hàng rào xanh mát. Ông Đinh A Nơi-Bí thư Chi bộ làng Brò-cho biết: Làng có 156 hộ với 621 khẩu, 80% dân số là đồng bào Bahnar. Trước đây, con đường chính dẫn vào làng nhỏ hẹp, lầy lội. Năm 2019, UBND xã quyết định chọn làng Brò làm điểm xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số. Ngay khi bắt tay vào triển khai, bên cạnh việc giúp đỡ bà con chuyển đổi cây trồng vật nuôi để phát triển kinh tế gia đình, xã còn cử cán bộ phụ trách nông nghiệp hướng dẫn người dân kỹ thuật canh tác theo từng mùa vụ. “Với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, chúng tôi tổ chức họp làng để tuyên truyền, giải thích cho bà con hiểu về mục đích, ý nghĩa của việc làm đường giao thông nội làng. Nhờ đó, bà con hiểu và đồng lòng ủng hộ, tự nguyện hiến đất, phá bỏ một số cây trồng để chung sức cùng địa phương mở rộng đường giao thông”-ông A Nơi cho hay.
Nhờ sự đồng thuận, chung sức của người dân, diện mạo làng Brò đã đổi thay tích cực. Đến nay, 100% đường nội làng, đường đến trung tâm xã được bê tông hóa, nhựa hóa. Trò chuyện cùng chúng tôi, bà Đinh Thị A Mlem cho biết: Mặc dù kinh tế gia đình không khá giả gì và đông con nhưng bà đã không ngần ngại hiến 500 m2 đất vườn và phá bỏ một số diện tích mì để mở con đường rộng 5 m thuận tiện cho việc đi lại, vận chuyển nông sản. “Trước đây, để đến khu sản xuất, bà con phải đi trên con đường mòn ngang qua vườn nhà mình. Thấy vậy, mình bàn bạc với gia đình hiến đất mở rộng đường để bà con đi lại thuận lợi. Ngoài ra, mình còn đứng ra vận động nhiều hộ ở liền kề cùng hiến đất để làm đường”-bà A Mlem bộc bạch.
Đoạn đường bê tông đi qua mảnh đất do bà Đinh Thị A Mlem hiến tặng. Ảnh: R’Ô HOK
Đoạn đường bê tông đi qua mảnh đất do bà Đinh Thị A Mlem hiến tặng. Ảnh: R’Ô HOK
Chứng kiến việc làm của bà A Mlem, nhiều hộ dân sống dọc tuyến đường cũng tự nguyện tháo dỡ hàng rào, di dời chuồng trại nuôi nhốt gia súc để cùng địa phương làm đường bê tông dẫn vào khu sản xuất. Anh Đinh Choe thổ lộ: “Nhiều năm trước, để tới khu sản xuất, bà con phải đi đường vòng hơn 200 m. Thấu hiểu sự khó khăn trong việc đi lại, tôi đã tự nguyện hiến 250 m2 đất để làm đường. Từ khi có con đường bê tông này bà con mừng lắm”. Còn ông Đinh Xuân thì cho hay: “Lúc đầu, tôi không đồng ý vì sợ diện tích đất bị thu hẹp, không đủ chia cho các con. Nhưng khi chứng kiến tuyến đường từ nhà bà A Mlem và anh Choe đến nhà mình bị tắc nên tôi đồng ý hiến 250 m2 đất. Mình hy sinh quyền lợi của gia đình nhưng bù lại giúp bà con dân làng đi lại thuận tiện là thấy vui”.
Trao đổi với P.V, bà Nguyễn Thị Phượng-Chủ tịch UBND xã An Trung-thông tin: “Từ khi chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới đến nay, người dân làng Brò luôn thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các hoạt động ở địa phương. Không chỉ hiến đất và kinh phí, dân làng Brò còn đóng góp ngày công để làm đường giao thông. Từ năm 2019 đến nay, làng Brò luôn đạt danh hiệu làng văn hóa và hiện đã đạt 17/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Sự đóng góp của người dân làng Brò góp phần cùng xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2021”.
R’Ô HOK

Có thể bạn quan tâm

Nhà máy xử lý rác thải Chư Sê hoạt động trở lại: Giải “bài toán” ô nhiễm môi trường

Nhà máy xử lý rác thải Chư Sê hoạt động trở lại: Giải “bài toán” ô nhiễm môi trường

(GLO)- Sau gần 7 tháng sửa chữa, nâng cấp máy móc thiết bị và xây dựng lại nhà xưởng bị hư hại do hỏa hoạn, Nhà máy xử lý rác thải Chư Sê đã hoạt động trở lại, góp phần giải “bài toán” ô nhiễm môi trường khi lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày được xử lý kịp thời.

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

(GLO)- Những năm qua, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai có hiệu quả công tác phân loại, thu gom, xử lý rác thải tại nguồn. Nhờ đó, nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường sinh thái ngày càng chuyển biến tích cực, chất lượng môi trường từng bước được nâng cao.

Pleiku: Quy hoạch đô thị để định hình bản sắc và phát triển bền vững

Pleiku: Quy hoạch đô thị để định hình bản sắc và phát triển bền vững

(GLO)- Khai thác thế mạnh về điều kiện tự nhiên, cảnh quan môi trường để xây dựng đô thị có bản sắc riêng gắn với phát triển du lịch, dịch vụ và các giá trị văn hóa bản địa là mục tiêu mà TP. Pleiku đang tập trung hướng tới thông qua các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết.