Đak Pơ ưu tiên nguồn lực để bảo vệ môi trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) đã đầu tư nguồn lực triển khai nhiều mô hình, hoạt động thiết thực nhằm thu gom, xử lý rác thải để bảo vệ môi trường.

Tích cực thu gom, phân loại rác thải

Ông Nguyễn Phương Thành-Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) huyện-cho biết: Các nguồn gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn huyện chủ yếu là do rác thải sinh hoạt, rác thải nông nghiệp. Vì thế, hàng năm, Phòng TN-MT chủ động triển khai hoặc phối hợp với các hội, đoàn thể và địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân không vứt rác bừa bãi, bỏ rác đúng nơi quy định để xe chở rác của Đội Công trình giao thông huyện thu gom về bãi rác xử lý.

Bên cạnh đó, Phòng phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ huyện triển khai mô hình “Thu gom-phân loại rác thải tại nhà” tại các xã Phú An, Cư An. Theo đó, 2 cơ quan tặng 4 xe rác để địa phương thu gom rác thải; tặng 250 giỏ xách đi chợ cho hội viên phụ nữ.

“Ngoài ra, Mặt trận và các hội, đoàn thể cũng còn xây dựng hơn 30 mô hình về bảo vệ môi trường, định kỳ tổ chức các đợt ra quân dọn vệ sinh khu vực công cộng, hỗ trợ người dân đào hố rác, hướng dẫn cách thu gom, phân loại rác thải”-ông Thành thông tin.

Đến nay, huyện Đak Pơ đã xây dựng được hơn 30 mô hình bảo vệ môi trường. Ảnh: N.H

Đến nay, huyện Đak Pơ đã xây dựng được hơn 30 mô hình bảo vệ môi trường. Ảnh: N.H

Xã Cư An là một trong những địa phương làm tốt công tác thu gom, phân loại, xử lý rác thải. Bà Lưu Thị Phượng-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã-cho hay: Mỗi tháng 1 lần, Hội huy động hội viên ra quân dọn vệ sinh, khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm để cải thiện vệ sinh môi trường cũng như hình thành ý thức gìn giữ vệ sinh môi trường cho hội viên nói riêng và người dân nói chung. Ngoài ra, chúng tôi phối hợp với các thôn triển khai mô hình “Thu gom-phân loại rác thải tại nhà” ở 2 thôn Chí Công và An Thuận khá hiệu quả.

Ông Nguyễn Hải (thôn An Thuận) cho hay: Thôn có nhiều tuyến đường nhỏ hẹp nên xe không thể vào thu gom rác. Vừa qua, thôn được Phòng TN-MT và Hội Liên hiệp phụ nữ huyện trao tặng xe chở rác đã tạo thuận lợi cho người dân trong việc thu gom rác. Ngoài ra, các hoạt động ra quân dọn vệ sinh khu vực công cộng được triển khai thường xuyên đã giúp cho đường làng ngõ xóm sạch sẽ. Đối với rác thải sinh hoạt của gia đình thì phân loại rác thải tái chế thu gom bán, rác thải hữu cơ đưa ra sau vườn ủ bón cho cây trồng, rác thải là túi ni lông bỏ vào xe rác để mang đi xử lý.

Xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường

Bên cạnh thu gom, xử lý rác thải, thời gian qua, huyện Đak Pơ cũng đầu tư nguồn lực triển khai hoạt động trồng cây xanh và kiên quyết xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Từ năm 2021 đến nay, huyện đã cấp gần 7 tỷ đồng cho công tác thu gom, phân loại, xử lý rác thải, xây dựng 108 bể chứa rác thải là bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật, trồng và chăm sóc cây xanh, xử lý đưa bãi rác xã An Thành ra khỏi danh sách cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Hội Liên hiệp phụ nữ xã Cư An trồng con đường hoa để cải thiện môi trường. Ảnh: Nhật Hào

Hội Liên hiệp phụ nữ xã Cư An trồng con đường hoa để cải thiện môi trường. Ảnh: Nhật Hào

Ông Huỳnh Hữu Tuấn-Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng huyện-cho biết: Bãi rác xã An Thành được đưa vào sử dụng từ năm 2012 với tổng diện tích 2,1 ha. Hiện diện tích sử dụng mới chỉ gần 1 ha với 1 hố chôn lấp rác nhưng đã bắt đầu ô nhiễm. Đây là nơi tập trung rác thải thu gom từ thị trấn Đak Pơ, xã Tân An, Cư An và một phần của xã Phú An. Đến thời điểm này, hố rác chưa đầy nhưng do không có bạt chứa nước rỉ rác, rác thải được xử lý bằng hình thức phun chế phẩm rồi chôn lấp nên gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

“Dự án xử lý bãi rác này cần có nguồn kinh phí 800 triệu đồng để đầu tư các hạng mục như: đắp đất tường rào, xử lý rác thải và cải tạo môi trường xung quanh bằng hình thức trồng cây xanh, tạo rãnh thoát nước tự nhiên. Theo đó, Ban Quản lý đã thực hiện phun chế phẩm để phân hủy rác thải, xử lý qua 4 lớp đất và trồng hơn 1.200 cây bạch đàn nhằm cải tạo môi trường khu vực bãi rác”-ông Tuấn nói.

Về định hướng thời gian tới, Trưởng phòng TN-MT huyện Đak Pơ cho biết thêm: Đơn vị sẽ tiếp tục tham mưu UBND huyện phân bổ kinh phí để đầu tư cho hoạt động bảo vệ môi trường, trong đó, chú trọng công tác phân loại, thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt, xây dựng bể chứa bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật.

Đồng thời, phối hợp với các hội, đoàn thể và UBND các xã nhân rộng mô hình về thu gom, phân loại rác thải; tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh trong bảo vệ môi trường; thường xuyên tổ chức các hoạt động ra quân dọn vệ sinh các khu vực công cộng, các tuyến đường, trồng cây xanh để cải tạo cảnh quan môi trường ngày càng xanh-sạch-đẹp.

Có thể bạn quan tâm

Nhà máy xử lý rác thải Chư Sê hoạt động trở lại: Giải “bài toán” ô nhiễm môi trường

Nhà máy xử lý rác thải Chư Sê hoạt động trở lại: Giải “bài toán” ô nhiễm môi trường

(GLO)- Sau gần 7 tháng sửa chữa, nâng cấp máy móc thiết bị và xây dựng lại nhà xưởng bị hư hại do hỏa hoạn, Nhà máy xử lý rác thải Chư Sê đã hoạt động trở lại, góp phần giải “bài toán” ô nhiễm môi trường khi lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày được xử lý kịp thời.

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

(GLO)- Những năm qua, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai có hiệu quả công tác phân loại, thu gom, xử lý rác thải tại nguồn. Nhờ đó, nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường sinh thái ngày càng chuyển biến tích cực, chất lượng môi trường từng bước được nâng cao.

Pleiku: Quy hoạch đô thị để định hình bản sắc và phát triển bền vững

Pleiku: Quy hoạch đô thị để định hình bản sắc và phát triển bền vững

(GLO)- Khai thác thế mạnh về điều kiện tự nhiên, cảnh quan môi trường để xây dựng đô thị có bản sắc riêng gắn với phát triển du lịch, dịch vụ và các giá trị văn hóa bản địa là mục tiêu mà TP. Pleiku đang tập trung hướng tới thông qua các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết.