Theo kế hoạch, việc xây dựng mô hình chữa cháy tại khu dân cư phải đảm bảo thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm mang tính thực tiễn cao lấy các lực lượng tại cơ sở và người dân làm nòng cốt; phải gắn với thực tiễn công tác phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) và đặc điểm, tình hình quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của các xã, thị trấn.
Tại khu dân cư cũng như các cơ sở sản xuất-kinh doanh đều phải đảm bảo hệ thống các dụng cụ, phương tiện phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ. Ảnh: Hà Duy |
Cơ sở hạ tầng của khu dân cư đảm bảo an toàn PCCC và CNCH gồm: bảng tin để niêm yết nội quy, quy định về an toàn PCCC của khu dân cư, số điện thoại báo cháy 114; thành lập nhóm zalo kết nối giữa tổ công tác PCCC, các ban, ngành, tổ chức, đoàn thể của thôn, làng, tổ dân phố phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn công tác PCCC và CNCH. Khuyến khích mỗi hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trang bị ít nhất 1 bình chữa cháy xách tay; đối với các nhà liền kề phải tham gia “Tổ liên gia an toàn PCCC” bảo đảm theo tiêu chí hướng dẫn của Bộ Công an.
Lực lượng PCCC tại chỗ được bồi dưỡng, huấn luyện và được cấp giấy chứng nhận nghiệp vụ về PCCC và CNCH; thường trực sẵn sàng PCCC và CNCH, đáp ứng yêu cầu tại chỗ khi có cháy, nổ, sự cố, tai nạn xảy ra; xây dựng, thực tập phương án PCCC và CNCH tại khu dân cư; đẩy mạnh xã hội hóa xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng, kỹ thuật về PCCC (hệ thống giao thông, nguồn nước, thông tin liên lạc...).
Giai đoạn 1 của kế hoạch bắt đầu từ 20-8 đến hết ngày 4-10-2024 với việc tập trung xây dựng và đồng loạt ra mắt mô hình chữa cháy tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đak Đoa; giai đoạn 2 là nhân rộng, triển khai mô hình chữa cháy tại các thôn, tổ dân phố và cụm các xã liền kề trên toàn huyện trong những năm tiếp theo.