(GLO)- Là một huyện phát triển kinh tế nông nghiệp là chủ yếu, để từng bước ổn định điều kiện sản xuất, phát triển kinh tế cho những hộ nghèo, trong những năm qua, huyện Đak Đoa đã luôn quan tâm đến việc hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho các hộ nghèo thiếu đất sản xuất và hỗ trợ cho các làng nghèo, hộ nghèo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển sản xuất để ổn định nguồn thu nhập.
Cán bộ Trạm Khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật cho bà con nông dân. Ảnh: Thu Hoài |
Là làng đặc biệt khó khăn, điều kiện sản xuất và đời sống kinh tế-xã hội của bà con người Bahnar ở làng Đê Pra, xã Đak Sơmei còn rất nghèo nàn, thiếu thốn. Trong sản xuất nông nghiệp, người dân trong làng chưa chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và chưa mạnh dạn trong việc áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, nên năng suất cây trồng, vật nuôi thường đạt thấp.
Để từng bước thay đổi tập quán sản xuất của bà con trong làng, trong những năm gần đây, UBND huyện Đak Đoa đã chỉ đạo cho các cơ quan chuyên môn của huyện, đưa nhiều mô hình sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi mới vào cho các hộ dân trong làng thực hiện, như mô hình trồng cây cà phê, tiêu, chăn nuôi bò lai. Trong quá trình triển khai các mô hình, ngoài việc hỗ trợ cây, con giống, phân bón các loại, các cơ quan chuyên môn của huyện còn chú trong đến việc hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh để bà con trong làng tiếp cận được với khoa học, công nghệ, áp dụng trong quá trình sản xuất và nhân rộng mô hình, khai thác hiệu quả quĩ đất sản xuất của các hộ dân trong làng, tạo nguồn thu nhập cho bà con nông dân. Nhờ được hỗ trợ kịp thời, nên hiện nay tập quán sản xuất của nhân dân trong làng đã dần được thay đổi, nhiều hộ dân đã biết cải tạo vườn tạp để trồng cây công nghiệp, cây hoa màu để có nguồn thu nhập, biết sản xuất cây lúa đông xuân và chăn nuôi bò lai. Hiện làng đã có 15 ha lúa 2 vụ, 10 ha cà phê và chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm trên 540 con, với tỷ lệ bò lai đạt 75% trong tổng đàn.
Cùng với việc hỗ trợ nhân dân trong phát triển sản xuất, thực hiện Quyết định 755/QĐ-TTg về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở các xã, thôn, làng đặc biệt khó khăn, trong thời gian qua huyện Đak Đoa cũng đã thực hiện tốt chính sách hỗ trợ đất sản xuất, hỗ trợ cho các hộ thiếu đất sản xuất chuyển đổi ngành nghề từ sản xuất sang chăn nuôi, hỗ trợ nước sinh hoạt cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số…
Bà con nông dân chăm sóc vườn cà phê. Ảnh: Hoài Thu |
Trong 2 năm (2015 và 2016), huyện đã hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất cho 1 hộ nghèo thiếu đất sản xuất và hỗ trợ cho 128 hộ chuyển đổi ngành nghề từ sản xuất sang chăn nuôi, với tổng kinh phí chi cho các hoạt động này là trên 2,378 tỷ đồng. Ngoài ra, huyện còn chỉ đạo thực hiện tốt việc cấp phát các mặt hàng trợ cước, trợ giá đầy đủ, kịp thời đúng đối tượng. Từ đó đã giúp cho các hộ nghèo ở các làng, các xã đặc biệt khó khăn của huyện phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao được mức thu nhập và thoát được nghèo, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng lên.
Theo ông Nguyễn Cao Thuấn-Phó Chủ tịch UBND xã Đak Sơmei cho biết: “Xã Đak Sơ Mei là xã đặc biệt khó khăn của huyện Đak Đoa, tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm trên 87% dân số, nhận thức của nhân dân còn hạn chế rất nhiều. Tuy nhiên được sự quan tâm của cấp ủy Đảng chính quyền các cấp đặc biệt là sự phối hợp của chính quyền, mặt trận đoàn thể của xã, từ đó đã vận động được nhân dân chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi trong sản xuất, nên đã phát triển được kinh tế. Từ đó hàng năm tỷ lệ hộ nghèo của xã được từ 4% đến 5%.
Bằng việc hỗ trợ tích cực cho các làng nghèo, xã nghèo và hộ nghèo chuyển đổi tập quán sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo bền vững mà tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm dần theo từng năm. Riêng trong năm 2016, toàn huyện đã có 1.036 hộ thoát nghèo, bằng 23,24% so với tổng số hộ nghèo đầu năm và tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống còn 14,46% theo tiêu chí đa chiều.
Thu Hoài