Cưỡng chế thu hồi đất của 3 hộ dân suối Hội Phú

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sáng 8-12, UBND TP. Pleiku đã tổ chức đối thoại lần cuối cùng nhằm vận động, thuyết phục 3 hộ gia đình còn lại thống nhất với phương án bồi thường, hỗ trợ để bàn giao mặt bằng phục vụ thi công dự án kè chống sạt lở suối Hội Phú giai đoạn 2. Tuy nhiên, tại cuộc đối thoại này, các hộ dân vẫn không đồng ý với phương án bồi thường, hỗ trợ. Vì vậy, theo kế hoạch, hôm nay (10-12), Ban Cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất sẽ tiến hành cưỡng chế theo quy định pháp luật.
Ông Huỳnh Công Quang-Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP. Pleiku-cho biết: Đến thời điểm này đã có 98/101 hộ gia đình đồng ý bàn giao mặt bằng cho dự án kè chống sạt lở suối Hội Phú giai đoạn 2 (từ đường Hùng Vương đến đường Nguyễn Tri Phương). Còn lại các hộ: Mai Xuân An, Mai Xuân Phúc và Mai Thị Bích Hà (người trong cùng 1 gia đình, trú tại địa chỉ: 326/10/2 Hùng Vương, phường Hội Thương) vẫn chưa thống nhất với phương án đền bù, hỗ trợ của UBND TP. Pleiku.
 Tổ chức đo đạc, lên phương án triển khai kế hoạch cưỡng chế các hộ gia đình chưa đồng thuận. Ảnh: M.N
Tổ chức đo đạc, lên phương án triển khai kế hoạch cưỡng chế các hộ gia đình chưa đồng thuận. Ảnh: M.N
Theo đó, hộ ông Mai Xuân An bị thu hồi 3 thửa đất để phục vụ dự án, gồm 1 thửa đất ở và 2 thửa đất nông nghiệp. Cụ thể, hộ ông An bị thu hồi 8,9 m2 trong tổng số 60,7 m2 đất ở với tổng giá trị bồi thường, hỗ trợ là 24,3 triệu đồng và 1.261,7 m2 đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, có giá trị bồi thường gần 647 triệu đồng. Hộ bà Mai Thị Bích Hà bị thu hồi 17,5 m2 trong tổng số 68,3 m2 đất ở, có tổng giá trị bồi thường, hỗ trợ là 43,2 triệu đồng. Còn hộ ông Mai Xuân Phúc bị thu hồi 14,5 m2 trong tổng số 62,1 m2 đất ở, tổng giá trị bồi thường, hỗ trợ là 80,8 triệu đồng.
Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP. Pleiku khẳng định: Sau một thời gian dài tuyên truyền, vận động, các nội dung kiến nghị của 3 hộ trên đều được UBND TP. Pleiku xem xét và giải quyết. Cụ thể, đối với việc di dời 8 ngôi mộ trên thửa đất thu hồi, ông An yêu cầu được hỗ trợ thêm kinh phí và lát gạch men cho các ngôi mộ cải táng, UBND TP. Pleiku thống nhất giao cho Công ty cổ phần Công trình Đô thị tổ chức thực hiện đáp ứng nguyện vọng của gia đình với số tiền dự kiến hỗ trợ là 21,7 triệu đồng. Về việc hộ ông An, ông Phúc và bà Hà yêu cầu hỗ trợ phần tài sản (là nhà cửa, vật kiến trúc…) ngoài phạm vi giải phóng mặt bằng bị ảnh hưởng sau khi thi công công trình kè chống sạt lở suối Hội Phú, Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP. Pleiku đã tính toán và dự kiến hỗ trợ tăng thêm là 404,2 triệu đồng. Việc hỗ trợ đắp đất san nền bằng với mặt đường sau khi thi công, Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng TP. Pleiku tính toán và dự kiến hỗ trợ 93,5 triệu đồng.
Ngoài ra, về phương án tái định cư, UBND tỉnh đồng ý hỗ trợ hộ ông Mai Xuân An theo hình thức giao 1 lô đất không thông qua hình thức đấu giá, có thu tiền sử dụng đất thuộc dự án kè chống sạt lở suối Hội Phú (tại khu tái định cư đoạn từ đường Nguyễn Tri Phương đến đường Nguyễn Trung Trực). Tuy nhiên, hộ ông An cho rằng, tiền sử dụng đất tại khu vực này quá cao trong khi tiền bồi thường thấp, gia đình không đủ khả năng để nộp. Ủy ban nhân dân TP. Pleiku cho biết sẽ bố trí khu đất tái định cư khác phù hợp với kinh tế của gia đình, trung bình từ 400 triệu đồng/lô 100 m2 đến 620 triệu đồng/lô 125 m2 (theo giá đất năm 2018). “Sau khi giải tỏa phần đất ở của ông An và các con ông thì phần diện tích đất còn  lại là 150,2 m2, trong đó có hơn 11 m đất ra mặt tiền đường quy hoạch Đ2 (có chỉ giới xây dựng 18 mét, mặt đường bê tông nhựa, quy hoạch cảnh quan đẹp và đồng bộ hạ tầng...) nên ông An và gia đình được lợi từ dự án đem lại là rất lớn”-ông Huỳnh Công Quang khẳng định.  
Trước thời điểm tổ chức thực hiện cưỡng chế thu hồi đất (theo thông báo là ngày 10-12), ngày 8-12, ông Trần Xuân Quang-Chủ tịch UBND TP. Pleiku đã chủ trì cuộc đối thoại lần cuối với 3 hộ này. Tuy nhiên, 3 hộ vẫn không đồng ý phương án bồi thường, hỗ trợ và cho rằng phần đất này thuộc quyền sở hữu của gia đình nên không ai có quyền cưỡng chế hay ép buộc gia đình bàn giao đất. Đại diện các hộ này khẳng định, Nhà nước thu hồi đất thì phải thỏa thuận được với gia đình và nếu có bồi thường đất ở 100 triệu đồng/m2 thì họ cũng không đồng ý. Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP. Pleiku khẳng định, trong quá trình triển khai dự án, chính quyền thành phố đã chỉ đạo các cơ quan liên quan áp dụng đầy đủ và đúng quy định về các chế độ, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Đồng thời, các ban, ngành liên quan đã giải thích rõ việc bồi thường, hỗ trợ được thực hiện theo quy định của Nhà nước, những kiến nghị của các hộ cũng được UBND TP. Pleiku xem xét, giải quyết thỏa đáng.
“Chúng tôi đã đáp ứng đầy đủ nguyện vọng nhưng các gia đình vẫn không thống nhất phương án đền bù, hỗ trợ, bàn giao mặt bằng cho dự án. Ngày 10-12,  Ban Cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất sẽ tổ chức cưỡng chế theo quy định của pháp luật. Khi đó, các khoản hỗ trợ ngoài phạm vi giải phóng mặt bằng đã tính toán dự kiến sẽ không còn được áp dụng”-Chủ tịch UBND TP. Pleiku khẳng định.
Minh Nguyễn

Có thể bạn quan tâm

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Ngày 3.12, UBND TP.HCM đã phân công cho Chủ tịch, 5 Phó chủ tịch theo dõi, chỉ đạo giải quyết cụ thể từng dự án tồn đọng, dừng thi công để khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát. Điều này hứa hẹn sẽ giúp cho các dự án trùm mền nhiều năm trời có cơ hội hồi sinh trở lại.

Bộ Xây dựng đề xuất phát hành trái phiếu 100.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi nhà ở xã hội. Ảnh nguồn doanhnghieptiepthi.vn

Đề xuất phát hành 100.000 tỷ đồng trái phiếu cho vay mua nhà ở xã hội

(GLO)- Bộ Xây dựng đang xin ý kiến các bộ, ngành về dự thảo Nghị quyết về nguồn vốn ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội quy mô khoảng 100.000 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu Chính phủ. Đây là lần đầu tiên Bộ Xây dựng đề xuất áp dụng gói nhà ở xã hội bằng phát hành trái phiếu.

Thí điểm cho các loại đất được làm nhà ở thương mại là rất cần thiết

Thí điểm cho các loại đất được làm nhà ở thương mại là rất cần thiết

Ngày 23.11 Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã có văn bản hỏa tốc gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội Thủ tướng Chính phủ Bộ Tài nguyên và Môi trường góp ý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất