Cuộc săn lùng kho báu 2.000 năm tuổi ở Afghanistan của Taliban

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cuối tháng 9 này, nhiều tờ báo và hãng tin thế giới loan tin lực lượng Taliban cầm quyền ở Afghanistan đang săn lùng kho báu đã 2.000 năm tuổi và đang mất tích tại đất nước này.

Chiếc vương miện vàng cực kỳ giá trị này chỉ là một phần trong kho báu Bactrian. Ảnh: AFP
Chiếc vương miện vàng cực kỳ giá trị này chỉ là một phần trong kho báu Bactrian. Ảnh: AFP


Những hiện vật cực kỳ quý hiếm

 “Kho báu Bactrian” là một tập hợp gồm 21.145 hiện vật giá trị làm bằng vàng. Trong số này có rất nhiều món đồ nữ trang vàng, tiền xu vàng, vương miện vàng… cực kỳ quý hiếm. Kho báu vô giá này được xem là một trong những bộ sưu tập cổ vật vàng lớn nhất thế giới, cho thấy một phần lịch sử và văn hóa vô cùng độc đáo của Con đường tơ lụa cổ đại.

Kho báu được khai quật trong khoảng thời gian từ năm 1978 tới 1979, tại 6 địa điểm an táng cổ, là nơi an nghỉ của một người đàn ông và năm phụ nữ. Một đội khảo cổ học gồm nhiều chuyên gia Liên Xô và Afghanistan đã tìm thấy các khu vực an táng kể trên tại địa điểm nằm bên ngoài thành phố Sheberghan, thủ phủ tỉnh Jowzjan ở Bắc Afghanistan. Khu vực này được dân địa phương gọi là “Tillya Tepe” hay Ngọn đồi vàng, từng có thời gian nằm trên các tuyến đường buôn quan trọng của Vương quốc Greco-Bactrian cổ được hình thành khoảng năm 300 trước Công nguyên, dưới thời Alexader Đại đế trị vì.

Bên trong phần mộ của người phụ nữ được mô tả là “một công chúa sống trong thời cổ đại” có nhiều đồng tiền vàng La Mã cổ, được đúc trong thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên. Bên cạnh đó là các con dao găm được khắc hình gấu Siberia, một chiếc huy hiệu vàng của Ấn Độ với các hình ảnh khắc họa Đức Phật, các dây thắt lưng vàng quý hiếm, một chiếc vương miện vàng hình chùm lá có thể gấp gọn lại được để tiện di chuyển.

Rất nhiều món đồ vàng giá trị từ khắp nơi, trải dài từ Châu Âu tới Châu Á, cũng góp mặt trong tập hợp các hiện vật được đào lên từ 6 địa điểm an tang. Người ta đã nhanh chóng đưa nó về Bảo tàng Quốc gia Kabul để bảo quản. Theo New York Times, kho báu này ít khi được giới thiệu với thế giới bên ngoài, do độ quý hiếm của nó.

Khi cuộc chiến của Liên Xô ở Afghanistan kéo dài và các màn giao tranh dần diễn ra nhiều hơn ở Kabul, giới chức quản lý tại Afghanistan cảm thấy lo ngại nên đã đưa kho báu tới Ngân hàng Quốc gia Afghanistan để cất giữ. Một quan chức của ngân hàng có tên Ameruddin Askarzai giúp cất và niêm phong số báu vật vào trong 6 chiếc rương. Tiếp đó cả kho báu được đưa vào nhà kho kiên cố của Ngân hàng Quốc gia Afghanistan nằm sâu 3 tầng dưới lòng đất, cũng là nơi cất trữ các thanh vàng bạc và ngoại tệ dự trữ của đất nước này. Chỉ một vài người biết về sự tồn tại của kho báu, cũng như việc nó được cất giữ ở Ngân hàng Quốc gia.

Khi Liên Xô rút khỏi Afghanistan vào năm 1989, tin đồn về việc kho báu đang ở đâu bắt đầu lan truyền. Có kẻ cho rằng người Liên Xô đã mang theo kho báu khi về nước, trong khi cũng có ý kiến cho rằng kho báu đã bị đun chảy và bán để thu tiền về. Một số ý kiến khác nói các hiện vật trong kho báu vẫn còn nguyên, nhưng đã bị tuồn ra thị trường chợ đen và bán hết. Những người biết rõ số phận của kho báu như Ameruddin Askarzai hoàn toàn giữ im lặng, bởi họ đã có một lời thề sẽ bảo đảm sự an toàn của nó.

Người hùng bảo vệ kho báu

Sau khi Taliban giành chính quyền ở Afghanistan vào năm 1996, nhiều cổ vật đã biến mất khỏi Bảo tàng Quốc gia Kabul. Omara Khan Masoudi, người là giám đốc bảo tàng khi ấy, ước tính rằng do tình trạng cướp phá lan tràn xảy ra do tình trạng hỗn loạn, khoảng 70% số hiện vật có trong bảo tàng đã bị lấy mất và khả năng bị bán ra chợ đen. Dù một số cổ vật được thu hồi lại, đa số đã biến mất vĩnh viễn.

Trong hoàn cảnh đó, số ít người biết về nơi cất giấu kho báu Bactrian vẫn kín miệng. Thời gian cầm quyền, lực lượng Taliban nổi tiếng khắp thế giới vì các hành động phá hủy nhiều cổ vật và các khu vực linh thiêng bị coi là trái với đức tin Hồi giáo. Nổi tiếng nhất trong đó là vụ dùng thuốc nổ đánh sập hai bức tượng Phật khổng lồ ở Bamiyan. Sau các vụ tấn công khủng bố ngày 11.9.2001 và với việc quân đội Mỹ cùng đồng minh tấn công Afghanistan trả đũa, các chính quyền Taliban khi ấy đã tìm cách đưa tài sản quốc gia đi cất giấu để phục vụ mục đích riêng của tổ chức này. Trong một bài báo đăng vào năm 2009, tờ Wall Street Journal cho biết một toán lính Taliban, với súng trường lăm lăm trên tay, đã tới Ngân hàng Quốc gia Afghanistan để kiểm tra ngân khố cũng như ngoại tệ dự trữ.


 

Một trong các hiện vật thuộc kho báu Bactrian. Ảnh: AFP
Một trong các hiện vật thuộc kho báu Bactrian. Ảnh: AFP


Ameruddin Askarzai vẫn làm việc ở ngân hàng này khi toán lính xuất hiện. Ban đầu ông từ chối cho chúng vào kho chứa tiền vàng của ngân hàng. Nhưng khi bị dí súng vào đầu, Askarzai không còn cách nào khác ngoài việc tuân theo yêu cầu. Lúc cánh cửa thép với khả năng chống đạn và thuốc nổ được mở ra, nhóm lính không khỏi lóa mắt trước hàng đống các thanh vàng bạc chất lên nhau. Bên trong kho vàng còn có một căn phòng nhỏ bị khóa cửa. Bên trong căn phòng ấy chính là kho báu Bactrian. “Thứ gì nằm sau cánh cửa này?”, nhóm lính hỏi Askarzai. “Chỉ là đồ gốm thủ công thôi”, Askarzai trả lời không nao núng. Thật may mắn, chúng đã không yêu cầu ông phải mở cửa.

Nhóm lính không lấy đi bất kỳ thứ gì. Nhưng ngay khi chúng rời đi, Askarzai đã cho khóa kho chứa vàng bạc, đồng thời bẻ gãy chiếc chìa khóa duy nhất dùng để mở cửa. Hành động can đảm này của ông khiến kho chứa được niêm phong kín. “Tôi không muốn chúng lấy vàng bạc đưa ra khỏi đất nước này và bán đi”, Askarzai chia sẻ với WSJ, “Số của báu đó thuộc về nhân dân Afghanistan".

Khi cảm thấy cuộc tấn công của Mỹ đã tới rất gần, các tay súng Taliban trở lại Ngân hàng Quốc gia thêm lần nữa. Nhưng lần này Askarzai không tìm cách mở cửa kho chứa vàng, nói rằng nó đã bị hỏng khóa.

Lính Taliban tức giận đã nổ súng bắn chỉ thiên để thị uy. Nhưng khi biết rằng không thể dùng vũ lực mở cửa kho chứa vàng, chúng đã lấy 4,5 triệu USD nằm trong ngân hàng, rồi bỏ đi.

Bí ẩn về số phận của kho báu Bactrian

Bản thân Askarzai bị Taliban tống vào tù và bị tra tấn trong thời gian giam giữ. Sau khi chính quyền Taliban sụp đổ, tân Tổng thống Hamid Karzai đã cho tìm các chuyên gia ngân hàng giỏi để tham gia điều hành đất nước và Askarzai đã được phóng thích, sau 3 tháng 19 ngày ngồi tù.

Ngay khi ra khỏi tù, Askarzai đã trở lại nhà kho của Ngân hàng Trung ương Afghanistan và gọi thợ khóa tới gỡ bỏ phần chìa còn kẹt trong ổ khóa. Tiếp đó ông quay mã mở cửa kho chứa vàng rồi bàn giao tất cả những gì bên trong cho chính quyền mới, bao gồm cả kho báu Bactrian vẫn nằm im ở đó. Và như thế, Askarzai cùng những người bảo vệ thầm lặng kho báu Bactrian đã hoàn thành sứ mệnh của mình.

Trang tin The Smithsonian cho biết năm 2004, với việc Afghanistan đã trở nên khá an toàn và thủ đô Kabul được kiểm soát tốt, khoảng 30 người đã lần đầu đi vào căn phòng chứa kho báu Bactrian. Tất cả các hiện vật bên trong được chụp ảnh, thống kê và được chuyển đi nghiên cứu.

Từ năm 2007 tới năm 2020, nhiều hiện vật thuộc kho báu Bactrian đã được đưa đi triển lãm tại nhiều nơi trên thế giới. Cụ thể, chúng đã được trưng bày ở 13 quốc gia và qua đó phô diễn lịch sử cực kỳ giàu có, phong phú của Afghanistan.

Tháng 1 năm nay, quyền Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Afghanistan Mohammad Tahir Zuhair tuyên bố rằng kho báu sẽ được gửi ra nước ngoài để trưng bày và để bảo vệ. Theo lời ông Zuhair, dù tổng trọng lượng vàng của cả kho báu không lớn, chỉ rơi vào khoảng 6-7kg, nhưng giá trị văn hóa của nó là vô cùng.

Chỉ một tháng sau, dự cảm được rằng khả năng chiến thắng đang tới gần, Taliban đã ra thông báo cho biết tổ chức này có “nghĩa vụ bảo vệ, giám sát và bảo tồn” các hiện vật có tầm quan trọng với di sản của Afghanistan.

Chưa đầy sáu tháng sau, Kabul rơi trở lại bàn tay của Taliban, khi chính quyền Afghanistan nhanh chóng sụp đổ. Một lần nữa, số phận của kho báu Bactrian cùng khoảng 800.000 hiện vật khác thuộc sở hữu của Bảo tàng Quốc gia lại thành chủ đề gây bàn tán.

Nhưng hiện nay, không giống như năm 1996, Taliban đã biết về sự tồn tại của kho báu và đang tích cực săn lùng nó. Hiện không ai biết kho báu Bactrian đang ở nơi nào. Chưa rõ nó còn ở lại Afghanistan không, hay đã được chuyển đi nơi khác. Nhưng có điều rõ ràng là không ai hé răng một lời về điều này. Dường như một thế hệ mới của những người bảo vệ thầm lặng đã lại vào cuộc, để tiếp tục gìn giữ di sản vô giá này cho các thế hệ sau ở Afghanistan.

 “Vấn đề (kho báu Bactrian) đang được điều tra và chúng tôi sẽ thu thập thông tin để biết rõ tình hình thực tế là như thế nào,” Ahmadullah Wasiq, Phó phụ trách Ủy ban Văn hóa của nội các Taliban, nói với báo giới. “Nếu kho báu đã được chuyển khỏi Afghanistan thì đây là một hành vi phản quốc chống lại nhân dân Afghanistan. Chính quyền Afghanistan sẽ có các hành động nghiêm khắc chống lại điều này”, ông này nói.

 

https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/cuoc-san-lung-kho-bau-2000-nam-tuoi-o-afghanistan-cua-taliban-958581.ldo

Theo Tường Linh (tổng hợp/LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

(GLO)- Đây là số cuối cùng của chuyên mục “Gương mặt thơ” trên báo Gia Lai Cuối tuần do tôi phụ trách.Chuyên mục đã đi được hơn 2 năm (từ tháng 10-2022), tới nay đã giới thiệu tác phẩm của hơn 100 nhà thơ nổi tiếng trên thi đàn cả nước.

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

(GLO)- Rời quê vào thôn Đà Bắc (xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) lập nghiệp đã hơn 30 năm, nhưng cộng đồng người Mường vẫn luôn duy trì và nỗ lực bảo tồn văn hóa cồng chiêng của dân tộc. Với họ, “giữ lửa” cồng chiêng chính là cách làm thiết thực nhất tạo sự gắn kết bền chặt với quê hương, nguồn cội.

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là di sản có tiềm năng khai thác kinh tế du lịch. Ảnh: Minh Châu

Những ngày làm hồ sơ “Không gian văn hóa cồng chiêng”

(GLO)- Ngày 23-3-2004, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) ban hành quyết định về việc xây dựng hồ sơ ứng cử quốc gia “Vùng văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” là di sản tiếp nối trình UNESCO công nhận là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại.

Già làng Đônh (bìa phải) giới thiệu về chiếc nỏ của người Bahnar. Ảnh: R.H

Điểm tựa Kon Brung

(GLO)- Không chỉ tâm huyết với công tác hòa giải, già làng Đônh (SN 1960; làng Kon Brung, xã Ayun, huyện Mang Yang) còn rất tâm huyết với việc bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Với bà con, ông là điểm tựa của làng Kon Brung.

Về miền di sản

Về miền di sản

(GLO)- Những địa danh lịch sử, điểm di sản là nơi thu hút nhiều người đến tham quan, tìm hiểu. Được tận mắt chứng kiến và đặt chân lên một miền đất giàu truyền thống luôn là trải nghiệm tuyệt vời và xúc động đối với nhiều người.

Mừng lúa mới trên cao nguyên

Mừng lúa mới trên cao nguyên

(GLO)- Sau khi thu hoạch mùa vụ và đưa lúa về kho, đồng bào Jrai náo nức với lễ mừng lúa mới. Nghi lễ nông nghiệp cổ truyền độc đáo này đã được bà con duy trì từ bao đời nay.

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

(GLO)- Quà lưu niệm từ sản phẩm văn hóa vừa là “sứ giả” du lịch, vừa góp phần đem lại thu nhập cho người dân. Việc tổ chức các cuộc thi tay nghề đan lát, dệt thổ cẩm nhằm tìm kiếm sản phẩm đặc sắc làm quà tặng đã góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy du lịch nông thôn phát triển.