(GLO)- Từ khi Chính phủ có Quyết định 306/QĐ-CP ngày 13-3-2007 nâng cấp lên thành cửa khẩu quốc tế, Cửa khẩu Lệ Thanh đã có sự thay đổi đáng kể, nhà cửa, cơ sở hạ tầng khang trang, có những công trình kiên cố, nhân dân đến sinh sống, làm ăn ngày càng đông hơn, hoạt động giao thương buôn bán, qua lại cửa khẩu đã diễn ra sôi động, tấp nập hơn. Khu Kinh tế Cửa khẩu được đầu tư xây dựng từ năm 2003 với tổng kinh phí 152,7 tỷ đồng (vốn trung ương là 134,5 tỷ đồng, vốn địa phương gần 18,2 tỷ đồng) đầu tư 36 hạng mục công trình lớn nhỏ. Tuy nhiên so với yêu cầu, mức đầu tư này còn thấp hơn nhiều so với các cửa khẩu khác trong nước.
Theo Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh-đơn vị trực tiếp quản lý Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, có 54 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh tại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Riêng khu trung tâm cửa khẩu có 17 doanh nghiệp hoạt động với nhiều ngành nghề kinh doanh khác nhau, tổng vốn đăng ký là 155,7 tỷ đồng.
Dưới sự chỉ đạo của Trung ương, sự phối hợp của các cấp, các ngành liên quan, đặc biệt là sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Quản lý Khu Kinh tế Cửa khẩu đã có những cố gắng nhất định trong việc vận dụng và khai thác cơ chế cho phép nhằm đem lại hiệu quả nhất định trong hoạt động của cửa khẩu. Từ đó, tình hình giao thương buôn bán, xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu năm sau luôn cao hơn năm trước. Lượng hàng hóa cũng như hành khách qua lại ngày càng tăng. Chợ cửa khẩu đã đông dần lên, thu hút nhiều cư dân hai bên biên giới đến mua bán, trao đổi hàng hóa phục vụ nhu cầu kinh doanh, sản xuất và đời sống.
Thành công đáng kể đầu tiên là giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu thu được thông qua hoạt động của cửa khẩu. Nếu như năm 2005, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 4,2 triệu USD, đến năm 2013 đạt 103 triệu USD thì đến đầu tháng 9-2014 đạt giá trị 173 triệu USD, tăng gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu đạt 99 triệu USD, kim ngạch xuất khẩu đạt 74 triệu USD. Các mặt hàng xuất nhập khẩu ngày càng phong phú đa dạng từ vật tư, nông sản đến hàng tiêu dùng thiết yếu…
Về công tác xuất nhập cảnh, nếu năm 2005 có 13 ngàn lượt người làm thủ tục qua lại cửa khẩu; năm 2013 đã đạt 107.609 lượt người, tăng gấp 8,2 lần so với năm 2005 và đến đầu tháng 9-2014 lượng người qua lại cửa khẩu đạt 93.431 lượt, tăng 1,4 lần so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, xuất cảnh 50.484 lượt người và nhập cảnh 42.947 lượt người.
Trong khi đó, tình hình thu thuế xuất nhập khẩu và thuế VAT cũng có sự tăng trưởng đáng kể. Nếu năm 2005 chỉ thu 643 triệu đồng thì đến đầu tháng 9-2014 thu 16,674 tỷ đồng, tăng 5,6 lần so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, thuế nhập khẩu 11,002 tỷ đồng; thuế VAT 5,672 tỷ đồng.
Ông Trần Văn Đính-Phó Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh cho rằng: Hoạt động kinh tế ở cửa khẩu diễn ra ngày càng sôi động trước tiên do quốc lộ 78 nối từ cửa khẩu đến Ban Lung (tỉnh Rattanakiri, Vương quốc Campuchia) giúp cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, giao lưu buôn bán với phía Việt Nam hết sức thuận lợi. Đặc biệt, khu vực dân cư hai bên biên giới có sự chuyển biến đáng kể về kinh tế, đời sống, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, thương mại, dịch vụ. Những thuận lợi cơ bản như chi phí thấp, đi lại dễ dàng, làm thủ tục xuất nhập cảnh, nhập khẩu thuận tiện tiếp tục là những cơ sở quan trọng để tình hình hoạt động của cửa khẩu cải thiện rõ rệt.
Thời gian gần đây, bên cạnh đội ngũ nhân viên cửa khẩu, hải quan và liên quan nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình; đặc biệt thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa ngày càng hiện đại, văn minh đã hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu, hành khách qua lại.
Thất Sơn