Cụ già 85 tuổi nhận bằng thạc sĩ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngày 10-6, cụ Lê Phước Thiệt (thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam), nhân vật trong bài viết “Buổi học thạc sĩ đầu tiên của cụ ông 83 tuổi” mà Tiền Phong đăng tải cách đây 3 năm, chính thức tốt nghiệp, nhận tấm bằng thạc sĩ. Trước thành tích ngoạn mục của cụ ông ngoại bát tuần này, TS Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, thán phục: “Đến thời điểm này, khóa của cụ còn nhiều bạn chưa bảo vệ được. Cụ là tấm gương sáng để sinh viên noi theo”.

Vợ mất, ba mùa mưa và bệnh tật

Gặp lại cụ Thiệt sau gần 3 năm, cụ vẫn giữ cách nói chuyện gãy gọn và đôi mắt tinh tường, nhưng người thì đã “hao” đi ít nhiều. Nhất là mái tóc, giờ đã bạc trắng. Biết chúng tôi tìm đến vì câu chuyện tốt nghiệp của mình, cụ hài hước: “Tôi học đủ môn đủ tiết thì ra trường đúng kỳ hạn thôi. Có gì bất thường ở đây đâu mà lên báo”. Cô cháu dâu Nguyễn Thị Tư ngồi kế bên, góp chuyện: “Riêng về việc học, ông “chướng” nhất trần đời. Ông đã quyết đi là đi, không ai nói vào nói ra gì được hết”.

 

Sau ba năm miệt mài đèn sách, cụ Lê Phước Thiệt (trái) đã nhận được bằng thạc sĩ ở tuổi 85.
Sau ba năm miệt mài đèn sách, cụ Lê Phước Thiệt (trái) đã nhận được bằng thạc sĩ ở tuổi 85.

Con đường nối lại ước mơ con chữ của cụ suốt ba năm trời lắm trúc trắc như thử thách sự hiếu học và lòng kiên nhẫn của cụ. Nhập học được ít lâu, người bạn đời đầu ấp tay gối theo cụ từ Mỹ về đây qua đời. Cụ thủ thỉ, đó không phải là cú sốc vì ai già rồi cũng sẽ chết, nhưng hụt hẫng vì bà đi sớm quá, mất đi người bầu bạn ở tuổi xế chiều. “Lo việc cho bà xong xuôi, tôi quay trở lại giảng đường tiếp tục việc học. Buồn thì buồn chứ, mà mình là nam nhi đại trượng phu, không thể ủ dột, rầu rĩ mãi được. Mình phải cứng rắn để bà dưới ấy an lòng và bản thân mình không quỵ ngã”, cụ nói.

Câu chuyện đang dở dang, cô Tư lấy bọc thuốc đủ loại ra nhắc cụ uống. Thì ra trước lúc tôi gặp cụ mấy tiếng cụ vừa rời khoa Nội hô hấp Bệnh viện Đà Nẵng do bệnh phổi tắc nghẽn  mạn tính. Căn bệnh lì lợm hành hạ cụ suốt nhiều năm, có đợt cụ phải nhập viện một thời gian dài, cháu con và cả nhà trường lo cụ không trụ nổi, khuyên cụ nghỉ ngơi, nhưng cụ không chịu. Ngày nằm điều trị, tối “trốn” đi học. Chẳng thiếu buổi nào. Tưởng vậy đã liều, cụ giơ cánh tay lên, cười khà khà: “Cái tay tôi bị gãy, dập hết cả phần mềm, tôi nói bác sĩ bó bột cho tôi để tôi tới lớp. Họ bó xong “dọa” không mổ thì đau suốt đời, tôi ngoài 80 tuổi rồi, suốt đời còn có mấy năm nữa, sợ gì”.

Vậy suốt ba năm học, điều gì khó khăn nhất đối với cụ? “Ba mùa mưa”, cụ đáp. Quãng đường từ nhà cụ đến Trường ĐH Duy Tân hơn 40 cây số, chạy xe ban ngày không thôi cũng đủ mệt vì nắng, gió, và bụi. Vậy mà cụ toàn phải đi học vào ban đêm. Cứ chiều chiều, cụ đón xe buýt ra Đà Nẵng, bắt tiếp xe ôm đến trường, học xong gần 9 giờ tối có đứa cháu là “bạn cùng lớp” chở về. Cụ ngồi sau xe máy, bám chắc lấy cháu, suốt quãng đường dằn xóc giữa đêm, suốt ba năm trời. “Nhiều bận cháu nó thắng gấp, mình cũng hú hồn. Giờ ngẫm lại tôi thấy sức mình không đúng với tuổi, vì tuổi này ngồi xe máy một đoạn thôi là lưng tê liệt rồi, thế mà tôi ngồi bền vững, ngồi trường kỳ”, cụ tếu táo. Cụ đẩy vai rùng mình, kêu ớn nhất mùa mưa, đi dễ, khó về, bởi vừa ướt vừa lạnh, chỉ sợ “mình rớt khi nào không hay”. “Trời kinh rứa mà ông không chịu ở nhà. Con ông điện về năn nỉ đừng đi thì ông nói “con biết tính ba rồi”, rứa là đi cho bằng được. Nhiều hôm mưa quá, thằng cháu nó ở lại luôn ngoài Đà Nẵng không ai chở về, ông cũng phải thuê khách sạn ở lại. Có hôm thì người nhà ra tận nơi chở ông. Ông vượt qua được ba mùa mưa ở cái tuổi này không khác chi kỳ tích hết”, cô Tư nói.

TS Võ Thanh Hải cho hay, thời gian đầu, nhà trường bố trí cho cụ một căn phòng trong trường để cụ tiện đi lại, học tập, nhưng ở một mình cụ ăn cơm bụi hoài, sợ không ổn nên cụ xin về nhà. “Tôi chưa bao giờ thấy bác đi muộn, luôn là người đầu tiên có mặt trong lớp”, TS Hải kể.

“Hơn nhiều bạn cùng khóa”

Trong căn phòng khách nho nhỏ ở nhà, cụ dành một góc đặt chiếc máy chạy bộ, mỗi ngày chạy 30 phút để cơ thể vận động dẻo dai. Cũng nhờ vậy, ra tới trường nhiều hôm không đi thang máy được, cụ bình thản leo cầu thang bộ mặc cho lớp thanh niên thở hộc hơi. Niềm vui đến lớp của cụ ông ngoài 80 cũng tràn đầy như lứa học trò, đó là được gặp thầy gặp bạn, biết thêm nhiều kiến thức, mở mang đầu óc. Giờ học trên lớp, những bài nào khó hiểu cụ đều trao đổi thoải mái với bạn học, và dĩ nhiên có nhiều kiến thức mà các bạn trẻ phải quay sang nhờ cụ. “Mình học hỏi được cách tiếp thu, sự năng động, cởi mở từ các bạn trẻ. Nhờ các bạn ấy mà tôi thấy mình trẻ ra, có thêm niềm vui thích với việc học hơn”.

 

Bạn học chung lớp chỉ mới bằng tuổi cháu của cụ Lê Phước Thiệt.
Bạn học chung lớp chỉ mới bằng tuổi cháu của cụ Lê Phước Thiệt.

Đưa bàn tay lên, cụ lần lượt sắp xếp theo thứ tự từ trên xuống dưới những môn học tốt của ngành Quản trị kinh doanh: “Đầu tiên là tiếng Anh vì mình có lợi thế, thứ hai là triết, thứ ba quản trị nhân lực, sau đó là kinh tế lượng và các môn khác…”. Cụ đánh giá một số phương pháp dạy ở đây giống như cách dạy ở Mỹ mà cụ từng được học, nên không khó tiếp thu. Nhưng để có kết quả học tập tốt và ra trường đúng thời hạn, cụ dành không ít thời gian trên thư viện cũng như “cày” thêm ở nhà. “Mình học khi không có áp lực cơm gạo, công việc, gia đình nên toàn tâm toàn ý. Một học viên “chuyên trách”, lại được nhà trường hỗ trợ chỗ ở, học phí nữa thì phải nỗ lực để có kết quả tốt thôi”, cụ nói.

Suốt ba năm trời miệt mài với con chữ, ước mơ lấy bằng thạc sĩ (bị gián đoạn mất 14 năm sau ngày tốt nghiệp đại học trên đất Mỹ năm 2001) cuối cùng cũng trở thành hiện thực. Ngày bảo vệ luận văn tốt nghiệp, trong khi “bạn cùng lớp” hân hoan tới trường với gia đình, bạn bè, cụ lủi thủi một thân một mình. Cụ tự làm slide, thuyết trình, trả lời những câu hỏi của hội đồng và sau đó được đánh giá cao. Ngưỡng cửa học vấn ở tuổi hoàng hôn cuối cùng cụ cũng bước qua. Cụ trải lòng rằng, niềm vui của mình không dừng lại ở tấm bằng thạc sĩ, mà hạnh phúc vì có một tuổi già thật ý nghĩa, già nhưng tinh thần, trí tuệ không cằn cỗi, vẫn có thể  chép bài, mở mang hiểu biết, tinh tường. Và hơn cả, sau này không còn thấy hối tiếc vì sự học chưa làm thật trọn vẹn.

Nói về việc học của cụ Thiệt, thầy Hải cho hay, cũng như tất cả các học viên khác, cụ cũng tra cứu tài liệu và làm bài tập trên laptop, trao đổi với giảng viên và bạn học qua email, làm bài tập nhóm, thuyết trình... Thậm chí, dù thông thạo tiếng Anh nhưng chưa bao giờ cụ tỏ ra chủ quan. “Nếu đánh giá về kết quả học của cụ, có thể nói ngắn gọn rằng khóa của cụ còn nhiều người chưa bảo vệ được, dù các bạn ấy rất trẻ. Cụ là tấm gương sáng về việc hiếu học, nỗ lực để các bạn trẻ noi theo ”, thầy nể phục.

“Ngày trọng đại của đời tôi”

Tôi còn nhớ như in lần gặp cụ trong ngày nhập học đầu tiên, cụ với quần bò, áo phông, giày thể thao, đầu đội mũ lưỡi trai, vai mang ba lô bước khỏe khoắn giữa sân trường, hòa trong nhóm sinh viên mới bằng tuổi cháu cụ. Rồi cụ leo cầu thang, qua dãy phòng nào cũng để lại sự hiếu kỳ cho cả thầy và trò. Lần gặp này, cụ kể, ba năm qua, cụ vẫn thường mang những trang phục như thế để tự tạo cho mình một phong thái thật năng động, khỏe khoắn. Riêng ngày 10/6, cụ mang bộ đồ lịch thiệp nhất để đi nhận bằng. “Sau chuyện cưới vợ, sinh con, hai việc trọng đại của đời người, tôi coi ngày mình tốt nghiệp ở tuổi gần đất xa trời này cũng là một ngày trọng đại. Trọng đại bởi cuối cùng tôi đã hoàn thành tâm nguyện con chữ tưởng chừng như khép lại…”, đôi mắt cụ rưng rưng.

Khi tên học viên Lê Phước Thiệt được xướng lên, cả hội trường dành tràng pháo tay không ngớt trước tấm gương hiếu học của cụ. Cùng hàng trăm tân thạc sĩ, kỹ sư, dược sĩ và cử nhân khác cầm tấm bằng tốt nghiệp trên tay, cụ Thiệt không giấu được xúc động,  chỉ nói được mấy câu: “Tôi hết sức vui và hạnh phúc, còn hơn cả lần tốt nghiệp Đại học trên đất Mỹ nữa. Cuối cùng tâm nguyện học tập của mình cũng đã trọn vẹn. Tuổi già của tôi như vậy là ý nghĩa lắm rồi…”. Ngoài tấm bằng thạc sĩ, cụ còn được nhà trường trao tặng giấy khen vì là học viên tiêu biểu toàn khóa học.

Thanh Trần/tienphong

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.