Nghề của niềm đam mê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), nhiều người biết anh Mai Ngọc Trương Vinh (35 tuổi), bởi anh nổi tiếng với nghề đúc chậu hoa, cây cảnh, có hoa văn, họa tiết độc đáo.

Sản phẩm của anh tiêu thụ khắp cả nước, tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động.

Tháng Chạp. Con đường về xã Nghĩa Hiệp lất phất mưa phùn. Các nhà vườn trồng hoa bắt đầu xuất hàng để tư thương chuyển đi khắp nơi bán trong dịp Tết. Tại cơ sở làm chậu cây cảnh của anh Vinh cũng rất nhộn nhịp, bởi những chiếc xe cẩu bốc chậu cảnhđưa lên xe vận chuyển đi các nơi.

Đam mê...

Đưa tay lau mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt, anh Vinh cười bảo, nghề đúc chậu bận rộn quanh năm, nhưng dịp Tết đến Xuân về thì bận rộn hơn nhiều. Bởi trước Tết, nhiều người chuyển cây vào chậu để trang trí trong sân vườn nhà, cơ quan nên người mua chậu nhiều hơn. Trước đây, như bao người dân ở làng hoa xã Nghĩa Hiệp, anh Vinh cũng đầu năm đúc ảng rồi đến quãng tháng 6 âm lịch thì đi mua cây giống về trồng, chăm bón chờ Tết đến, Xuân về bán lấy tiền trang trải cuộc sống gia đình. Nhiều lần đi tham quan ở các nơi, anh Vinh nhận ra muốn chậu hoa đẹp thì không chỉ có cây hoa đẹp mà phải có chậu hoa cân xứng, tôn lên vẻ đẹp của hoa. Nhiều người cho rằng, đối với chậu trồng hoa cúc thì đúc theo kiểu “mì ăn liền”, bởi qua Tết thì vứt cả chậu lẫn cây nên không cần đầu tư vào chậu, sử dụng ít xi măng giúp giá thành sản phẩm thấp, người tiêu dùng dễ mua hơn. Song, theo anh Vinh, đúc chậu "non" xi măng có nhược điểm là chậu không sắc nét, không đẹp. Đó là chưa kể, chậu dễ bị nứt, làm người mua phiền lòng. Biết vậy nên anh Vinh luôn dùng nhiều xi măng và trộn cho thật đều, để chậu được bền đẹp.

nghe.jpg
Sản phẩm chậu cây cảnh của anh Mai Ngọc Trương Vinh được vận chuyển đưa đi tiêu thụ.

Có người thấy anh Vinh đúc chậu đẹp nên bảo, khéo tay như chú sao không đúc chậu cảnh mà bán. Rồi cũng có người phương xa nghe giới thiệu nên điện thoại cho anh Vinh hỏi có đúc chậu để bán không thì đặt mua. Từ đó, anh Vinh suy nghĩ và dần chuyển sang nghề đúc chậu để bán.

Luôn sáng tạo

Tôi theo anh Vinh "mục sở thị" khuôn viên đúc chậu hoa. Ở đây, nhiều loại chậu có đường kính từ 0,8 - 4m với hoa văn, họa tiết đắp nổi tinh xảo. Có chậu khắc hình long, ly, quy, phụng; có chậu mặt ngoài tạc hình hoa tượng trưng cho bốn mùa gồm mai, lan, trúc, cúc, hay hình đắp nổi với chữ phúc, lộc, thọ. Độc đáo nhất là chậu hoa có hình tranh Đông Hồ, hình ảnh này chỉ tìm thấy trên giấy dó, chứ không đắp nổi bằng xi măng như ở cơ sở của anh Vinh.

Một khách hàng ở tỉnh Bình Định thường mua chậu ở cơ sở của anh Vinh chia sẻ, cứ mỗi lần vào cơ sở của anh Vinh tôi lại càng thích thú vì những mẫu chậu hoa có sự đổi mới, hình ảnh đắp nổi, hoa văn họa tiết tinh xảo, bắt mắt. Chậu nào tôi cũng thích. Theo anh Vinh, chọn mua chậu phải dựa vào dáng cây, loại cây. Như cây mai thì nên chọn chậu tròn hoặc lục giác. Với cây duối, cây sanh thì chọn loại chậu có hình chữ nhật... Trước đây, anh Vinh tham gia hội sinh vật cảnh, tiếp xúc với rất nhiều người chơi cây cảnh nổi tiếng trong và ngoài tỉnh. Vậy nên, anh có kiến thức về chăm cây cảnh và tư vấn cho khách hàng cách sử dụng loại chậu sao cho đẹp. Nhiều cây cảnh lớn sử dụng chậu có đường kính từ 1,5 - 4m, nhưng để chậu cây thêm duyên dáng thì ngoài việc thiết kế mẫu mã phù hợp với cây, nhất định chậu phải có hình, họa tiết. Chậu hoa chưng trước sân nhà, nhất là chưng trong dịp Tết, chủ nhân còn gửi gắm cả mong ước của mình về một cuộc sống đủ đầy, sung túc, nên hình trên chậu phải ý nghĩa. Chính vì thế, các chậu hoa có hình đắp nổi như tứ linh, bốn mùa, vinh quy bái tổ; phúc, lộc, thọ luôn là sự chọn lựa của nhiều khách hàng.

Anh Vinh bảo rằng, làm nghề không chỉ có kinh nghiệm mà còn phải luôn học hỏi cái mới, cái đẹp. Bởi thế, anh nhiều lần khăn gói ra TP.Huế học nghề đắp tay hoa văn, họa tiết. Sau đó anh trở về dùng vật liệu silicon và nhựa composite để đúc chậu, đắp nổi hoa văn trên chậu để làm khuôn mẫu. "Nghề đúc chậu hoa luôn phải làm mới. Bởi những hoa văn, họa tiết đến một lúc nào đó cũng sẽ nhàm chán. Do vậy, tôi phải luôn tìm kiếm trên mạng và lắng nghe ý kiến của người mua thì mới có thể sống lâu được với nghề, giải quyết việc làm cho bà con địa phương", anh Vinh nói.

2nghe.jpg
Chậu cây cảnh được đắp nổi hình long, lân, quy, phụng.

Khi nắm được kỹ thuật tạo khuôn chậu với nhiều hoa văn, họa tiết, anh Vinh tiếp tục kết nối với giới chơi cây cảnh trong Nam, ngoài Bắc để tìm hiểu nhu cầu. Anh Vinh chia sẻ, tôi luôn kết nối với anh em trong hội sinh vật cảnh cả nước để tìm hiểu thị hiếu của giới yêu hoa, cây cảnh từng tỉnh. Từ đó, biết thời điểm nào thì nên đúc chậu to, chậu nhỏ, thời điểm nào đổ chậu kiểu dáng với các hình dạng khác nhau. “Có thời điểm tôi đúc trên 200 mẫu mã để tạo sự đa dạng đáp ứng nhu cầu khách hàng. Khách hàng chuộng nhất là chậu cổ, chậu hình chữ nhật, hình vuông. Thời điểm Tết đến Xuân về, khách hàng chuộng mẫu hình lục giác và hình tròn, nên xưởng tập trung đúc chậu để đáp ứng nhu cầu cho khách hàng sang cây mai, chậu hoa”, anh Vinh bộc bạch.

Năng động, nghĩa tình

Anh Vinh cho hay, bây giờ nhờ kết nối qua mạng xã hội trên Facebook, Zalo nên chậu hoa do anh sản xuất được tiêu thụ rộng rãi khắp cả nước, nhiều nhất là ở các tỉnh, thành phố phía nam, với giá bán từ 500 nghìn đồng đến 30 triệu đồng/chậu. Cũng nhờ đó cơ sở của anh Vinh ăn nên làm ra, tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động. Anh Vinh mua xe tải để chở chậu cho khách. Sau khi khách hàng thỏa thuận về mẫu mã, giá thành, đặt cọc tiền, nếu có điều kiện thì đến cơ sở sản xuất chở về; còn không thì anh Vinh chở đến tận nhà cho khách.

3nghe.jpg
Nhiều khách hàng thích chậu tròn để chưng mai trong dịp Tết.

Anh Vinh bộc bạch, tôi làm được nghề này đâu chỉ nhờ sự kiên trì, chịu khó học hỏi mà luôn nhận được sự động viên của địa phương, bà con chòm xóm. Bởi vậy, đóng góp được gì cho địa phương thì tôi sẽ cố gắng. Tôi nỗ lực duy trì việc làm thường xuyên cho anh em, để có nguồn thu nhập ổn định trang trải cuộc sống. Anh Trần Thanh Hùng (29 tuổi), lái xe chở hàng cho anh Vinh bộc bạch, nhờ anh Vinh mà 6 năm qua tôi có việc làm thường xuyên, với mức lương 10 triệu đồng/tháng. Anh Vinh cũng mua BHYT cho tôi. Còn những người thợ làm việc trộn hồ thì lương mỗi tháng từ 6 - 8 triệu đồng.

Theo Bài, ảnh: TRƯỜNG AN (baoquangngai.vn)

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.