Công ty Sami Gia Lai: Nâng tầm giá trị sản phẩm đặc trưng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chỉ sau hơn 1 năm thành lập, Công ty TNHH một thành viên Sami Gia Lai (thị trấn Chư Sê) do anh Nguyễn Đình Thanh làm Giám đốc đã bắt đầu thu được thành công trong lĩnh vực chế biến các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Hiện các sản phẩm của Công ty được người tiêu dùng đón nhận, đánh giá cao. 
Tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành Sinh học thực nghiệm tại Trường Đại học Tây Nguyên, anh Nguyễn Đình Thanh được một số công ty nông-lâm nghiệp mời về làm việc trong vai trò kỹ sư, rồi đến quản lý với mức lương tương đối ổn định. Qua thời gian làm việc ở các công ty này, anh Thanh đã tích lũy thêm kiến thức để từ đó nuôi ý tưởng làm nông nghiệp sạch ngay trên chính mảnh đất quê hương mình.
Anh Thanh cho hay: “Năm 2015, khi quyết định không làm việc ở môi trường doanh nghiệp nhà nước nữa, tôi về mở cơ sở chế biến các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương. Trong quá trình vừa nghiên cứu làm ra sản phẩm, vừa tìm kiếm thị trường, tôi nhận thấy nếu chỉ sản xuất ở quy mô hộ gia đình thì sẽ gặp nhiều hạn chế, khó phát triển. Do đó, năm 2018, tôi thành lập Công ty TNHH một thành viên Sami Gia Lai để từng bước xây dựng thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp chế biến mang nét đặc trưng của địa phương”.
 Anh Nguyễn Đình Thanh và các sản phẩm do Công ty Sami Gia Lai chế biến. Ảnh: V.T
Anh Nguyễn Đình Thanh và các sản phẩm do Công ty Sami Gia Lai chế biến. Ảnh: V.T
Ông Trương Thanh Hoài-Chủ tịch UBND thị trấn Chư Sê: “Công ty Sami Gia Lai rất nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng cũng như tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Việc đưa vào chế biến sẽ làm gia tăng giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp của địa phương như nghệ, mắc ca... Về phía địa phương sẽ hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng nhãn hiệu, có tem truy xuất nguồn gốc đầy đủ để sản phẩm đủ tiêu chuẩn đi vào hệ thống phân phối hiện đại”.

Nhận thấy nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương như: nghệ, mắc ca, bơ, khổ qua rừng... khá dồi dào, anh Thanh quyết định đầu tư máy móc, thiết bị chế biến. Ban đầu, Công ty cho ra đời sản phẩm tinh bột nghệ và viên nghệ mật ong. Sau khi thành công với 2 sản phẩm này, Công ty tiếp tục chế biến hạt mắc ca, tinh dầu bơ, trà khổ qua rừng, ngũ cốc dinh dưỡng, bột mầm đậu nành. Hiện các sản phẩm của Công ty Sami Gia Lai đã được kiểm nghiệm chất lượng và được người tiêu dùng đánh giá cao.
Là một khách hàng phân phối sản phẩm cho Công ty Sami Gia Lai, chị Hoàng Thị Phượng (tổ 6, thị trấn Chư Sê) đánh giá: “Góp mặt trên thị trường gần 2 năm nay, dù phải cạnh tranh với những nhãn hàng lớn nhưng các sản phẩm của Công ty Sami Gia Lai đã khẳng định được chất lượng, giá cả phải chăng, khách hàng phản hồi tốt. Ngoài bán các sản phẩm của Công ty tại cửa hàng, tôi còn mở rộng thêm mạng lưới cộng tác viên bán hàng online”.
Theo anh Thanh, các sản phẩm của Công ty hiện chủ yếu tiêu thụ trong tỉnh và một số tỉnh lân cận. Những năm trước, các mặt hàng này bán rất chạy, nhưng năm nay, sản lượng tiêu thụ chậm hơn do nguồn thu nhập trong dân giảm. Cùng với đó, hiện nay, trên địa bàn có thêm nhiều nhãn hàng mới nên thị phần của Công ty cũng giảm sút. Để phát triển thị trường, Công ty đã tham gia nhiều hội chợ thương mại, chương trình kết nối cung cầu ở các tỉnh thành trong khu vực. Từ đây, nguồn khách hàng tiềm năng cũng được định hình.
Tuy vậy, không nằm ngoài những khó khăn chung của các doanh nghiệp khởi nghiệp, Công ty Sami Gia Lai cũng đang loay hoay tìm chỗ đứng trên thị trường. Theo anh Thanh, khó khăn nhất đối với một doanh nghiệp khởi nghiệp là về nguồn vốn và phát triển thị trường, trong đó có việc đưa hàng vào hệ thống phân phối lớn, siêu thị. “Tại những nơi này, chính sách thanh toán thường là gối đầu, hàng nhập vào bán hết mới thanh toán. Với một sản phẩm mới, để người tiêu dùng chọn lựa trong hàng loạt thương hiệu lớn khác cùng có mặt trên kệ hàng là điều không hề dễ. Do đó, nếu không bán hàng nhanh đồng nghĩa với đồng vốn của mình cũng bị “chôn” ở đó. Khi nguồn vốn hạn chế thì sẽ không quay vòng tái sản xuất được”-anh Thanh chia sẻ.
Về định hướng của Công ty, anh Thanh cho rằng, thị trường tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng của địa phương rất lớn. Do đó, ngoài chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, củng cố mẫu mã, bao bì, xây dựng thương hiệu thì việc kết nối với các đối tác tiêu thụ ở nhiều tỉnh thành rất là quan trọng, qua đó quảng bá, giới thiệu sản phẩm rộng rãi đến người tiêu dùng. Hiện Công ty đã rất chú trọng khâu này. Bên cạnh đó, Công ty cũng đang tìm quỹ đất để xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất, đồng thời đẩy mạnh liên kết sản xuất với nông dân trong vùng nhằm đảm bảo đủ nguồn nguyên liệu chất lượng đáp ứng nhu cầu chế biến.
Cùng với việc đẩy mạnh chế biến, tiêu thụ các sản phẩm hiện có, Công ty Sami Gia Lai cũng đang trồng thử nghiệm dưa lưới trong nhà màng rộng hơn 1.000 m2. Hiện cây dưa đang sinh trưởng rất tốt, cho quả đẹp, khoảng 1 tháng nữa sẽ cho thu hoạch vụ đầu tiên với năng suất ước đạt khoảng 2 tấn. “Nếu vụ dưa lưới này thành công, tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích nhà màng thêm khoảng 5.000 m2. Làm nông nghiệp, tôi không sợ người dân thấy hiệu quả, đổ xô trồng mà chỉ sợ mình không làm ra được sản phẩm chất lượng. Qua tìm hiểu nhu cầu thị trường, tôi nhận thấy các sản phẩm nông nghiệp sạch đang rất được ưa chuộng, giá bán cũng cao hơn nhiều so với các sản phẩm canh tác truyền thống. Vì vậy, tôi tin tưởng vào hướng đi riêng của mình nhằm tạo ra sản phẩm nông nghiệp có chất lượng”-anh Thanh khẳng định.
VŨ THẢO

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.