Công ty Cao su Chư Păh: Xứng danh đơn vị Anh hùng thời kỳ đổi mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trải qua 37 năm xây dựng và phát triển, Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Păh đã đạt được những thành tích nổi bật trong sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, Công ty còn có nhiều việc làm ý nghĩa, thiết thực giúp người dân thoát nghèo và hỗ trợ địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng.
Tiền thân của Công ty Cao su Chư Păh là Nông trường Cao su Ninh Đức được thành lập năm 1976 trực thuộc Ty Nông nghiệp tỉnh Gia Lai-Kon Tum, trên cơ sở tiếp quản 220 ha cao su trồng từ năm 1960 của chế độ cũ. Lúc này, nhiệm vụ chính của Công ty là xây dựng vùng kinh tế mới, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc và hình thành thế trận quốc phòng-an ninh. Đến năm 1985, Chính phủ đồng ý để tỉnh Gia Lai-Kon Tum bàn giao Nông trường Cao su Ninh Đức về Tổng cục Cao su Việt Nam (nay là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam) quản lý. Ngày 25-9-1985, Tổng cục Cao su Việt Nam quyết định thành lập Công ty Cao su Chư Păh, quản lý 1.234 ha cao su. Đến ngày 1-1-2010, thực hiện chủ trương đổi mới doanh nghiệp nhà nước, đơn vị được chuyển đổi thành Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Păh.
Nhờ nỗ lực xây dựng và phát triển, đến nay, diện tích vườn cây trong nước của Công ty trải dài trên 3 huyện: Chư Păh, Ia Grai, Chư Prông và vùng ven TP. Pleiku, thuộc 18 xã, thị trấn và 73 thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện Công ty có 9 đơn vị thuộc khối sản xuất chính, 8 nông trường, 1 công ty ở Campuchia và 2 đơn vị thuộc khối sản xuất phụ và phục vụ. Công ty đang quản lý 2.300 cán bộ, nhân viên và người lao động. Trong đó, công nhân là người dân tộc thiểu số chiếm 70% tổng lao động.
Công ty Cao su Chư Păh bàn giao nhà sinh hoạt cộng đồng cho làng Roih, xã Ia Phí, huyện Chư Păh. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Công ty Cao su Chư Păh bàn giao nhà sinh hoạt cộng đồng cho làng Roih (xã Ia Phí, huyện Chư Păh). Ảnh: Vĩnh Hoàng
Những năm gần đây, giá mủ cao su giảm đã ảnh hưởng đến việc sản xuất kinh doanh của đơn vị cũng như thu nhập của người lao động. Trước thực trạng đó, Đảng ủy, Ban Tổng Giám đốc Công ty đã có nhiều chủ trương, giải pháp để việc sản xuất kinh doanh có hiệu quả, như: tiết kiệm chi tiêu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ đó, hầu hết công nhân dân tộc thiểu số đều được nhận khoán lâu dài đối với vườn cây kiến thiết cơ bản 5-7 ha/hộ, cao su khai thác là 3 ha/hộ. Từ đó đã tạo việc làm, thu nhập ổn định, giảm áp lực về thiếu đất sản xuất ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nếu như năm 2016, lương và tiền thưởng bình quân 8 triệu đồng/người thì đến năm 2021 bình quân 11 triệu đồng/người. Ngoài ra, Công ty còn chi bổ sung nhiều nguồn để cải thiện điều kiện lao động và nâng cao đời sống cho người lao động như: bồi dưỡng bằng hiện vật, tiền ăn giữa ca. Bên cạnh đó, Công ty chú trọng đến việc nâng cao trình độ tay nghề cho công nhân dân tộc thiểu số. Trong 6 năm qua (2017-2022), Công ty đã mở 34 lớp đào tạo thợ cạo mới và đào tạo lại tay nghề cho 2.368 lượt công nhân khai thác. Để tạo nguồn cán bộ kế cận, Công ty chọn con em người dân tộc thiểu số gửi đi học các lớp đại học, cao đẳng, trung cấp, được hỗ trợ 100% kinh phí.
Công ty Cao su Chư Pah tặng quà cho người dân và công nhân. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Công ty Cao su Chư Păh tặng quà cho người dân và công nhân. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Những năm qua, nhiều công trình mang đậm dấu ấn và nghĩa tình của Công ty như: đường giao thông liên xã Ia Pếch-Ia Tô (huyện Ia Grai); đường nhựa tại xã Ia Phí và xã Hà Tây (huyện Chư Păh); đường cấp phối xã Gào (TP. Pleiku)... Ngoài ra, đơn vị còn hỗ trợ kinh phí xây cầu Đak Pơ Tơng và cầu tràn liên hợp ở xã Hà Tây (huyện Chư Păh). Hỗ trợ xây dựng 5 nhà rông văn hóa; 50 nhà “Mái ấm Công đoàn” và nhà tình nghĩa, tình thương, nhà “Đại đoàn kết”; 2 nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ ở xã Nghĩa Hưng và xã Ia Phí (huyện Chư Păh); 10 giếng nước sinh hoạt, 2 sân vận động, 2 nhà sinh hoạt cộng đồng cho các địa phương. Để người dân ổn định cuộc sống, Công ty đã hỗ trợ hơn 300.000 cây giống bời lời và 315 con bò lai cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Cùng với đó, đơn vị đã huy động phương tiện, nhân lực khai hoang 300 ha đất sản xuất cho người dân; giao lại 200 ha cao su để địa phương cấp đất ở và xây dựng công trình công cộng…
Đánh giá về những đóng góp của Công ty Cao su Chư Păh, ông Nay Kiên-Chủ tịch UBND huyện Chư Păh-cho biết: “Những năm qua, Công ty Cao su Chư Păh đã làm tốt công tác giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Đặc biệt, Công ty luôn gắn nhiệm vụ sản xuất kinh doanh với công tác xã hội, giúp người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và các địa phương trong xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, không chỉ đời sống của người dân được nâng lên mà diện mạo nông thôn những địa phương được đơn vị giúp đỡ đã có sự đổi thay. Chúng tôi luôn đánh giá cao những việc làm ý nghĩa và thiết thực của Công ty”.
VĨNH HOÀNG

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.