Cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, Mặt trận các cấp trong tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều mô hình, hoạt động thiết thực nhằm huy động các nguồn lực tham gia giữ gìn, cải thiện cảnh quan môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Người dân xã Phú An (huyện Đak Pơ) bỏ rác thải đúng nơi quy định. Ảnh: Nhật Hào
Người dân xã Phú An (huyện Đak Pơ) bỏ rác thải đúng nơi quy định. Ảnh: Nhật Hào

Ông Phạm Xuân Tuyến-Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Đoàn Kết (xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê) cho hay: Những năm gần đây, cảnh quan môi trường của thôn có sự chuyển biến tích cực. Đặc biệt là từ khi thôn được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chọn làm điểm mô hình “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường”. Theo đó, Mặt trận thôn chủ trì phối hợp với các đoàn thể huy động người dân thường xuyên dọn vệ sinh khu vực công cộng, thu gom rác thải, nạo vét kênh mương, làm cỏ dọc các tuyến đường. “Thông qua các hoạt động này, ý thức bảo vệ môi trường của người dân được nâng lên. Hầu hết bà con đều tự giác dọn vệ sinh, thu gom, phân loại rác thải, trồng hoa làm đẹp sân vườn. Mới đây, thôn đã biểu dương, khen thưởng 20 hộ dân có thành tích xuất sắc trong bảo vệ môi trường”-ông Tuyến nói.

Tương tự, cảnh quan môi trường tại tổ dân phố 10 (thị trấn Phú Thiện) cũng có sự chuyển biến tích cực, đặc biệt là khi Ủy ban MTTQ Việt Nam thị trấn chọn triển khai mô hình “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường”. Chị Rmah HMal bày tỏ: Trước đây, đường làng nhếch nhác vì chất thải chăn nuôi, rác thải vương vãi. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tổ thường xuyên triển khai dọn vệ sinh tại các khu vực công cộng, nạo vét cống rãnh nên đường làng ngõ xóm thông thoáng, sạch sẽ hơn. Còn ông Đỗ Minh Huấn-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thị trấn thì chia sẻ: “Ngay sau khi ra mắt mô hình, Ban Công tác Mặt trận tổ 10 đã vận động người dân phân loại rác thải, trồng con đường hoa, hàng rào xanh, tổ chức các buổi ra quân dọn vệ sinh khu vực công cộng, di dời chuồng trại ra xa nhà ở, làm nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh. Thời gian tới, chúng tôi sẽ nhân rộng tại các tổ dân phố nhằm từng bước cải thiện môi trường thị trấn ngày thêm khang trang, sạch đẹp”.

Bên cạnh xây dựng các mô hình điểm về bảo vệ môi trường, Mặt trận các cấp còn triển khai nhiều hoạt động thiết thực khác nhằm huy động cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường. Bà Phạm Thị Phước-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Phú An (huyện Đak Pơ) cho hay: Để cải tạo cảnh quan môi trường, hàng tháng, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể huy động người dân ra quân dọn dẹp vệ sinh, khơi thông cống rãnh, thu gom chất thải chăn nuôi, rác thải bảo vệ thực vật, hạn chế sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa dùng một lần. Ngoài ra, xã cũng thành lập 2 mô hình “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường” và 1 mô hình “Tuyến đường xanh-sạch-đẹp”. Đến nay, hầu hết người dân đã có ý thức gìn giữ vệ sinh nơi mình sinh sống, tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường do địa phương phát động.

 Quang cảnh đường làng ngõ xóm tổ 10 thị trấn Phú Thiện được cải thiện sạch sẽ hơn so với trước. Ảnh: Nhật Hào
Quang cảnh đường làng ngõ xóm ở tổ 10 thị trấn Phú Thiện được vệ sinh sạch-đẹp hơn so với trước. Ảnh: Nhật Hào


Trao đổi với P.V, ông Siu Trung-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh-cho biết: Để góp phần bảo vệ môi trường, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng chương trình phối hợp giai đoạn 2017-2020 và giai đoạn 2021-2025. Đến nay, 2 đơn vị đã xây dựng được 4 mô hình điểm “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường” tại các xã: Bờ Ngoong (huyện Chư Sê), Ia Boòng (huyện Chư Prông), An Thành (thị xã An Khê). Đồng thời, triển khai mô hình “Bảo vệ môi trường, chung sức xây dựng nông thôn mới” tại xã Ia Phìn (huyện Chư Prông); phối hợp hướng dẫn các địa phương thực hiện tiêu chí 17 về môi trường và an toàn thực phẩm trong xây dựng nông thôn mới.

“Việc triển khai các mô hình, hoạt động này đã đạt được những kết quả khả quan, gắn với thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và Chương trình “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường”. Qua đó, huy động cộng đồng tham gia dọn vệ sinh, thu gom xử lý rác thải, tái sử dụng chất thải nhựa; trồng cây xanh; góp phần tích cực vào thực hiện các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn”-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thông tin.

 

 NHẬT HÀO

Có thể bạn quan tâm

Nhà máy xử lý rác thải Chư Sê hoạt động trở lại: Giải “bài toán” ô nhiễm môi trường

Nhà máy xử lý rác thải Chư Sê hoạt động trở lại: Giải “bài toán” ô nhiễm môi trường

(GLO)- Sau gần 7 tháng sửa chữa, nâng cấp máy móc thiết bị và xây dựng lại nhà xưởng bị hư hại do hỏa hoạn, Nhà máy xử lý rác thải Chư Sê đã hoạt động trở lại, góp phần giải “bài toán” ô nhiễm môi trường khi lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày được xử lý kịp thời.

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

(GLO)- Những năm qua, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai có hiệu quả công tác phân loại, thu gom, xử lý rác thải tại nguồn. Nhờ đó, nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường sinh thái ngày càng chuyển biến tích cực, chất lượng môi trường từng bước được nâng cao.

Pleiku: Quy hoạch đô thị để định hình bản sắc và phát triển bền vững

Pleiku: Quy hoạch đô thị để định hình bản sắc và phát triển bền vững

(GLO)- Khai thác thế mạnh về điều kiện tự nhiên, cảnh quan môi trường để xây dựng đô thị có bản sắc riêng gắn với phát triển du lịch, dịch vụ và các giá trị văn hóa bản địa là mục tiêu mà TP. Pleiku đang tập trung hướng tới thông qua các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết.