Cơ sở kinh doanh dịch vụ thể thao: "Gồng mình" trong đại dịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Vì phải tạm dừng hoặc hoạt động cầm chừng do dịch Covid-19, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ thể thao trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang rơi vào cảnh lao đao.
Trong bối cảnh dịch Covid-19, nhiều người tập luyện thể dục thể thao nhằm nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Tuy nhiên, thời gian qua, các cơ sở kinh doanh dịch vụ thể thao phải tạm dừng hoặc hạn chế hoạt động để thực hiện quy định giãn cách. Anh Thẩm Hữu Nhàn-chủ sân bóng mi ni Phù Đổng (TP. Pleiku) cho hay: Cơ sở hiện có 3 sân bóng 5 người và 1 sân 7 người. Trước đây, sân bóng thu hút hàng trăm người tập luyện. Ngoài ra, anh còn phối hợp với một số cá nhân, đơn vị tổ chức các giải đấu nhằm thúc đẩy phong trào thể thao trong cộng đồng. Qua đó, anh có thêm nguồn thu để bù đắp khoản đầu tư hàng tỷ đồng. “Khi TP. Pleiku áp dụng Chỉ thị 16 thì chúng tôi phải đóng cửa hoàn toàn. Hiện tại, theo quy định chỉ được hoạt động không quá 10 người nên chỉ có thể mở cửa sân 5 người, còn sân 7 người vẫn phải tạm dừng. Ngoài ra, chúng tôi cũng chưa thể tổ chức các giải đấu phong trào”-anh Nhàn buồn bã cho biết.
Hiện nay, anh Nhàn mỗi tháng lỗ hàng chục triệu đồng vì tiền thuê mặt bằng, chi phí khấu hao mặt sân, lưới, hệ thống điện… Anh chia sẻ: “Tôi đang cố gắng cầm cự để hoạt động dù khoản lỗ khá lớn. Hiện những người đến chơi đều tuân thủ các quy định phòng-chống dịch, chơi ở sân nào tách biệt với sân đó. Các đội bóng đá xong cũng không tập trung ngồi uống nước. Nhân viên đều đeo khẩu trang, sử dụng dung dịch sát khuẩn khi làm việc”. 
Các giải đấu thể thao bị tạm dừng trong thời gian dài khiến cơ sở kinh doanh dịch vụ không có nguồn thu. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Các giải đấu thể thao bị tạm dừng trong thời gian dài khiến cơ sở kinh doanh dịch vụ không có nguồn thu. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Tương tự, anh Nguyễn Văn Thuận-chủ Câu lạc bộ billiards Thuận Ken (TP. Pleiku) cũng đang gồng gánh khoản lỗ 30 triệu đồng mỗi tháng vì thường xuyên phải đóng cửa. Vốn đam mê môn billiards carom, anh Thuận vay vốn ngân hàng đầu tư hơn 1 tỷ đồng mở câu lạc bộ với các thiết bị tiêu chuẩn để những người cùng đam mê tham gia tập luyện. Câu lạc bộ thu hút đông đảo các cơ thủ ở nội dung carom 1 băng và 3 băng. “Từ đầu năm đến nay, tôi chỉ mở cửa được vài tháng, sau đó đóng cửa suốt. Vừa rồi, Câu lạc bộ mở lại nhưng dịch tiếp tục tái phát. Thời gian được mở cửa, lượng khách khá thưa thớt. Người đến chơi tại đây cũng ý thức giữ gìn khoảng cách, đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc. Tôi đang cố gắng để vượt qua giai đoạn khó khăn này”-anh Thuận tâm sự.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Xuân Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin TP. Pleiku-cho biết: Thành phố thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở và yêu cầu chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ thể thao chấp hành nghiêm các quy định phòng dịch. Từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý 4 quán billiards lén lút đón khách trong thời gian tạm dừng hoạt động. 
LÊ VĂN NGỌC

Có thể bạn quan tâm

Tennis là một trong những môn thể thao bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi sự phát triển của pickleball. Ảnh: L.V.N

Pickleball “lấn sân” tennis

(GLO)- Pickleball đang có sự phát triển mạnh mẽ trong cả nước và Gia Lai cũng không ngoài cuộc. Môn thể thao mới này thậm chí còn “lấn sân” những môn thể thao truyền thống, đặc biệt là tennis.