Đuổi việc cô giáo là đúng vì chúng ta cần tiến tới một nền giáo dục không có bạo lực. Nhưng quan trọng, ngành Giáo dục cần có giải pháp tổng thể để không phải thường xuyên chứng kiến những vụ việc như vậy
Con gái tôi đang học cấp 3 trong một trường ở Hà Nội. Ở lớp cháu, mỗi khi học sinh mắc lỗi cũng bị thầy phạt và gần như các cháu rất sợ, đều cố gắng để không bị phạt. “Hình phạt” thầy đưa ra là với các bạn nam là chống đẩy 20 cái, các bạn nữ là đứng lên ngồi xuống 100 lần.
Đến khi chia tay tuổi học trò, người mà chúng nhớ nhất cũng là thầy giáo hay phạt trò. Chúng truyền tay lưu bút nhờ thầy viết, mà trong lưu bút của nhiều đứa vẫn lưu lại kỷ niệm những lần bị thầy phạt.
“Nhất quỷ, nhì ma, thứ 3 học trò”. Lứa tuổi học trò là lứa tuổi nghịch ngợm nhất, nhiều khi làm thầy cô, bố mẹ phải đau đầu. Để dạy dỗ, uốn nắn các em không phải là việc dễ. Và cũng không phải quá cứng nhắc chỉ cho rằng dạy các em bằng lời nói và không được sử dụng “hình phạt”. Nhưng phạt thế nào để các em vừa nhận ra được lỗi của mình, vừa cảm nhận được tình yêu thương của người lớn thì việc phạt mới có tác dụng.
Với các nghề khác, cho người mắc lỗi có cơ hội làm lại là cần thiết nhưng với nghề đặc thù như nghề giáo, việc này là hoàn toàn không nên. |
Những ngày qua, dư luận bức xúc, phẫn nộ về việc cô giáo có hành động tát hàng loạt học sinh lớp 2 trong giờ thi. Cụ thể, vào ngày 8/5, trong giờ kiểm tra cuối kỳ môn Tiếng Việt, em Hoàng Gia Đức (học sinh lớp 2A7, trường Tiểu học Quán Toan, quận Hồng Bàng, Hải Phòng) bị cô giáo Nguyễn Thị Thu Trang (giáo viên coi thi) đánh bằng tay và thước kẻ, khiến em bị bầm tím ở mặt và chân. Không chỉ đánh em Đức, cô Trang còn đánh nhiều học sinh khác trong buổi thi này. Ngoài cô Trang còn có cô Lê Thị Vân, giáo viên chủ nhiệm lớp 2A7 dùng tay đánh hai học sinh.
Đến thời điểm này, những hành động phản giáo dục, bạo lực của các cô giáo này cũng đã phải trả giá bằng việc cô Thu Trang bị buộc thôi việc.
Sau sự việc này, dư luận cũng có nhiều ý kiến trái chiều. Trong nhóm “Chúng tôi là giáo viên” với hàng ngàn thành viên, trong đó nhiều người cho rằng cô giáo đã thực sự hối hận, mức phạt như thế là quá nặng, triệt đường sống của cô giáo. Nhiều người cũng bày tỏ lo ngại “rủi ro” khi đang hành nghề nhà giáo.
Với các nghề khác, việc cho người mắc lỗi có cơ hội làm lại là cần thiết nhưng với nghề đặc thù như nghề giáo, việc này là hoàn toàn không nên. Trước hết, những người chấp nhận chọn nghề giáo viên là họ phải tự trang bị cho mình tâm thế của người thầy- tấm gương để học sinh và xã hội nhìn vào. Vì thế họ phải luôn ý thức được những việc mình đã làm, đang làm và sẽ làm.
Còn nếu chọn nghề giáo chỉ vì đơn giản nghĩ nó chỉ là một nghề mưu sinh như bao nghề khác thì họ đã sai lầm nghiêm trọng. Từ đó dẫn đến có những hành động phản giáo dục như trường hợp cô giáo Trang và sai phạm của nhiều giáo viên khác trong thời gian vừa qua là khó tránh khỏi.
Thứ 2, những người làm thầy, làm cô là những người đã được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp trong một môi trường mô phạm. Họ không chỉ được đào tạo về chuyên môn và còn được đào tạo về kỹ năng, đạo đức làm thầy nên việc xảy ra những vụ việc như vừa qua, đánh học sinh hàng loạt, bắt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng, thậm chí xâm hại học trò… là điều không thể chấp nhận được.
Thứ 3, với những thầy cô đã xảy ra những sai phạm nghiêm trọng như thế, nếu họ thực sự hối hận về hành động của mình thì chính lòng tự trọng của người thầy cũng đã ngăn cản việc họ trở lại.
Còn nếu họ không có lòng tự trọng, muốn quay lại chỉ để giải quyết vấn đề “miếng cơm, manh áo” thì việc này càng không nên, sẽ là hậu họa lớn về sau cho các thế hệ tiếp theo, cho ngành giáo dục và cả xã hội. Và khi “tấm gương” đã phủ bụi mờ, liệu việc làm gương cho các em học sinh thực sự còn tác dụng?
Và cho thôi việc những người thầy, người cô như thế đôi khi lại mở ra một cơ hội tốt khác cho họ. Họ sẽ không bị áp lực với một công việc mà mình hoàn toàn không yêu quý, có cơ hội tìm một công việc khác phù hợp hơn. Và lỗi lầm gây ra khi còn là “người thầy” ít ra cũng nhắc nhớ họ khi làm bất cứ công việc gì, cũng nên đặt cái “tâm” vào trong đó.
Trường hợp cô giáo Trang đánh hàng loạt học sinh, cô giáo bắt học sinh quỳ, bắt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng hay các vụ việc khác xảy ra ngay tại trường học, lớp học trong thời gian qua vì sao không giảm mà ngày càng tăng? Làm thế nào để hạn chế những hình ảnh phi giáo dục như thế?
Nguyên nhân thì có rất nhiều, chúng ta hay nói mãi về chất lượng đầu vào ngành giáo dục, chế độ đối với giáo viên cũng nhưng việc chưa làm triệt để các quy chế, quy định của ngành Giáo dục, nhưng cần có hành động ngay và luôn để hạn chế phần nào những hình ảnh phi giáo dục như vậy xảy ra trong môi trường mô phạm.
Đó là ngành Giáo dục nên lắp camera ở các trường học, đặc biệt trong các lớp học. Làm như thế vừa quản lý được chất lượng lên lớp của giáo viên, vừa kiểm soát được hành động “xấu xí” của những người thầy, người cô như thời gian vừa qua.
Đồng thời, việc lắp camera cũng cảnh báo những người có ý định hành động phi giáo dục với học trò sẽ cân nhắc trước khi hành động.
Việc quản lý camera không chỉ do nhà trường mà phải do cả Hội phụ huynh để tránh trường hợp bao che, vì bệnh thành tích mà không dám đối mặt với sai phạm của trường mình, ngành mình.
Trong tình hình hiện nay, không thể không đưa ra các giải pháp để bảo vệ học sinh, cũng là để bảo vệ danh dự cho thầy cô, nhà trường khi có vụ việc xảy ra.
Nhưng thực chất, đây chỉ là những biện pháp tình thế, còn gốc vấn đề vẫn nằm ở quy hoạch tổng thể của ngành Giáo dục, từ việc tuyển chọn đầu vào, đào tạo đến bố trí đầu ra, cơ chế khuyến khích để những người làm nghề “gõ đầu trẻ” toàn tâm, toàn ý cho công việc mà ít bị cho phối bởi “cơm áo, gạo tiền”.
Minh Hòa/VOV.VN