Chuyện về Đô đốc Đông thời Tây Sơn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Mỗi lần ra Hà Nội, chúng tôi thường đến phố Tây Sơn (phường Quang Trung, quận Đống Đa), nơi có di tích lịch sử Gò Đống Đa và nhớ về chiến thắng oanh liệt của người anh hùng “Áo vải cờ đào” Quang Trung-Nguyễn Huệ tháng Giêng năm Kỷ Dậu (1789).

Nơi đây đã xây dựng Công viên Văn hóa Đống Đa với 2 khu vực: khu vực Tượng đài Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa, Nhà trưng bày và khu vực Gò Đống Đa.

Tranh vẽ vua Quang Trung tiến vào Thăng Long mùng 5 Tết Kỷ Dậu 1789. ẢNH TƯ LIỆU, Nguồn TNO

Tranh vẽ vua Quang Trung tiến vào Thăng Long mùng 5 Tết Kỷ Dậu 1789. ẢNH TƯ LIỆU, Nguồn TNO

Ở phố Tây Sơn có con đường lớn mang tên Đặng Tiến Đông. Lần giở lịch sử thời Tây Sơn thì vị danh nhân này là Đô đốc-Đông Lĩnh hầu Đặng Tiến Đông (khi đầu quân cho Tây Sơn thì đổi thành Đặng Tiến Giản), vị tướng đã từng cùng Đô đốc Long chỉ huy đội quân đánh vào đồn Khương Thượng (Gò Đống Đa) đêm mùng 4 tháng Giêng năm 1789 khiến tướng nhà Thanh Sầm Nghi Đống thua trận phải treo cổ tự vẫn trên một cây đa ở Loa Sơn (có sách gọi Hoa Sơn), gần chùa Bộc bây giờ.

Ông Đặng Tiến Đông (1738-1797) quê làng Lương Xá, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây, người gốc xã Thịnh Phúc, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Ông là con thứ 8 của Thượng đẳng đại vương Dận Quốc công Đặng Đình Miên. Ông thi đỗ Tạo sĩ (Tiến sĩ võ) năm 1763 và ra làm quan dưới triều Lê Cảnh Hưng và chúa Trịnh Sâm.

Đến đời chúa Trịnh Khải thì nội bộ rối ren, gia đình gặp nạn, ông đổi tên thành Đặng Tiến Giản, lặn lội vào đất Quảng Nam yết kiến Nguyễn Huệ và đầu quân Tây Sơn.

Bấy giờ, Nguyễn Huệ đã biết rõ Đặng Tiến Giản chính là Đô đốc Đặng Tiến Đông dưới triều Lê-Trịnh. Lúc này, ông được nhà Tây Sơn hậu đãi và sắc phong Đô đốc Đồng tri, Đông Lĩnh hầu cho trấn thủ Thanh Hoa. Đầu năm 1788, ông được giao lãnh ấn tiên phong trong đội quân Tây Sơn do Vũ Văn Nhậm làm Tiết chế tiến ra Bắc trừng trị đám nghịch thần Nguyễn Hữu Chỉnh.

Năm 1789, quân Thanh đem đại binh xâm lược Đại Việt, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ ở Phú Xuân, lên ngôi Hoàng đế lấy hiệu Quang Trung và thống lĩnh 3 quân tiến ra Bắc giải phóng Thăng Long. Từ vùng núi Tam Điệp, Vua Quang Trung chia quân thành 5 đạo; đích thân nhà vua chỉ huy đội trung quân.

Theo Giáo sư Phan Huy Lê thì bấy giờ, Đô đốc Đông (tức Giản) được Vua Quang Trung cho chỉ huy đội quân có tượng quân và kỵ mã tiến theo đường “thượng đạo”-Nho Quan-Ninh Bình qua Chương Đức (Chương Mỹ, quê hương họ Đặng) đến làng Nhân Mục rồi tiến về đồn Khương Thượng diệt quân Thanh.

Nhưng theo cuốn “Nhà Tây Sơn” của Quách Tấn và Quánh Giao thì lúc này, 1 trong 5 đạo quân của Quang Trung có đạo quân của Đại Đô đốc Đặng Văn Long, quê ở Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn cũng là học trò của thầy Trương Văn Hiến, giỏi võ nghệ, được đồng môn gọi là Đặng Vô Địch, là tướng soái có nhiều kinh nghiệm trận mạc được Vua Quang Trung tin dùng.

Cánh quân của Đại Đô đốc Long có vị Phó tướng là Đô đốc Đặng Tiến Đông trí dũng hơn người lại thông thuộc địa bàn ở Bắc Hà, nhất là vùng Hà Tây và Hà Nội ngày nay nên được giao nhiệm vụ tiên phong đánh về phía Tây Nam tiêu diệt các cánh quân địch ở Yên Quyết, Nhân Mục và trọng tâm là đánh đồn Khương Thượng do Đề đốc Sầm Nghi Đống chỉ huy.

Với lối tiến công thần tốc, các tiền đồn của địch làm vệ tinh cho đồn Khương Thượng đã bị cánh quân Tây Sơn này tiêu diệt nhanh gọn và áp sát đồn chính Khương Thượng vào lúc canh tư, dùng hỏa công uy hiếp quân địch làm cho quân Thanh không kịp trở tay và bị đánh bại vào lúc rạng sáng mùng 5 Tết Kỷ Dậu, khiến Sầm Nghi Đống quá kinh hãi đã phải treo cổ tự vẫn.

Cùng lúc đó, đồn Ngọc Hồi ở phía Nam, một trong những cứ điểm án ngữ quan trọng bảo vệ kinh thành Thăng Long, có nhiều quân tinh nhuệ trấn giữ, cũng bị cánh quân dũng mãnh do Vua Quang Trung chỉ huy tấn công dồn dập. Lối đánh linh hoạt, thông minh, quả cảm của nghĩa quân Tây Sơn khiến quân địch tan rã đội hình, tháo chạy, lớp chết trận nằm la liệt, lớp bị bắt sống.

Tướng Thanh ở Ngọc Hồi là Đề đốc Hứa Thế Hanh, Tiên phong Trương Triều Long, Tả dực Thượng Duy Thăng đều tử trận. Một số quân địch tháo lui chạy về phía Thăng Long thì bị toán quân Tây Sơn chặn đánh ở Văn Điển; tháo chạy về phía Đầm Mực, huyện Thanh Trì thì bị cánh quân của Đô đốc Bảo chỉ huy tượng binh cho bao vây.

Quân Thanh lớp bị chôn sống trong đầm, lớp bị voi chà, không một tên sống sót. Quân địch bị bủa vây tứ bề, không có đất dung thân nên bị tiêu diệt hoàn toàn. Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị bấy giờ đang ở đại bản doanh Thăng Long khi nhận được tin báo Ngọc Hồi và Khương Thượng thất thủ và Vua Quang Trung đang kéo binh đến kinh thành thì kinh hoàng, lúng túng.

Chúng đang loay hoay chưa tìm ra lối thoát thì cánh quân của Đô đốc Đặng Văn Long và Đặng Tiến Đông từ Khương Thượng khí thế kéo về áp sát kinh thành, Tôn Sĩ Nghị xanh mặt không kịp mặc áo giáp và thắng yên ngựa hớt hải cùng toán kỵ binh bỏ cung Tây Long, vượt cầu phao chạy qua sông Nhị Hà thoát thân.

Thấy chủ tướng bỏ chạy, quân Thanh chen nhau tranh qua cầu phao. Cầu bị đứt kéo theo nhấn chìm hàng vạn quân địch xuống dòng nước dữ… Tôn Sĩ Nghị cùng tàn quân nhắm hướng trấn Nam Quan mà chạy bất kể ngày đêm. Trên đường tẩu thoát, chúng bị cánh quân của Đô đốc Nguyễn Văn Lộc chặn đánh, Nghị phải vứt bỏ cả sắc thư, ấn tín để thoát thân.

Chiều mùng 5 Tết Kỷ Dậu, Vua Quang Trung cùng đại quân tiến vào thành Thăng Long trong tiếng hò reo chiến thắng của 3 quân và người dân. Ngọn cờ đỏ mặt trời vàng tung bay phất phới trên kỳ đài kinh thành. Như vậy, toàn bộ Bắc Hà được giải phóng khỏi quân xâm lược Nhà Thanh. Đúng lời hẹn, Vua Quang Trung cho tướng sĩ ăn Tết một lần nữa.

Nói về Đông Đô đốc, nhiều nguồn tư liệu, trong đó có gia phả họ Đặng ở Lương Xá đã xác thực: Đô đốc Đặng Tiến Đông và Đô đốc Đặng Tiến Giản là một, chỉ khác thời điểm: khi làm quan dưới triều Lê-Trịnh thì các tài liệu ghi là Đông Đô đốc; còn dưới thời Tây Sơn, khi theo Nguyễn Huệ và Vua Quang Trung sau đó thì ông mang tên-chức vụ là Giản Đô đốc.

Sau này, một số nhà nghiên cứu lịch sử còn cho rằng, Đô đốc Đặng Văn Long, quê Tuy Viễn và Đô đốc Đặng Tiến Đông ở Lương Xá là một, không phải Đô đốc Đông là Phó Tướng của Đô đốc Long trong trận công đồn Khương Thượng năm 1789. Nhưng ý kiến này bị bác bỏ vì không có tài liệu xác thực chứng minh.

Theo tài liệu Nghiên cứu Lịch sử mà Lê Ngân tổng hợp tháng 8-2014 có chi tiết: “…Tháng 5-Mậu Thân, Huệ ra Thăng Long bắt giết Nhậm về tội lộng quyền, mưu phản… ban thưởng cho tướng sĩ, trong đó, Đặng Tiến Giản được Huệ đặc cách ban thưởng làng quê Lương Xá làm thực ấp vĩnh viễn.

Sau ngày lên ngôi Hoàng đế niên hiệu Quang Trung, Huệ vẫn tin dùng, biệt đãi Giản. Năm Canh Tuất, Quang Trung 3 (1790), Giản được điều về Thăng Long giao thống lĩnh Đại thiên Hùng binh (Tây Sơn thuật lược). Chi tiết này cũng là cứ liệu chứng minh chức vụ của Đặng Tiến Giản chép trong bộ Thực lục, trên chuông đồng tặng chùa Trăm Gian và trên văn bia chùa Thủy Lâm là do Quang Trung phong tặng năm Canh Tuất 3 (tức 1790)”.

Có thể bạn quan tâm

Người giữ nghề dệt thổ cẩm ở Ia Rsươm

Người giữ nghề dệt thổ cẩm ở Ia Rsươm

(GLO)- Không chỉ dệt thổ cẩm giỏi, chị Rah Lan H’Nghí (SN 1988, buôn Toát, xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) còn nhiệt tình chỉ dạy cho chị em trong buôn để góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Bảo tồn bản sắc văn hóa ở TP. Pleiku dưới góc nhìn mới - Kỳ cuối: Giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa

Bảo tồn bản sắc văn hóa ở TP. Pleiku dưới góc nhìn mới - Kỳ cuối: Giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa

(GLO)- Chính quyền TP. Pleiku đã dành nguồn lực đầu tư để Plei Ốp thành điểm đến của du khách trải nghiệm văn hóa truyền thống và bản sắc dân tộc Jrai thông qua phục dựng một số lễ hội cộng đồng như: cúng giọt nước, pơ thi…

Rơ Châm Nguyên nặng tình với dân ca Jrai

Rơ Châm Nguyên nặng tình với dân ca Jrai

(GLO)-Nhiều năm qua, người dân làng Kte (xã Ia Phí, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) luôn dành sự yêu mến và kính trọng đối với bà Rơ Châm Nguyên bởi bà biết hát và lưu giữ nhiều bài dân ca của dân tộc Jrai.

Bảo tồn và phát huy di sản

Bảo tồn và phát huy di sản

Câu chuyện biệt thự “nhà lầu ông Phủ” (ven sông Đồng Nai, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) xôn xao dư luận những ngày qua như một tín hiệu vừa mừng vừa đáng suy ngẫm. Mừng khi cộng đồng ngày càng quan tâm thiết thực đến các giá trị di sản văn hóa.

Cây vũ trụ của nền văn hóa Đông Sơn trên trống đồng

Cây vũ trụ của nền văn hóa Đông Sơn trên trống đồng

Trước nay, các nhà nghiên cứu đều cho rằng mỹ thuật Đông Sơn bị trống vắng yếu tố thực vật. Thế nhưng với sự phát hiện hoa văn vòng tròn hay vòng tròn đồng tâm có chấm giữa là hoa cúc được cách điệu, đã cho thấy yếu tố thực vật chưa bao giờ vắng bóng trong trang trí ở trống đồng.
Nghệ nhân 80 tuổi giữ nghề làm đèn ông sao

Nghệ nhân 80 tuổi giữ nghề làm đèn ông sao

Khung tre được uốn nắn tỉ mỉ, bọc bên ngoài là tấm giấy đầy màu sắc rực rỡ, nghệ nhân Trần Thanh Tùng (80 tuổi, thôn Thu Xà, xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) làm thành những chiếc lồng đèn trung thu truyền thống.