Chuyên gia: Nguy cơ xuất hiện làn sóng dịch mới nếu chủ quan trước biến thể BA.5

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Theo các chuyên gia mặc dù biến thể BA.5 có độc lực thấp, ít gây tử vong và bệnh nặng song tốc độ lây lan nhanh, nếu chủ quan có thể tạo ra làn sóng dịch mới.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các biến thể mới như BA.4 và BA.5 đang có xu hướng thay thế chủng cũ (BA.2) trên toàn cầu. Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế nhận định BA.5 có khả năng trở thành biến thể chủ đạo ở Việt Nam trong thời gian tới.

Cũng trong cuộc họp kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm của TP.HCM ngày 29.6, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng cảnh báo, 10 địa phương có nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 tại TP.HCM nếu BA.5 xuất hiện gồm: Bình Tân, Bình Chánh, Bình Thạnh, Tân Phú, Nhà Bè, Gò Vấp, Thủ Đức, Q.4, Q.6 và Q.12.

 

Vì sao biến thể BA.5 lây lan nhanh?

Các dòng phụ BA.4 và BA.5 đã được phát hiện tại một số nước ở châu Phi và châu Âu như Botswana, Nam Phi, Đức và Đan Mạch.

Theo Nature, BA.4 và BA.5 ngoài những điểm tương đồng với BA.2 còn mang những đột biến riêng chúng là L452R và F486V trong protein đột biến của virus. Các đột biến này giúp chúng có thể điều chỉnh khả năng bám vào tế bào vật chủ và một số phản ứng miễn dịch.

 

 Dù BA.5 độc lực không cao, nhưng người dân không nên chủ quan, tiêm chủng đầy đủ, tránh nguy cơ bùng phát dịch
Dù BA.5 độc lực không cao, nhưng người dân không nên chủ quan, tiêm chủng đầy đủ, tránh nguy cơ bùng phát dịch

Một nghiên cứu sơ bộ tại các quốc gia mà BA.4 và BA.5 đã xâm nhập từ tháng 5 cho thấy biến thể này lây nhanh hơn và dần lấn át dòng phụ Omicron chiếm ưu thế trước đó là BA.2.

Christian Althaus, một nhà dịch tễ học tại Đại học Bern, cho biết sự gia tăng của BA.4 và BA.5 dường như xuất phát từ khả năng né tránh miễn dịch với các dạng Omicron trước đó và các biến thể khác, dù đã từng nhiễm hay tiêm vắc xin. Ngoài ra, Althaus cho biết thêm, hầu hết các quốc gia bên ngoài châu Á đang giảm các biện pháp kiểm soát SARS-CoV-2. Do đó làn sóng dịch do BA.4 và BA.5 là không thể tránh khỏi và chỉ hạ nhiệt khi gia tăng đủ số người nhiễm bệnh tương tự làn sóng Omicron BA.2 trước.

Trên cơ sở sự gia tăng của BA.5 ở Thụy Sĩ, Althaus ước tính rằng khoảng 15% người ở đó sẽ bị nhiễm bệnh. Nhưng tỷ lệ này sẽ khác nhau ở các quốc gia do lịch sử của các đợt Covid-19 và tỷ lệ tiêm chủng của họ khác nhau. Quy mô của làn sóng dịch do BA.4 và BA.5 sẽ thay đổi tùy theo từng nơi. “Nó có thể là 5% ở một số quốc gia và 30% ở những quốc gia khác. Tất cả phụ thuộc vào khả năng lịch sử miễn nhiễm của họ trước đó”, ông nói.

Tuy lây lan nhanh nhưng làn sóng BA.4 và BA.5 ở Nam Phi cho thấy mặc dù tỷ lệ nhập viện tương tự nhưng tỷ lệ tử vong thấp hơn so với làn sóng Omicron trước đó.

Nguy cơ tạo ra làn sóng dịch mới nếu chủ quan

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố, TP.HCM, cho biết, theo các nghiên cứu cho thấy biến thể mới BA.5 có khả năng lây lan nhanh dù độc lực không cao. Việc lây lan nhanh có thể ảnh hưởng đến nguy cơ bùng dịch.

"Ở những tỉnh, thành phố đông đúc dân cư, tỷ lệ đi lại cao, giao thương nhiều như TP.HCM nguy cơ sẽ cao hơn, do đó người dân không nên chủ quan, tránh nguy cơ bùng phát dịch", bác sĩ Tiến nhấn mạnh.

Theo bác sĩ Tiến, để phòng tránh nguy cơ lây lan bùng phát dịch, người dân vẫn phải tuân thủ tốt 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang và sát khuẩn tay. Ngoài ra cần chú ý chữ K thứ 6 là tăng cường sức khỏe, nâng cao đề kháng miễn dịch.

 

 Các dòng phụ BA.4 và BA.5 của biến thể Omicron có nguồn gốc từ Nam Phi. Ảnh: reuters
Các dòng phụ BA.4 và BA.5 của biến thể Omicron có nguồn gốc từ Nam Phi. Ảnh: Reuters


Cùng quan điểm, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Trường đại học Y Dược TP.HCM cho biết, biến thể BA.5 có một số đặc điểm tương tự như các biến thể phụ khác của Omicron, khả năng lây lan cao nhưng độc lực thấp hơn, ít gây nhập viện và tử vong hơn nhiều so với Delta.

Theo ông Dũng, biến thể BA.5 xuất hiện ở Việt Nam sẽ làm tăng số ca mắc và sẽ tạo ra làn sóng dịch mới. Nhưng quy mô của làn sóng dịch này sẽ nhỏ hơn so với làn sóng dịch trước đây, không làm tăng nhiều số ca nặng và tử vong. Tuy vậy người dân vẫn không nên chủ quan, cần tuân thủ tốt 5K, tiêm chủng đầy đủ.

Theo Lê Cầm (TNO)

 

Có thể bạn quan tâm

Cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh sởi

Cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh sởi

(GLO)- Những ngày gần đây, số ca mắc sởi trên địa bàn tỉnh Gia Lai có chiều hướng tăng nhanh. Trước tình hình đó, ngành Y tế đang triển khai đồng bộ nhiều biện pháp phòng ngừa, quyết tâm không để bệnh sởi bùng phát và lây lan trên diện rộng.