Chuyện chưa từng - Truyện ngắn của Trần Nhã Thụy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tôi vừa nghe nhạc vừa mở bản đồ Google Maps tìm đường đến G.

Homestay Đu Đủ Xanh hiển thị trên màn hình. Đường đi như một cái boomerang lật trái. Tốc độ giới hạn tám mươi ký lô mét trên giờ. Đạp chừng mười lăm phút nữa là tới nơi. Rừng cao su đang cuối mùa thay lá đẹp trung bình khá trôi ngoài cửa xe. Chỗ này chỉ cách Sài Gòn chừng hai giờ ô tô nhưng đã là một thế giới khác. Tôi từng đi lại vùng này nhiều lần, nhưng chỉ là trên đường, cũng chẳng bao giờ thoáng nghĩ sẽ về đây sống.

Không như Toàn. Cách đây ba năm, vợ chồng Toàn đột ngột bỏ Sài Gòn về G. mua đất cất nhà làm vườn, sống như những kẻ lánh đời, ẩn dật. Hồi đó, bạn bè nhiều đứa sốc lắm. Nhưng Toàn không giải thích gì. Ban đầu thì có cảm giác như là chạy trốn một cái gì. Nhưng sau thì như chẳng phải. Vì Toàn không tuyệt giao bạn bè, hắn đơn giản chỉ không dùng mạng xã hội, nhưng lại biến vườn nhà thành một cái homestay do vợ hắn quản lý, nếu ai đó gọi tới số máy của Đu Đủ Xanh cũng có khi gặp Toàn.

Toàn học cùng lớp đại học với tôi, nhưng sau khi tốt nghiệp hắn học thêm vài văn bằng nữa, có học vị tiến sĩ chuyên ngành gì đó tôi cũng mang máng, chỉ biết rằng hắn là một thành viên quan trọng trong một tập đoàn giáo dục nổi tiếng. Vợ Toàn là Kim, một nữ luật sư xinh đẹp, cá tính, nổi tiếng ở mảng tranh tụng dân sự. Cũng có khi Kim nổi lên như một nhà báo trong những bài viết phân tích, phản biện, một vụ gì đó.

Thế mà, đột nhiên cả hai lui về quy ẩn. Giải thích cho chuyện này, nghe có lý nhất, chỉ có thể là họ cố thay đổi môi trường sống, đánh đổi tất cả để có một đứa con, vì hai vợ chồng đều nổi danh thành đạt nhưng chưa có một mụn con nào. Khi một người đàn ông với một người đàn bà ký kết hợp đồng hôn nhân, thì trong đầu họ đều nghĩ tới việc sinh con. Nếu như không có con cái thì chắc không có lý do gì khiến họ phải chung sống lâu lắc như vậy?

***

Khi tôi tới nơi thì có một tốp khách dợm rời đi. Những người trẻ, vừa ô tô vừa mô tô, tưng bừng khí thế. Những chiếc xe phóng vút để lại một làn bụi đường mờ trắng cuộn lên trong ánh hoàng hôn dần buông. Ở đây, toàn đường nhựa, nhưng trên mặt đường phủ một lớp cát trắng mỏng, có lẽ bay từ biển vào.

Kim đang dọn dẹp gì đó ở quầy. Trông cô ấy vẫn vậy, hơi đẫy đà xíu, nhưng rắn chắc và mặn mà hơn.

“Chào bà chủ”, tôi lên tiếng.

Kim quay lại. Cô ấy không nhận ra tôi, nhưng nở nụ cười thân thiện tự nhiên. Có lẽ Kim nghĩ tôi là một vị khách. Kim quên tôi cũng đúng, vì chúng tôi gặp gỡ không nhiều, vài ba lần gì đó trong tiệc ba bê kiu tại nhà họ ở khu Thảo Điền. Những lúc như thế, tôi để ý thấy Kim không bao giờ nói chuyện công việc, chỉ hỏi chúng tôi đồ ăn đồ uống có ổn không, cô chăm lo chu đáo từng vị khách, với tư cách chủ nhà. Giờ thì cô cũng là chủ, còn tôi như khách.

 Minh họa: tuấn anh
Minh họa: tuấn anh


“Anh là Vỵ bạn của Toàn, chắc em không nhớ”, tôi tự giới thiệu thêm lần nữa.


Vẫn nụ cười trên môi, Kim khẽ chau mày, rồi giãn ra, nhưng tôi biết là cổ không nhớ.

“Em xin lỗi, bạn anh Toàn nhiều quá, em không nhớ hết. Dạ, anh ngồi”.

Tôi ngồi xuống, đưa mắt nhìn một lượt, ở đây có hai tông màu chính là xanh biển và trắng cát, nếu bàn xanh thì ghế trắng và ngược lại. Một góc vườn đu đủ và những chậu cây đu đủ bonsai đặt rải rác, nhìn hơi bị hay. Ngoài đu đủ, trong vườn còn có nhiều loại cây hoa, nổi lên nhất là hoa giấy và hoa hồng. Cho nên, phối giữa xanh và trắng là đỏ. Nhưng tôi để ý thấy đỏ chỉ là màu hoa lá, không hề có một vệt sơn đỏ.

Kim mang ra một ly nước mát.

“Anh Toàn chắc cũng sắp về rồi, anh ngồi chờ chút nha”.

Tôi khẽ gật đầu, uống một hơi hết ly nước mát, rồi nói Kim lấy cho một phòng riêng, tôi sẽ ở đây vài ngày.

Tôi tắm táp, thay đồ, nằm trên giường nhắn tin báo cho vợ biết mình đã tới nơi. “Chỗ này được lắm”, tôi nhắn thêm. Tôi nói với vợ là về đây để coi đất cát thế nào, nghe nói tiềm năng lắm, chỗ này rồi sẽ xây sân gôn, rì sọt; lại có thằng bạn đang là thổ địa vùng này, nên về nghía thử, thấy được thì thảy ít đầu tư. Vợ bảo vậy anh đi đi. Tôi đi thì vợ sẽ vất vả đưa đón con vài bữa. Chúng tôi có hai đứa, cô con gái lớn đang du học bên Úc, còn thằng nhỏ đang cuối cấp hai, nó không hề thích ra nước ngoài, đang tuổi nổi loạn, thú vui của nó là bắt lỗi ba mẹ, mà chúng tôi thì càng ngày càng miên man lỗi. Thỉnh thoảng tôi phải tìm cách thoát ra khỏi nhà, trốn chạy phố xá vài ba bữa, không thì điên mất.

Nhưng tới G. để gặp Toàn là một bất ngờ ngay cả với tôi, vì thực chất giữa tôi và Toàn chỉ là bạn học, không hề có một mối liên hệ mật thiết nào, ngoài những cuộc bù khú nhóm lớp ồn ào nhưng nhạt nhẽo. Thậm chí, có lúc tôi nghĩ, nếu Toàn chết, chưa chắc tôi đã đi viếng.

Tôi xỏ dép đi ra ngoài, coi thử Toàn về chưa, nhưng vẫn không thấy bóng dáng hắn đâu. Kim đang trao đổi gì đó với một cô gái trẻ, hình như là người phụ việc. Cô bé có dáng vẻ là người địa phương. Vừa thấy tôi Kim đã lên tiếng: “Anh Toàn vẫn chưa về, chắc là anh ấy ghé ngang chỗ công viên”.

Công viên, chỗ này có công viên sao? Tôi hơi ngờ ngợ. Kim hỏi tôi: “Anh đói bụng chưa, hay em nấu món gì cho anh ăn?”. Tôi bảo: “Hơi hơi thôi, để đợi Toàn về rồi làm vài ve cho vui”. Kim bảo: “Vậy cũng được”. Nói rồi Kim lại nói: “Công viên gần đây thôi, ngay trên đường mà anh xuống, chắc anh đã ngó thấy?”.
***
Ngó thấy tôi Toàn chỉ khẽ mỉm cười, không lạnh nhạt cũng chẳng vồ vập. Làm như hắn biết trước sau gì tôi cũng xuất hiện ở đây vậy. Kim sai cô bé phụ việc làm mấy món hải sản cho chúng tôi uống bia.

Chúng tôi ngồi ở bộ sô pha gỗ ngoài trời. Trong khi tôi nói chuyện với Toàn, chờ đồ ăn thì Kim đi tắm. Toàn không thay đổi gì mấy, ngoài cái đầu hói dần, da rám nắng, ra dáng dân thể thao. Ngay sau homestay này, men theo một con đường mòn, đi bộ chừng chín trăm mét là ra tới biển, nếu đi ô tô thì vòng ra đường nhựa chừng hai cây số. Tôi hình dung vợ chồng Toàn vẫn thường chạy bộ ra biển vào mỗi sớm, khi về họ mua một ít cá đục hay bạch tuộc tươi roi rói.

“Lúc chiều ông vô công viên hả? Ở đây có công viên nào mà tôi không biết?”, tôi hỏi.

Toàn cười, đưa bàn tay phải lên, dùng ngón tay út miết miết hai hàng chân mày đậm đen.

“À, cái công viên nghĩa trang ấy mà”, Toàn nói rồi giải thích thêm: “Ở đây vùng biển làm gì có công viên. Nhưng có một công viên nghĩa trang cách đây chừng năm cây số, nằm ven rừng cao su, đẹp lắm”.

Thì ra là vậy. Món ăn dọn lên cùng bia lạnh, và Kim xuất hiện, trông tươi tắn dưới ánh đèn vàng. Kim bận quần cộc, áo thun đỏ không áo ngực. Hình như đây là phong cách của Kim. Toàn gần như không nhìn vợ mình, hắn ăn liên tục năm con hàu nướng phô mai.

“Nếu ông ở đây vài bữa thì chiều mai tôi đưa ông ra công viên chơi”, Toàn nói.

“Anh thiệt là, bạn về đây không dắt đi biển đi rừng mà dắt ra công viên nghĩa trang làm chi?”, Kim xía vô, giọng nửa hài hước nửa nghiêm túc.

Toàn cụng ly với tôi rồi nói.

“Thì chúng ta cũng nên tập chết lai rai là vừa”.

Đang nhậu, nói chuyện chết chóc coi bộ không vui mấy, tôi lái qua chuyện khác. Tôi hỏi Toàn chuyện đất cát ở đây. Toàn cười: “Hỏi nhầm người rồi. Uống đi ông bạn”. Chúng tôi lại tiếp tục uống, nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Kim xin phép đi nghỉ trước. Tôi với Toàn còn ngồi lại, chuyển từ bia sang rượu mạnh để hút xì gà. Tôi tê quá nhưng có cảm giác Toàn rất kín kẽ. Nhưng cuối cùng thì Toàn cũng nói một câu thú vị: “Sáng mai tôi sẽ dẫn ông đi câu cá chẽm”.

Chúng tôi rời khỏi nhà từ mờ sớm. Toàn lái một chiếc bán tải Ford Ranger màu cam, phía sau chất đầy đủ các đồ nghề đi câu, cùng bánh mì sandwich, trái cây và bia chai lắc xê. Cơn váng vất do bia rượu hồi đêm dần tan theo ánh mặt trời và gió biển buổi sớm. Nơi chúng tôi tới là một vực sông nước lợ. Nước biển đổ vô cửa sông này, chảy tới lúc này là pha thành nước lợ, xuôi chừng hai cây số nữa thì hoàn toàn nước ngọt. Toàn bảo cá chẽm khúc sông này ngon cực kỳ. Nhưng tôi thì chẳng biết gì về câu máy. Chúng tôi lụi hụi khuân đồ xuống vực đá tìm chỗ ngồi. Tôi coi như là tham gia chuyến dã ngoại, phần chuyên môn xin nhường cho Toàn.

Chúng tôi ngồi dưới bóng mát những cây chò ổi già, đợi cá cắn câu. Mỏi lưng quá, tôi nằm duỗi xuống đám cỏ cháy, rồi thiếp đi một chặp. Tôi chưa từng ngủ một giấc buổi sáng ngoài trời ngon lành như thế này. Toàn giật lên liền một cặp cá chẽm kha khá nhưng im lìm như không. Có vẻ như Toàn đã quá quen với chuyện ấy. Tôi thức dậy, quan sát Toàn từ đằng sau. Toàn đội một cái mũ lưới rộng vành màu xám, quần soọc, áo thun cộc tay. Hắn đứng suốt trong buổi câu, dáng nhô xiên mép vực, nhìn nhẫn nại và cô độc. Nếu Toàn chơi Facebook thì những bức ảnh về buổi câu cá này cũng kiếm được bộn like. Toàn gần như không quan tâm gì tới tôi. Tôi tìm chỗ đi “xả” rồi rảo dọc bờ sông mở ngực hít thở không khí trong lành.

Toàn giật thêm ba con chẽm nữa thì chúng tôi rút. Nhưng không về nhà mà ghé trang trại cừu Ba Xuyên, chỗ quen của Toàn. Ông Ba Xuyên, một quan chức về hưu, dáng thấp đậm, chắc nịch như một huấn luyện viên đô vật. Ông Ba Xuyên tự tay xử món cá chẽm, điêu luyện như một đầu bếp chuyên nghiệp. Chúng tôi ăn cá chẽm, uống rượu ngâm đinh lăng. Toàn không nổ, cá chẽm ngon dã man. Phong cảnh trang trại khá đẹp. Nhưng ngoài trời nắng như tạt lửa, khiến ai nấy đều rút vào trong nhà. Có vẻ Toàn quá quen ở đây. Câu chuyện giữa Toàn với ông Ba Xuyên xoay quanh một con cừu nào đó, con cừu đẹp nhất bầy, nhưng đang bị đau mắt.

Sau bữa trưa muộn, chúng tôi ra võng ngoài hiên nằm nghỉ. Toàn úp cái mũ lưới lên mặt rồi kéo một giấc. Tôi để ý là Toàn không hề gọi về cho Kim để thông báo. Hay hắn đã nhắn tin rồi mà tôi không biết. Toàn thức dậy vào lúc xế chiều. Câu đầu tiên mà hắn hỏi tôi là: “Giờ ông muốn về nhà luôn hay là ghé qua chỗ công viên chơi chút?”. À, chỗ công viên nghĩa trang, tôi cũng tò mò về nó quá. Tôi bảo: “Công viên đi”.

***

Tôi từng tới một vài nơi như vầy rồi. Nhưng chỗ này thì đẹp tuyệt. Nghĩa trang hệt một công viên thành phố châu Âu hiện đại, không có tiếng người, chỉ có tiếng chim và tiếng gió thổi qua vòm lá.

Chúng tôi rảo bộ qua những mộ phần, Toàn đi trước, tôi theo sau. Toàn dừng lại trước một ngôi mộ có bình hoa huệ trắng rồi ngồi xuống bên vệ cỏ. Tôi nhìn vào bia mộ, thấy tên một người xa lạ, mà chết trẻ quá, cùng tuổi với chúng tôi nhưng lìa trần đã ba năm.

“Người thân của ông à?”,

tôi hỏi.

Toàn khẽ mỉm cười, vẻ bí hiểm, nhưng lắc đầu.

“Không. Một người xa lạ thôi”.

Tôi nhướng mày, vẻ khó hiểu. Toàn nói.

“Nhưng tôi biết người này. Anh ta bị rơi từ tầng 13 một tòa nhà chung cư xuống đất. Vụ này ầm ĩ lắm. Ngày anh ta chết tình cờ trùng hợp ngày tôi dọn về đây nên tôi biết”.

Chúng tôi đi qua một khu mộ khác. Chốc chốc Toàn dừng lại một ngôi mộ, thắp một nén nhang rồi thuyết minh về nó.

“Đây cũng là một người xa lạ. Một đại gia ngoài Bắc. Tôi cũng không hiểu sao khi chết lại mang vào tận trong này. Thỉnh thoảng có một đám xăm trổ hầm hố tụ về cúng kính lâm ly lắm”.

“Còn đây là mẹ của ca sĩ nổi tiếng X, chắc ông có nghe danh, tôi đã gặp cô X vài lần ở đây. Không như trong phim ảnh, ngoài đời nhìn ngực cổ lép lắm. Cổ cũng ghé Đu Đủ Xanh vài lần với mấy thằng phi công trẻ nên tôi hơi bị rành”.

Tôi nghe Toàn nói và hình dung ra những buổi chiều của hắn trong công viên nghĩa trang này. Như một trò tiêu khiển hay giết thời gian, Toàn chậm rãi bước qua các mộ phần, cũng có khi hắn ngồi hút thuốc, nhâm nhi bia lạnh ở một góc nào đó để quan sát những người sống. Toàn dành phần nhiều thời gian để ngồi bên cạnh ngôi mộ của người đàn ông rơi từ tầng 13, đến mức sau nhiều lần tình cờ gặp, vợ anh ta nghĩ Toàn hoặc là bạn thân hoặc là một kẻ biến thái đáng ngờ. Nhưng Toàn chỉ tủm tỉm, không giải thích gì. Ở đây toàn những người xa lạ. Những gặp gỡ tình cờ. Những giả dối hay chân thật cũng tình cờ.

Cuối cùng, chúng tôi quay lại chỗ xe bán tải, Toàn lấy xuống hai chiếc ghế câu, rồi lấy hai chai bia lắc xê từ thùng đá. Chúng tôi ngồi uống bia cho tới khi công viên không còn một giọt nắng.

***

Tôi hỏi Kim có khi nào ra công viên với Toàn không? Kim bảo, chẳng bao giờ, em rất sợ vô nghĩa trang, mà em bận chết đi được.

“Nhưng em thấy việc anh Toàn làm cũng tốt. Đáng lẽ người ta nên trả lương quản trang cho anh ấy”, Kim nói nửa giỡn nửa thiệt.

Tôi thấy ở cặp vợ chồng này có cái gì đó rất khó giải thích. Toàn suốt ngày phóng xe ngoài đường, đi câu, tạt ngang trang trại cừu, ghé công viên nghĩa trang trò chuyện với người chết và người sống xa lạ. Kim suốt ngày quanh quẩn bận bịu ở homestay, nhưng đẹp rực rỡ, như những đóa hồng son hực say ngoài nắng. Tôi thấy họ rất ít khi nhìn vào mắt nhau. Đã có một sự cố gì, hay một phi vụ gì ghê gớm xảy ra, có liên quan tới họ chăng?

Tôi lại thắc mắc, nhưng thấy mình không dưng mắc vô cái thuyết âm mưu lãng nhách. Biết bao con người vẫn sống một cuộc đời như thế. Có khi nào họ nhìn vào mắt nhau đâu?

Tôi về lại Sài Gòn. Kim gói cho tôi một ít khô cá với một thùng đu đủ, xanh có chín có. Toàn biến đâu mất chúng tôi không thấy. Nhưng tôi về được hai bữa thì Toàn gọi cho tôi. Đó là chuyện chưa từng. Nhưng điều này mới đáng kể. Toàn nói: “Vì ông đã tìm về thăm tôi, cho nên tôi sẽ cắt tặng ông hai sào đất vườn nhãn, không phải mua bán gì hết. Ông muốn làm gì ở đó thì làm. Thỉnh thoảng lại về đây đi câu cá chẽm, uống bia lạnh trong công viên với tôi. Nói thật với ông, tôi giờ là trùm đất ở đây, nhưng buồn thấy mẹ, buồn muốn nhảy lầu luôn”.

Hai sào đất. Một cái nhà vườn. Lái xe bán tải. Đi câu cá chẽm. Đuổi theo bầy cừu. Uống bia lạnh trong công viên. Đi tắm biển với Kim. Toàn những chuyện chưa từng.

Xuyên Mộc - Sài Gòn, tháng 3.2021


 

Theo Trần Nhã Thụy (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Tranh minh họa (nguồn internet).

Thơ Đại Dương: Kính rượu thầy giáo cũ

(GLO)- Bài thơ "Kính rượu thầy giáo cũ" của tác giả Đại Dương chứa đựng nhiều tình cảm và lòng tri ân sâu sắc. Mỗi câu thơ là hình ảnh rất chân thật về một thời gian khó cắp sách đến trường, về những hy sinh thầm lặng của thầy giáo và cả sự khắc khoải, trăn trở của người học trò đã trưởng thành...

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

Thơ Từ Dạ Linh: Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

(GLO)- "Tặng em nỗi nhớ ngược chiều" của Từ Dạ Linh mang vẻ đẹp mộc mạc, đầy hoài niệm về tuổi thơ, về những khoảnh khắc hồn nhiên mà người ta thường dễ dàng quên đi. Ẩn chứa trong đó cũng là nỗi nhớ, sự lưu luyến về tình yêu đầu đời với những xúc cảm tinh khôi, thuần khiết...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.