Tình trạng phá rừng tại Đắk Lắk ngày càng diễn biến theo chiều hướng phức tạp. Nhiều vụ phá rừng quy mô lớn xảy ra trong thời gian dài nhưng chủ rừng không biết hoặc thiếu quản lý, bảo vệ. Nhiều ý kiến cho rằng, giải pháp để ngăn chặn tình trạng rừng tiếp tục “chảy máu” là nhanh chóng đổi mới mô hình quản lý bảo vệ rừng, đồng thời kiên quyết thu hồi đối với các diện tích rừng quản lý thiếu hiệu quả.
Rừng liên tiếp bị tàn phá tại Công ty Lâm nghiệp Chư Phả. Ảnh: PV |
Khi chủ rừng quản lý… không xuể
Được giao quản lý và bảo vệ rừng, nhưng Công ty (Cty) TNHH MTV Lâm Nghiệp Chư Phả (huyện Ea H’leo, Đắk Lắk) liên tiếp để rừng bị chặt phá. Ngay trong địp Tết Nguyên đán vừa qua, nhiều hécta rừng nguyên sinh hiện do đơn vị này quản lý bị lâm tặc đưa các phương tiện cơ giới vào triệt hạ. Đáng nói, một số khu vực rừng bị phá chỉ cách trạm bảo vệ chưa đầy 1km hoặc do chính quyền địa phương phát hiện. Cụ thể, khoảng 5ha rừng tại các Tiểu khu 18 và 22 bị người dân đưa các phương tiện cơ giới vào phá trắng để lấy gỗ và xâm chiếm đất canh tác. Cũng tại chính Tiểu khu 22 vào năm 2017, cơ quan chức năng vừa bắt giữ gần 45m3 gỗ cực quý. Sau đó, nhiều đối tượng lâm tặc đã bị khởi tố.
Không riêng Cty Lâm Nghiệp Chư Phả, tình trạng phá rừng còn xảy ra tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk với chiều hướng ngày càng phức tạp. Từ đây, dư luận bày tỏ lo lắng về tính hiệu quả trong hoạt động của các đơn vị chủ rừng.
Nhiều chủ rừng bộc lộ yếu kém trong công tác quản lý điều hành khi được giao hàng chục nghìn hécta rừng nhưng lại để rừng bị xâm hại. Như ở Cty Lâm Nghiệp Chư Phả, tỉnh Đắk Lắk phải thi hành quyết định kỷ luật một số lãnh đạo công ty vì để xảy ra nhiều sai phạm trong đó có việc để mất rừng.
Cụ thể, ông An Ngọc Tân - Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chư Phả - cuối năm 2018 bị Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk quyết định kỷ luật khiển trách vì vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc của công ty, quy chế làm việc của chi bộ; thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, điều hành hoạt động của công ty.
Thiếu kiên quyết xử lý?
Từng có nhiều ý kiến cần thu hồi diện tích rừng của Cty Chư Phả và những công ty lâm nghiệp hoạt động yếu kém để giao cho đơn vị khác quản lý hiệu quả hơn. Về vấn đề này, ông Nguyễn Hoài Dương - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Đắk Lắk cho biết, thời gian tới, sở vẫn sẽ xác định duy trì hình thức mô hình Công ty TNHH MT của Nhà nước - là đơn vị doanh nghiệp có thu.
“Chúng tôi yêu cầu công ty Chư Phả rà soát về mô hình hoạt động. Còn nếu doanh nghiệp bên ngoài nào có năng lực, mong muốn đầu tư quản lý bảo vệ, phát triển ở rừng nghèo, nghèo kiệt, quan điểm của tôi là ủng hộ” - ông Nguyễn Hòa Dương nói. Ông Dương cho biết thêm, dù có thu hồi rừng đối với những đơn vị quản lý hay không thì quan điểm của ngành nông nghiệp là muốn làm sao để bảo vệ rừng, phát huy, sử dụng có hiệu quả tài nguyên rừng được giao.
Trong một diễn biến khác, vào năm 2018, Thanh tra tỉnh Đắk Lắk đã kiểm tra, rà soát và phát hiện, nhiều công ty lâm nghiệp trên địa bàn đã để mất hàng nghìn hécta rừng. Tuy vậy, đến nay, vẫn chưa có một người đứng đầu nào của các công ty lâm nghiệp bị xử lý hình sự. Trong khi đó, tại tỉnh Đắk Nông - địa phương tiếp giáp với Đắk Lắk, lãnh đạo tỉnh này lại thể hiện sự quyết liệt trong việc xử lý những nơi tiếp tay để mất rừng. Cụ thể, Công an tỉnh Đắk Nông đã ra các quyết định khởi tố đối với 6 doanh nghiệp nhà nước vì để mất rừng với số lượng lớn.
http://https://laodong.vn/moi-truong/chu-rung-buong-long-rung-lien-tiep-bi-xam-hai-784301.ldo
Theo Hữu Long (LĐO)