Chư Prông: Người trồng dưa hấu lo lắng đầu ra

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, người trồng dưa hấu tại các xã Ia Piơr, Ia Lâu (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) luôn thấp thỏm, lo lắng về đầu ra khi dưa đến kỳ thu hoạch.

Những ngày này, một số ruộng dưa hấu thuộc thôn 4 (xã Ia Piơr) và thôn Cao Lạng (xã Ia Lâu) đã đến kỳ thu hoạch. Tuy nhiên, người trồng dưa lo lắng vì chưa có thương lái đến hỏi mua. Anh Nguyễn Văn Tân (quê ở xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) cho biết: Hơn 3 tháng trước, tôi lên thôn Cao Lạng thuê đất trồng dưa. Năm nay, tôi trồng khoảng 1,5 ha, giảm một nửa so với năm ngoái vì tình hình dịch Covid-19 phức tạp. “Ruộng dưa của tôi vụ này ước đạt sản lượng hơn 40 tấn. Nhưng đã quá thời gian thu hoạch gần 1 tuần mà chưa thấy thương lái nào đến hỏi. Gọi hỏi thì họ trả lời cửa khẩu bị ách tắc nên chưa thu mua. Tôi đã đầu tư hơn 200 triệu đồng cho vụ dưa này. Nếu để vài ngày nữa ruộng dưa chín hết, không có ai đến mua thì coi như mất trắng”-anh Tân rầu rĩ nói.

  Anh Nguyễn Văn Tân (xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) lo lắng vì dưa hấu khó tiêu thụ. Ảnh: Hà Phương
Anh Nguyễn Văn Tân (xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) lo lắng vì dưa hấu khó tiêu thụ. Ảnh: Hà Phương


Cũng thuê đất trồng dưa tại thôn 4 (xã Ia Piơr), ông Nguyễn Hữu Phú (quê ở xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) cho biết: Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên tôi chỉ trồng gần 2 ha. Công sức bỏ ra nhiều, chi phí đầu tư lớn nên dưa phải có giá từ 5.000 đồng/kg trở lên mới có lãi. “Năm nay, tôi trồng sớm hơn 10 ngày so với năm trước. Sau khi trồng gần nửa tháng thì ruộng dưa bị bọ trĩ làm trắng ngọn, lá nhăn nheo và chết dần nên phải nhổ bỏ gần 20% diện tích. May mà ruộng dưa thu hoạch sớm nên thương lái mua với giá gần 5.000 đồng/kg”-ông Phú chia sẻ.

Không chỉ người trồng dưa thấp thỏm mà thương lái cũng lo lắng không kém. Chuyên mua dưa hấu đưa đi các nơi khác tiêu thụ, bà Nguyễn Thị Phúc (quê ở Bình Định) than thở: “Cách đây 2 tuần, vợ chồng tôi đi xem các ruộng dưa sắp đến thời điểm thu hoạch và chốt giá 5.000-6.000 đồng/kg. Tuy nhiên, 1 tuần nay, tôi liên lạc với những bạn hàng ở các tỉnh phía Bắc thì họ nói bên Trung Quốc không nhập hàng do tình hình dịch bệnh căng thẳng. Tại xã Ia Lâu và Ia Piơr, tôi đã đặt cọc tiền cho các hộ trồng dưa gần 300 triệu đồng. Mấy ngày nay, các hộ gọi điện liên tục hối thúc lên cắt dưa và sẵn sàng hạ giá bán xuống còn 4.000 đồng/kg, nhưng nếu mua thì không biết bán ở đâu. Đành phải chịu mất tiền cọc”.

Trao đổi với P.V, ông Lê Thành Công-Chủ tịch UBND xã Ia Lâu-cho biết: “Trên địa bàn xã có khoảng 60 ha dưa của người dân ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên lên thuê đất trồng. Khoảng 2 tuần trước, nhiều hộ còn bán được giá 5.000-6.000 đồng/kg nên đã tháo dỡ lều trại về quê. Tuy nhiên, vẫn còn những ruộng dưa bắt đầu thu hoạch, nhưng không có thương lái đến mua do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Để hạn chế tình huống xấu, chúng tôi nắm bắt tình hình để đề xuất với cấp trên có biện pháp hỗ trợ tiêu thụ giúp người dân”.

 

 HÀ PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Ấm no theo những vườn cao su - Kỳ 1: Những triệu phú người dân tộc thiểu số

Ấm no theo những vườn cao su Kỳ 1: Những triệu phú người dân tộc thiểu số

(GLO)- Cây cao su có mặt trên đất Tây Nguyên từ thời Pháp thuộc. Tuy nhiên, đến đầu những năm 80 của thế kỷ XX, cây cao su mới được trồng với diện tích lớn. Dù trải qua nhiều thăng trầm về giá cả nhưng cao su vẫn là cây trồng chủ lực, cây xóa đói giảm nghèo trên cao nguyên.
Bán sầu riêng non làm tổn hại cả ngành hàng

Bán sầu riêng non làm tổn hại cả ngành hàng

Sầu riêng Việt Nam xuất khẩu đang mang về hàng tỷ USD lợi nhuận, nhưng các chuyên gia cảnh báo, tình trạng bán sầu riêng non, chạy theo số lượng - bỏ chất lượng có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho cả ngành hàng rất tiềm năng và lợi thế này.
Nông dân xã Ia Tô “đưa bò vào chuồng”

Nông dân xã Ia Tô “đưa bò vào chuồng”

(GLO)- Từ chỗ chăn thả rông trên núi, đến nay, 100% đàn bò của xã Ia Tô (huyện Ia Grai) đã được nuôi nhốt trong chuồng. Việc nuôi nhốt giúp đàn bò được chăm sóc tốt hơn, người dân lại tận thu được nguồn phân bón và tránh được tình trạng mất trộm.