Chư Păh đầu tư phát triển giao thông nông thôn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ nguồn kinh phí của Nhà nước cùng sự đóng góp của doanh nghiệp và người dân, huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) đã đầu tư nâng cấp, làm mới hệ thống giao thông nông thôn. Đến nay, Chư Păh có 8/12 xã đạt chuẩn tiêu chí giao thông.

 Làm đường giao thông nông thôn ở xã Hòa Phú, huyện Chư Păh. Ảnh: Gia Hưng
Làm đường giao thông nông thôn ở xã Hòa Phú, huyện Chư Păh. Ảnh: Gia Hưng

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, năm 2022, huyện Chư Păh triển khai làm 750 m đường tại thôn 8 và 9 (xã Nghĩa Hưng); 700 m đường tại làng Bối, Hreng, thôn 3 (xã Hòa Phú); gần 3 km đường tại 3 làng Mrông Yố 2, Mrông Ngó 3, Jruăng (xã Ia Ka); 2,43 km đường tại làng Kách, Grut, thôn Đại An 2 (xã Ia Khươl); 3,96 km đường tại làng Yut, Yăng 2, Or, Kênh (xã Ia Phí); 2 km đường tại làng Kó (xã Chư Đang Ya); 300 m đường làng Kon Sơ Lăng (xã Hà Tây); 2 km đường tại làng Dôch 2 (xã Ia Kreng); 350 m đường tại làng Tuêk (xã Đak Tơ Ve). Tổng kinh phí đầu tư các công trình hơn 16,8 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước khoảng 15,6 tỷ đồng, người dân đóng góp hơn 1,2 tỷ đồng.

Ông Rơ Châm Đun (làng Grut, xã Ia Khươl) cho biết: Nhà ông có hơn 50 m mặt đường. Khi được cán bộ đến vận động đóng góp ngày công và hiến đất để mở đường, gia đình ông đồng ý ngay. “Mở rộng đường là việc làm hết sức cần thiết giúp người dân đi lại thuận lợi. Gia đình tôi sẵn sàng di dời hàng rào, đồng thời đóng góp tiền, công lao động”-ông Đun vui vẻ nói. Còn ông Trần Văn Phí (cùng làng) thì cho hay: Kinh phí đóng góp được chia đều cho tất cả hộ dân trong làng. Đợt này, làng làm 1 km đường bê tông nông thôn, mỗi hộ đóng góp 800 ngàn đồng.

Ông Rơ Châm Chê-Chủ tịch UBND xã Ia Khươl-cho hay: Năm nay, xã triển khai làm đường giao thông nông thôn tại làng Kách (1,1 km), làng Grut (1 km) và thôn Đại An 2 (330 m). Theo đó, UBND xã yêu cầu các thôn, làng rà soát từng tuyến đường, ưu tiên những đoạn đường xuống cấp. Khi có kế hoạch làm đường giao thông, các thôn, làng tổ chức họp dân, bàn bạc thống nhất kinh phí đóng góp. Đồng thời, vận động các hộ dân tự nguyện hiến đất mở rộng đường, tháo dỡ hàng rào, đóng góp ngày công lao động. “Từ năm 2015 đến nay, bằng các nguồn vốn, xã đã làm mới hơn 10 km đường giao thông nông thôn. Đường trục thôn và đường liên thôn được cứng hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm”-Chủ tịch UBND xã Ia Khươl thông tin thêm.

 Đường giao thông nông thôn ở làng Hreng, xã Hòa Phú được bê tông hóa đảm bảo cho xe ô tô đi lại thuận tiện. Ảnh: Gia Hưng
Đường giao thông nông thôn ở làng Hreng, xã Hòa Phú được bê tông hóa đảm bảo cho xe ô tô đi lại thuận tiện. Ảnh: Gia Hưng


Ia Kreng là xã vùng III, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, khi xã phát động phong trào xây dựng nông thôn mới, nhất là đóng góp làm đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, người dân đều đồng tình hưởng ứng. Chủ tịch UBND xã Rơ Châm Tâm cho hay: Với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, người dân rất tích cực đóng góp ngày công lao động và hiến hàng ngàn mét vuông đất để làm đường giao thông nông thôn. Đến nay, các tuyến đường từ trung tâm xã đến thôn, làng đã được bê tông hóa, thuận tiện cho người dân đi lại.

Theo ông Nguyễn Công Sơn-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện: Nhận thức của người dân về vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới ngày càng được nâng lên. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội khu vực nông thôn từng bước được đầu tư nâng cấp, nhất là hệ thống giao thông trục xã, liên xã, liên thôn ngày càng được hoàn thiện, tạo điều kiện cho bà con đi lại, vận chuyển hàng hóa.  

“Hiện nay, 100% đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đảm bảo ô tô đi lại quanh năm; hơn 82,9% đường trục thôn, làng và đường liên thôn, làng ít nhất được cứng hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm; 84,2% đường ngõ xóm sạch không lầy lội vào mùa mưa; 74,8% đường trục chính nội đồng đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm. Đến nay, 8 xã đã đạt chuẩn tiêu chí giao thông gồm: Ia Nhin, Nghĩa Hưng, Nghĩa Hòa, Hòa Phú, Chư Đang Ya, Đak Tơ Ve, Hà Tây, Ia Phí”-ông Sơn cho biết.

 

 GIA HƯNG

 

Có thể bạn quan tâm

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Khảo sát của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI) cho thấy, tỷ lệ khách hàng mua để ở giảm từ 59,5% của năm 2023 xuống 44,9% trong năm 2024. Đáng chú ý, đã xuất hiện 10% khách hàng đầu tư lướt sóng trong năm 2024, so với chỉ 1,5% trong năm 2023.

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Khép lại một năm với sự phục hồi tích cực nhờ các bước tiến lớn trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, nhiều nhận định cho rằng năm 2024 là một năm bản lề, là nền tảng tạo động lực cho thị trường bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.