Phú Thiện nỗ lực kiên cố hóa đường giao thông nông thôn và kênh mương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ nhiều nguồn lực, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã kiên cố hóa được hàng trăm km đường giao thông nông thôn và kênh mương thủy lợi nội đồng, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Nhà nước và nhân dân cùng làm
Với người dân thôn Tân Điệp 1 (xã Ia Ake), hơn 1 năm qua, khi đường giao thông chạy ngang qua cánh đồng lúa được bê tông hóa, việc đi lại, giao thương của bà con thuận lợi hơn rất nhiều. Bà Trần Thị Tĩnh hồ hởi nói: “Trước đây, mặt đường chỉ đổ cấp phối, mùa mưa đến thì lầy lội, người dân chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Giữa năm 2021, khi UBND xã vận động đóng góp thêm tiền để cùng với Nhà nước làm đường này, bà con tích cực. Tổng kinh phí hơn 400 triệu đồng; trong đó, người dân trong thôn đóng góp hơn một nửa”.
Theo ông Bùi Văn Khiêm-Chủ tịch UBND xã Ia Ake: Tính riêng năm 2021, từ kinh phí của tỉnh và Nhân dân đóng góp (nguồn vốn của tỉnh 50%, người dân đóng góp 50%), hơn 1,9 km đường giao thông nông thôn ở xã được kiên cố hóa. Trên địa bàn xã hiện còn 5,5 km đường mới cứng hóa, chưa được đổ bê tông. Chúng tôi đề ra mục tiêu đến hết năm 2025, sẽ kiên cố hóa hơn 3 km. Đối với kênh mương, xã có 15,2 km, hiện đã kiên cố hóa khoảng 9,1 km, phấn đấu đến cuối năm 2025 kiên cố hóa 6,1 km còn lại. “Đường giao thông và kênh mương được kiên cố hóa đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất trên địa bàn. Vì thế, khi xã vận động đóng góp kinh phí làm đường hay kênh mương, người dân đều đồng lòng hưởng ứng. Ngoài góp tiền theo quy định, nhiều gia đình còn đóng góp thêm ngày công để đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đưa công trình vào sử dụng”-ông Khiêm nói.
Đường giao thông vào thôn Tân Điệp 1 (xã Ia Ake) được bê tông hóa kiên cố. Ảnh: Thiên Di
Đường giao thông vào thôn Tân Điệp 1 (xã Ia Ake) được bê tông hóa kiên cố. Ảnh: Thiên Di
Xã Ia Sol cũng là một điểm sáng của huyện Phú Thiện về vận động người dân đóng góp kinh phí kiên cố hóa đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng. Riêng năm 2021, từ 2,9 tỷ đồng vốn tỉnh cấp và người dân đóng góp theo tỷ lệ 50-50, xã Ia Sol kiên cố hóa gần 2 km đường giao thông ở các thôn: Plei Tel B, Thắng Lợi 3, Thắng Lợi 2, Ia Jut. Chủ tịch UBND xã Ia Sol Nguyễn Hữu Khóa chia sẻ: “Năm 2022, chúng tôi triển khai kiên cố hóa 4 công trình đường giao thông và kênh mương. Tổng kinh phí thực hiện khoảng 2,9 tỷ đồng, từ vốn Nhà nước và người dân đóng góp. Hiện đã đưa vào sử dụng 3 công trình gồm: kênh mương nội đồng Hợp tác xã Thắng Lợi, kênh mương nội đồng Trạm bơm Ia Dniu, đường giao thông thôn Thắng Lợi 3. Chúng tôi cũng đang chuẩn bị các điều kiện để thi công đường giao thông ở thôn Thắng Lợi 2”.
Từng bước tháo gỡ khó khăn
Hệ thống mạng lưới giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Phú Thiện hiện có khoảng 389 km và hơn 183 km kênh mương thủy lợi nội đồng. Đến nay, có hơn 125 km đường giao thông nông thôn được láng nhựa, đổ bê tông và gần 98 km kênh mương thủy lợi nội đồng được đổ bê tông cốt thép, xây đá. Hiện còn hơn 264 km đường giao thông và khoảng 85 km kênh mương chưa được kiên cố hóa.
Chủ tịch UBND xã Ia Ake Bùi Văn Khiêm bộc bạch: “Xã còn hơn 5,5 km đường giao thông nông thôn, chừng 11 km đường nội đồng và 6,1 km kênh mương chưa kiên cố. Tuy nhiên năm 2022, xã không có kinh phí để triển khai thực hiện bê tông hóa đường giao thông, kiên cố hóa kênh mương”. 
Ông Bùi Trọng Thành-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện-thông tin: “Hàng năm, huyện bố trí kinh phí khoảng 300 triệu đồng cho phát triển chương trình phát triển cây lúa trên địa bàn. Từ nguồn kinh phí này, chúng tôi trích ra một phần và vận động người dân đóng góp thêm để các địa phương kiên cố hóa, sửa kênh mương nội đồng. Năm nay, kinh phí phân khai chậm, việc thi công kiên cố hóa kênh mương ở một số địa phương dời lại đến khoảng tháng 11”.
Dân thông Ia Jut (xã Ia Sol) đóng góp tiền để cùng với Nhà nước kiên cố hóa đường giao thông ở thôn mình. Ảnh: Thiên Di
Người dân thôn Ia Jut (xã Ia Sol) đóng góp tiền để cùng với Nhà nước kiên cố hóa đường giao thông. Ảnh: Thiên Di
Trao đổi với chúng tôi, ông Trịnh Văn Sang-Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện-cho biết: Theo tính toán, muốn kiên cố hóa gần 350 km đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng còn lại thì cần khoảng 600 tỷ đồng. Mặt khác, huyện đang chỉ đạo ngành chuyên môn lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật ở 16 thôn, làng đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi với kinh phí dự kiến khoảng 251 tỷ đồng. Số tiền cần chi rất lớn, trong khi ngân sách của huyện, xã eo hẹp.
“Do đó, chúng tôi đề ra giải pháp là sẽ tiếp tục cân đối, tiết kiệm chi ngân sách huyện tạo nguồn đối ứng thực hiện chương trình cho địa phương; ưu tiên đầu tư đường giao thông, kênh mương có tỷ lệ hộ dân sử dụng cao; ưu tiên nguồn vốn sự nghiệp để tu sửa, bảo dưỡng đường giao thông, kênh mương; đồng thời ưu tiên nguồn vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia đối với tuyến giao thông, kênh mương ở địa bàn khó khăn, nhất là vùng có tỷ lệ người dân tộc thiểu số cao”-Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện nêu giải pháp.
THIÊN DI

Có thể bạn quan tâm

Bảo tồn địa hình để tạo lập bản sắc đô thị

Bảo tồn địa hình để tạo lập bản sắc đô thị

(GLO)- Nhiều khách phương xa rất thích thú khi được lên xuống trên những con dốc dài giữa phố núi Pleiku. Địa hình đồi núi mang đến sự khác lạ về tầm mắt, thay đổi về cảm xúc và đầy thêm trải nghiệm về một vùng đất. Bản sắc ấy của đô thị cao nguyên đang được bảo tồn một cách đầy chủ ý.
Đề xuất quy định mới về tính tiền sử dụng đất khi cấp sổ đỏ

Đề xuất quy định mới về tính tiền sử dụng đất khi cấp sổ đỏ

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo Luật Đất đai 2024, trong đó đề xuất quy định mới về miễn, giảm tiền thuê đất, việc tính tiền sử dụng đất khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...