Có thể khẳng định, công tác phòng chống tham nhũng trong năm 2016 đã thu được những kết quả tích cực, thể hiện bằng việc nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực ở cấp cao đã được phát hiện và xử lý nghiêm minh. Qua đó tạo được niềm tin của quần chúng nhân dân vào quyết tâm đấu tranh chống tham nhũng của Đảng, Chính phủ, Quốc hội.
Tuy vậy, chia sẻ với phóng viên người đứng đầu cơ quan chống tham nhũng - ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) vẫn cho rằng còn cần sự nỗ lực và sự thay đổi lớn hơn nữa của cả hệ thống chính trị mới có thể dẹp bỏ tham nhũng, tiêu cực.
Cục trưởng Phạm Trọng Đạt. |
Không để sự việc từ lớn thành nhỏ, rồi thành không có gì
PV: Là người đứng đầu cơ quan chống tham nhũng, ông có thể cho biết, năm 2016, chúng ta đã làm được những gì để phòng chống tham nhũng?
Cục trưởng Phạm Trọng Đạt: Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế cũng như kết quả điều tra xã hội học, và báo cáo theo dõi của Thanh tra Chính phủ, có thể nói rằng công tác phòng chống tham nhũng trong năm 2016 đã thu được những kết quả tích cực, thể hiện ở việc xử lý tội phạm tham nhũng được làm nghiêm minh, bước đầu tạo được niềm tin trong nhân dân. Đặc biệt, các vụ việc tham nhũng gây hậu quả nghiêm trọng gần đây đã được đưa ra xử lý công khai, nghiêm minh. Vấn đề thu hồi tài sản tuy chưa được như mong muốn nhưng cũng đã có những dấu hiệu tích cực.
Năm 2016, chúng ta đã thực hiện đồng bộ nhóm giải pháp phòng ngừa tham nhũng của Luật Phòng chống tham nhũng theo tinh thần Nghị quyết 3 của Trung ương, việc triển khai được thực hiện khá toàn diện và sâu sát. Cùng với đó, công tác phát hiện tham nhũng, tiêu cực đã phát huy hiệu quả tích cực, nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng ở cấp cao đã được phanh phui, gắn liền với đó là việc xử lý cũng hết sức mạnh mẽ.
PV: Ông từng rất bức xúc khi hầu hết các cơ quan, địa phương đều báo cáo không phát hiện ra tham nhũng ở đơn vị mình. Theo ông, vấn đề nằm ở đâu và cần khắc phục tình trạng này thế nào?
Cục trưởng Phạm Trọng Đạt: Trong thực tế, việc phát hiện tiêu cực tham nhũng chỉ tập trung vào một số cơ quan chính, cùng với đơn thư của người dân; việc tổ chức, đơn vị tự phát hiện tham nhũng, tiêu cực trong đơn vị mình còn rất hạn chế. Có rất nhiều nguyên nhân, một trong những nguyên nhân quan trọng, theo tôi đó là tinh thần chiến đấu, phê bình và tự phê bình trong các đảng bộ, chi bộ chưa đủ quyết liệt nên việc phát hiện tham nhũng, tiêu cực trong các đảng bộ rất ít.
Bên cạnh đó còn có nguyên nhân về bệnh thành tích, nhiều đơn vị vì sợ mất thành tích mà bao che tham nhũng, tiêu cực. Đặc biệt, là việc xác định trách nhiệm người đứng đầu chưa được quy định cụ thể, chế tài xử lý người đứng đầu cũng còn quá nhẹ. Chỉ khi “người đứng đầu thế nào phong trào sẽ thế đó”, trách nhiệm người đứng đầu được quy định rõ ràng, xử lý kiên quyết; người đứng đầu không vì cái ghế của mình, không vì thành tích mà “chỉ mặt, điểm tên” tham nhũng, tiêu cực mới là động lực thôi thúc quần chúng, cấp dưới đứng lên tố cáo tham nhũng, tiêu cực. Nếu không, sự việc từ lớn sẽ bị làm cho nhỏ đi, từ nhỏ dần trở thành không có gì, tham nhũng, tiêu cực sẽ vẫn còn tồn tại.
Phải sửa luật để người ta không dám tham nhũng
PV: 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng nhưng kết quả chưa như mong muốn và dự thảo luật sửa đổi đang tiếp tục được chuẩn bị để trình Quốc hội. Dưới góc độ là người lâu năm trong công tác phòng chống tham nhũng, theo ông đâu là nút thắt cần gỡ trong quá trình sửa luật?
Cục trưởng Phạm Trọng Đạt: Trong kỳ sửa luật phòng chống tham nhũng lần này, Chính phủ đã trình Quốc hội sửa rất nhiều nội dung, trong đó đáng chú ý là nhóm giải pháp phòng ngừa, trong đó có nội dung về kê khai tài sản để giúp cho việc phòng ngừa, giám sát, thu hồi tài sản; xem xét phạm vi đối tượng; đặc biệt là tính minh bạch; cơ chế thu hồi tài sản sau thanh tra, điều tra cũng phải xem xét lại để tránh trường hợp tẩu tán tài sản, hoặc mất mát, hỏng hóc theo thời gian.
Một nội dung nữa tới đây khi sửa luật sẽ xem xét một cách toàn diện đó là trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm người đứng đầu sẽ được quy định rõ ràng, nếu không làm được thì xử lý theo quy định của pháp luật. Thực tế hiện nay việc xử lý còn nặng về mặt tổ chức, hành chính, rút kinh nghiệm; chế tài xử lý trách nhiệm còn chung chung, chủ yếu là trách nhiệm của tập thể, chưa rõ trách nhiệm của cá nhân. Tới đây, tất cả những nội dung này sẽ được đưa vào luật.
PV: Minh bạch tài sản được xem là điểm mấu chốt, tuy nhiên, có ý kiến cho rằng các quy định trong dự thảo luật sửa đổi xem ra khó thực thi trên thực tế?
Cục trưởng Phạm Trọng Đạt: Ngoài yêu cầu về công khai, minh bạch tài sản - một yêu cầu rất quan trọng, mọi cơ quan, tổ chức đều phải minh bạch mọi hoạt động của mình, kể cả vấn đề tài sản, minh bạch phải gắn với giải trình.
Tuy nhiên, thực tế, việc quản lý tài sản đang gặp nhiều khó khăn, chúng ta mới chỉ có chế tài về quản lý lương chứ chưa quản lý được nguồn tài sản, thu nhập của họ. Tiền mặt vẫn tràn lan thị trường, mua bán giao dịch giá trị cao vẫn thực hiện được. Sau này cần phải quy định cụ thể vấn đề này trong luật, thậm chí phải tính đến việc hạn chế chi tiêu bằng tiền mặt để góp phần chống việc đưa, nhận hối lộ.
Không chỉ sửa Luật Phòng chống tham nhũng, theo tôi cần phải sửa một cách toàn diện những luật liên quan khác, theo hướng không để người ta có thể tham nhũng, không cần phải tham nhũng và không dám tham nhũng. Vấn đề này đang được nhiều nước thực hiện khá tốt. Khi người ta làm việc tốt, có chính sách đãi ngộ tốt người ta sẽ không nghĩ đến tham nhũng, tiêu cực nữa.
PV: Nhiều phát ngôn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội vừa qua cho thấy công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí sẽ được tập trung đẩy mạnh, có hiệu quả trong 2017. Là cơ quan chuyên về công tác này, Cục sẽ tham mưu và thực hiện như thế nào để đạt kết quả như yêu cầu?
Cục trưởng Phạm Trọng Đạt: Nhiệm vụ quan trọng của Cục Chống tham nhũng trong năm 2017 là tham mưu cho Thanh tra Chính phủ tập trung thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3, Nghị quyết Trung ương 4 của Đảng. Đặc biệt, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội sửa Luật Phòng chống tham nhũng một cách cơ bản, toàn diện, chú trọng vào nhóm giải pháp phòng ngừa tham nhũng (kê khai tài sản, minh bạch tài sản thu nhập, thu hồi tài sản tham nhũng, trách nhiệm người đứng đầu).
Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý tham nhũng theo tinh thần Chỉ thị 50 của Bộ Chính trị, các cấp ủy Đảng phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo trong vấn đề phát hiện và xử lý tham nhũng. Tôi tin rằng, thực hiện tốt Chỉ thị này, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng sẽ được nâng lên một bước.
Cùng với đó, Cục đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế để trao đổi, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm của các nước, đặc biệt trong vấn đề pháp lý về dẫn độ, tương trợ tư pháp, thu hồi tài sản. Tham nhũng hiện không chỉ gói gọn trong nước mà có liên quan nhiều đến quốc tế. Thanh tra Chính phủ sẽ kiến nghị Chính phủ có những văn bản pháp lý trình Quốc hội để tạo thuận lợi trong vấn đề hợp tác quốc tế.
PV: Xin cảm ơn ông.
Theo VOV