Mộc mạc sản vật “Made in làng”
Mặt trời chưa tròn bóng, hai chị em H’Yưn và Siu H’Viên đã có mặt tại sân nhà 04 Nguyễn Hữu Thọ (phường Trà Bá, TP. Pleiku). Đây là điểm họp chợ của bà con làng Ngó. Trong chốc lát, từng túi gạo, bó rau, con gà đã được hai chị em sắp đặt gọn gàng ngay trên vị trí bán hàng cố định, sẵn sàng cho phiên chợ chiều như mọi ngày. Nói về nguồn gốc những món hàng đang bày bán, chị H’Yưn cho hay: “Mình trồng được gì thì bán nấy, không đi lấy bên ngoài. Đây là rau nhà tự trồng, gà nuôi thả vườn, gạo thì do bà con làng Ngó canh tác nên hàng bán theo mùa lúc nhiều, lúc ít”. Ngồi kế bên, chị Siu H’Viên vừa luôn tay xới gạo, vừa vui vẻ giới thiệu về sản vật “Made in làng”: “Nhà mình có máy xay xát gạo nên bà con thường đến bán lúa, bán gạo. Lúa do bà con tự mua giống về trồng để ăn nên khi nào cần thì bán bớt. Gạo xay xát đến đâu bán đến đó nên nấu cơm mềm, thơm nhẹ, vị ngọt đặc trưng, do vậy nhiều người rất thích mua gạo làng”.
Nếu như chợ truyền thống hoạt động cả ngày thì chợ chiều ở các làng: Ngó (trước nhà số 04 Nguyễn Hữu Thọ), Chuét 2 (hẻm 626 Lê Duẩn), Pleiku Roh (đoạn gần số 81 Lê Thị Hồng Gấm) bắt đầu nhóm họp tầm 12 giờ trưa. Khung giờ chợ hoạt động nhộn nhịp nhất từ 15 giờ đến 17 giờ 30 phút, phù hợp với nhu cầu đi chợ trái buổi của các bà nội trợ hay công chức, viên chức, người lao động hết giờ làm. Không chỉ khác biệt về thời gian hoạt động, chợ chiều ở làng chủ yếu bày bán các loại rau xanh, thịt cá tươi sống, đặc biệt “hút” khách bởi các sản vật do người trong làng làm nên. Với kinh nghiệm của một người nội trợ, bà Lê Thị Ngọc Nga (phường Phù Đổng, TP. Pleiku) nói về lý do thích đi chợ chiều: “Tiếng là chợ chiều nhưng rau ở đây nhìn là muốn mua liền vì nó tươi mới, thịt heo, thịt gà, con cá vẫn giữ độ tươi sống, nhất là các loại cá đồng tự nhiên. Tôi cũng đã ăn gạo làng Ngó rồi, bà con xay xát thủ công nên còn lẫn gạo tấm nguyên cám, nấu cơm dậy lên mùi thơm mộc mạc tự nhiên”.
Những sản vật từ làng thu hút khách đến với chợ chiều. Ảnh: Sơn Ca |
Một điểm khác biệt đặc trưng của chợ chiều ở làng là hầu hết người bán là đồng bào dân tộc thiểu số, ngược lại, khách mua đa phần là người Kinh, tỷ lệ khách nam giới đi chợ chiều lại khá phổ biến. Chia sẻ về lý do đi chợ chiều, ông Ngô Thanh Nghị (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) bày tỏ: “Chợ thì ở đâu cũng có nhưng mỗi khi làm tiệc đãi bạn bè, tôi thường ghé qua chợ chiều là có thể mua được con gà, con ốc, con cá đồng còn tươi sống. Một phần vì mình thích mua ủng hộ bà con đồng bào dân tộc thiểu số và tin tưởng vào chất lượng sản phẩm họ bán. Một lý do khác là để trải nghiệm thêm một góc nhìn đời sống, hiểu hơn vùng đất mà mình chọn là quê hương thứ hai”.
Muôn sắc chợ làng
Song song với sự phát triển của TP. Pleiku, chợ chiều ở làng đầu tiên hình thành gần khu vực trạm cân cũ thuộc địa bàn xã Chư Á. Đây cũng là điểm thu hút nhiều người dân từ nội thành đổ về đây mỗi buổi chiều để “săn” đồ tươi sống thiên nhiên hoặc các rau màu do bà con tự tay trồng hái. Cho đến thời điểm hiện nay, một vài chợ chiều ở làng vẫn duy trì hoạt động nhộn nhịp nhất có thể điểm tên như: chợ làng Ngó, chợ làng Chuét 2, chợ làng Pleiku Roh. Nói về hoạt động của chợ gắn với sự đổi thay về đời sống của bà con làng Ngó, ông Rmah Plunh (04 Nguyễn Hữu Thọ) phấn khởi cho hay: “Nếu như năm 2017 chỉ có vài người trong làng bán rau thì hiện nay, chợ chiều làng Ngó có hơn 30 người buôn bán cố định, đông nhất vẫn là bà con trong làng. Kể từ khi hình thành nên điểm buôn bán trong làng, thu nhập và đời sống của bà con dần thay đổi theo chiều hướng tích cực, có thể lo cho gia đình tốt hơn. Một số loại cây trồng, vật nuôi trong làng như lúa, heo, gà, rau củ do bà con sản xuất có thể yên tâm về đầu ra”.
Kinh tế thuần nông gần như là điểm chung của hầu hết các làng đồng bào dân tộc thiểu số trong thành phố. Theo thời gian, dân số tăng lên, diện tích đất sản xuất ngày càng thu hẹp thì một số bà con đã chuyển hướng lựa chọn buôn bán nhỏ tại chợ chiều để có thêm sinh kế cho gia đình. Trong số đó có chị Rcom H’Hinh-một người buôn bán rau màu tại điểm chợ làng 50. Chia sẻ về lựa chọn của mình, chị Rcom H’Hinh cho biết: “Tôi là người làng Pleiku Roh nhưng lấy chồng ở làng Nang. Gia đình tôi vừa trồng lúa, vừa tranh thủ buôn bán để kiếm thêm tiền trang trải. Mỗi buổi sáng, tôi đưa con về làng để theo học tại điểm trường Đinh Tiên Hoàng. Sau đó tranh thủ dọn hàng ra buôn bán. Gian hàng của tôi có nhiều mặt hàng nhưng một số là của bà con trong làng gửi bán giùm. Hầu hết bà con tranh thủ đi làm buổi sáng, chiều về mới ra chợ buôn bán kiếm thêm thu nhập”.
Rau củ quả tươi bày bán tại chợ làng hầu hết do bà con trong làng tự tay trồng hái. Ảnh: Sơn Ca |
Hoạt động trái buổi với chợ truyền thống, chợ chiều ở các làng thực sự là điểm mưu sinh của nhiều bà con-vốn chỉ dựa vào nguồn thu từ sản xuất nông nghiệp. Không có vốn để thuê sạp cố định ở chợ truyền thống, việc buôn bán ở chợ chiều dù có lúc nắng lúc mưa, lúc được lúc ế song vẫn là lựa chọn tốt nhất có thể. Theo sát hoạt động của chợ chiều làng Chuét 2 từ những ngày sơ khởi là con đường đầy bùn đất cho đến nay được đổ bê tông rộng rãi, sạch sẽ, ông Rah Lan Rưn-Trưởng thôn Chuét 2, phường Thắng Lợi-cho hay: “Điểm họp chợ chiều ban đầu chỉ có có 2-3 hộ trong làng gùi rau đứng bán cho người đi đường. Đất lành chim đậu nên số người bán ngày càng tăng lên, hiện có tầm 30 người bán cố định. Đa phần là bà con làng Chuét 1, Chuét 2, Nha Prông. Kể từ ngày có chợ, bà con thay đổi suy nghĩ cách làm tích cực. Có nhà chồng đi làm nông, vợ học cách buôn bán ở chợ nên thu nhập, đời sống cải thiện rõ nét, trong làng không còn hộ nghèo. Một số nhà đã học cách buôn bán chuyên nghiệp, có sạp cố định ở chợ để kinh doanh”.
Trong lòng đô thị Pleiku vẫn luôn hiện hữu các làng bản địa như sợi dây kết nối giữa quá khứ trăm năm với dòng chảy hiện tại. Làng và những phiên chợ chiều cho dù vô tình hay hữu ý cũng đã trở thành một mảnh ghép sinh động mang đậm hơi thở, bản sắc đời sống của đồng bào bản địa. Chợ chiều ở làng-nơi nhiều người chợt đến một lần để rồi trở lại nhiều lần vì trót mến thương nét dân dã, mộc mạc, thuần phác từ giọng nói, con người, mớ rau tự trồng trong vườn nhà mới được hái ban trưa...