Chợ làng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời đại thương mại điện tử, không phải ra tận chợ mới mua được hàng hóa mà chỉ cần một cú nhấp chuột là có người ship tận nhà. Tiện dụng thật đấy nhưng tôi vẫn thích đi chợ lựa chọn những thứ mình thích hay chỉ để cảm nhận cái không khí mua bán tấp nập đông vui. Cảm giác nhớ là có thật khi tôi phải tạm xa chợ trong một thời gian dài.
Thị trấn nhỏ nên cái chợ cũng nhỏ xinh, gọn gàng. Tuy vậy, chợ vẫn đầy đủ các mặt hàng từ sang trọng cho đến bình dân. Những ngày đi làm, tôi thường có thói quen đi chợ vào sáng sớm để về còn thời gian chuẩn bị sửa soạn nấu nướng cho bữa trưa muộn. Đi chợ sớm cũng dễ mua được thực phẩm tươi ngon. Những lúc đó, trong lòng tôi có đôi chút e ngại vì trời còn tối, đường vắng bóng người, nhất là những ngày đông giá hay mưa dầm. Thế mà khi ra đến chợ thì không khí khác hẳn. Những gian hàng sáng rực ánh đèn tự bao giờ, hàng hóa cũng đã bày biện xong, dập dìu kẻ mua người bán.
Mỗi lần đi chợ sớm, tôi vẫn luôn ấn tượng với những chiếc xe máy chở hàng đi bán ở làng dựng đầy vỉa hè, trước những tiệm uốn tóc còn chưa mở cửa. Trên xe chất đầy thực phẩm chuẩn bị xuất phát. Một thời, tôi sống trong khu tập thể ở trường làng, đường sá khó khăn, phương tiện không có nên rất biết ơn “đội quân hai sọt” này. Ngày ấy, như một thói quen, tầm giờ ra chơi giữa buổi dạy, tôi lại ngóng họ để mua thức ăn. Cái gì họ cũng bán. Hàng có thể dặn trước theo yêu cầu, ngày hôm sau sẽ có. Phải nói họ rất chịu khó, chịu khổ vượt chặng đường gồ ghề sỏi đá, vượt bao con suối đến với bà con vùng sâu, vùng xa. Khi người dân không sẵn tiền mặt thì có thể đổi những thứ có trong nhà như lúa, gạo rẫy, bắp hay gà để lấy thực phẩm, vật dụng. Vậy nên, khi họ ra về thì xe cũng chất đầy những “hàng sạch” đem ra thị trấn bán lại cho những người cần dùng.
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Thực ra, tôi nhớ chợ không chỉ bởi cái cảm giác muốn tự tay lựa chọn những món đồ mình thích mà còn vì nhớ bạn hàng. Tôi có thói quen chỉ mua ở một số bạn hàng nhất định: hàng thịt heo, thịt bò, hàng rau, hàng cá, hàng đồ khô... Quen đến nỗi bạn hàng hầu như thuộc luôn sở thích ăn uống và sử dụng hàng hóa của gia đình tôi. Để hạn chế sử dụng bao bì ni lông ảnh hưởng đến môi trường, khi nào đi chợ, tôi cũng mang theo giỏ. Thịt cá bỏ vào hộp mang sẵn; rau củ quả thì bỏ luôn vào giỏ. Có lúc, chúng tôi còn tranh thủ “tám” chuyện chồng con. Việc đi chợ luôn mang lại cho tôi những niềm vui nho nhỏ như thế.
Là chợ vùng nông thôn nên người dân quê tôi vẫn còn được ăn những thực phẩm tươi ngon sẵn có ở địa phương không cần qua đông lạnh. Thịt bò cỏ chăn thả tự nhiên. Cá đánh dưới sông Ba còn tươi rói. Cua bắt ngoài ruộng béo vàng lổm ngổm bò trong xô. Tôm tép còn nhảy tanh tách trong chậu. Rau nhà vườn chỉ bón bã mì, phân bò và tưới nước giếng. Người dân yên tâm mua thực phẩm sạch tốt cho sức khỏe.
Bên cạnh chợ chính, thị trấn còn thiết kế hẳn một khu “chợ trời” dành cho bà con Jrai bán hàng mà không phải nộp phí. Gọi là “chợ trời” vì khu này không có mái che, chỉ bán vào buổi sáng khi trời còn mát mẻ. Sản phẩm của bà con hoàn toàn tự đánh bắt hoặc trồng trọt được nên mọi người rất ưa chuộng. Mà họ cũng không nhiều hàng, có bao nhiêu bán bấy nhiêu. Đặc biệt, họ không bao giờ nói thách, có trả giá cũng không bán. Tôi vẫn hay mua của họ vì đó cũng là cách giúp họ có thêm thu nhập.
Hôm nay, sau một thời gian dài phải cách ly vì dịch bệnh, tôi lại được ra chợ. Cảm giác thật vui khi có nhiều bạn hàng nhớ ra sự vắng mặt lâu ngày của tôi liền hỏi thăm ríu rít. Tôi nhận ra quan hệ giữa chúng tôi không đơn thuần chỉ là bán và mua mà hơn cả đó là tình cảm thân thương giữa những con người.
MAI HƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Trong dòng chảy báo chí cách mạng

Trong dòng chảy báo chí cách mạng

Trong dòng chảy tròn một thế kỷ của nền báo chí cách mạng Việt Nam, cái tên Thanh Niên luôn mang trên mình một sứ mệnh thiêng liêng; luôn khát khao, ước vọng đồng hành cùng dân tộc trên mọi chặng đường phát triển.

Độc đáo bộ tem thông tin liên lạc - xưa và nay

Độc đáo bộ tem thông tin liên lạc - xưa và nay

Thông tin liên lạc xưa và nay - Bộ tem như tái hiện quá trình phát triển của ngành viễn thông và báo chí, đưa chúng ta quay trở về những ký ức từ thưở sơ khai với con tem đầu tiên dán trên bức thư tay gói giấy cho đến các hình thức liên lạc, các loại hình báo chí hiện đại như ngày nay.

“Tiếp nối truyền thống 100 năm với tinh thần đổi mới, dấn thân và trách nhiệm”

“Tiếp nối truyền thống 100 năm với tinh thần đổi mới, dấn thân và trách nhiệm”

(GLO)- Đó là chỉ đạo của đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại hội nghị “Gặp mặt, biểu dương người làm báo tiêu biểu” và trao Giải Báo chí tỉnh Gia Lai lần thứ XIV diễn ra vào chiều 17-6 tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku).

100 năm đồng hành cùng dân tộc

100 năm đồng hành cùng dân tộc

(GLO)- Chúng ta tự hào đã có một nền Báo chí cách mạng với thế hệ những nhà báo-chiến sĩ vừa cầm bút, vừa cầm súng ở tuyến đầu, sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc, với hơn 500 nhà báo là liệt sĩ, nhiều nhà báo mang thương tật suốt đời nhưng vẫn không ngừng lao động, cống hiến cho đất nước, Nhân dân.

Báo chí trong thời đại AI

Báo chí trong thời đại AI

(GLO)- Sẽ không quá khi nói rằng, chúng ta đang ngày ngày hít thở trong bầu không khí “số”. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ nói chung và trí tuệ nhân tạo (AI) đang đưa các ngành nghề vào cuộc chạy đua để không bị tụt hậu. Báo chí càng không ngoại lệ.

 Siu Thu - “Giọng đọc không tuổi”

Siu Thu - “Giọng đọc không tuổi”

(GLO)- Phát thanh viên là người góp phần làm nên chiều sâu cảm xúc cho khán thính giả. Có những giọng đọc qua năm tháng đã trở thành ký ức trong lòng người nghe. Trong số đó, biên dịch viên, phát thanh viên tiếng Bahnar Siu Thu của Báo Gia Lai được ví là “giọng đọc không tuổi”.

null