Nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu các bộ, ngành thực hiện rà soát, các dự án chậm tiến độ, chỉ rõ nguyên nhân và biện pháp xử lý.
Nhiều dự án lớn chưa được khởi công
Trong thời gian qua, Chính phủ đã nỗ lực xây dựng và điều chỉnh các văn bản pháp luật nhằm tạo điều kiện tối đa cho phát triển sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, việc triển khai nhiều dự án lớn còn chậm, trong 2 năm 2016-2017 có rất ít dự án lớn được khởi công xây dựng để góp phần phát triển kinh tế đất nước.
Công trình xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, đoạn tiếp giáp với đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương. |
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành thực hiện rà soát các dự án chậm tiến độ, chỉ rõ nguyên nhân và biện pháp xử lý để đẩy nhanh tiến độ triển khai.
Đồng thời rà soát các dự án sắp hoàn thành thủ tục đầu tư, khẩn trương tháo gỡ vướng mắc để trong năm 2018 có thể khởi công xây dựng một số dự án lớn, đảm bảo an toàn, chất lượng, hiệu quả, đúng pháp luật, góp phần thúc đẩy sản xuất - kinh doanh và tăng trưởng kinh tế.
Theo đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương có các giải pháp đồng bộ triển khai hệ thống đường bộ vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trước mắt, cần có ngay các giải pháp đẩy nhanh xây dựng đoạn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ.
Địa phương cần chia sẻ khó khăn chung cùng Chính phủ
Trước đó, tháng 6-2017, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ban, ngành Trung ương, các nhà đầu tư đang triển khai các dự án BOT, các ngân hàng thương mại và lãnh đạo UBND các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhằm giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Được biết, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng kinh tế trọng điểm của cả nước. Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm đầu tư phát triển về cơ sở hạ tầng và các địa phương đã chủ động đầu tư góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, nâng cao năng lực sức cạnh tranh của vùng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Hệ thống đường không, đường thủy và đường bộ đều đã được quy hoạch, phát triển đồng bộ tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông trong vùng.
Tuy nhiên, hệ thống giao thông của vùng có phát triển nhưng còn chậm, vì thế cần tập trung đầu tư mới cũng như nâng cấp hệ thống giao thông để đảm bảo giao thông thông suốt cả vùng với khu vực TP Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, việc triển khai các dự án ưu tiên còn chậm, không đạt yêu cầu thực tiễn, gây bức xúc tại các địa phương; trong đó, có nút thắt lớn nhất là đoạn cao tốc Cần Thơ - TP Hồ Chí Minh, Quốc lộ 60..
Theo đó, nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu đầu tư rất lớn nhưng khả năng thì có hạn nên các địa phương cần chia sẻ với khó khăn chung của Chính phủ. Cũng do khó khăn về nguồn vốn mà hiện nay mà toàn vùng đang triển khai dở dang 26 dự án với tổng nguồn vốn 88.000 tỷ đồng, nhưng mới chỉ huy động được khoảng 20.000 tỷ đồng từ ngân sách, tương đương với 30%, trong khi không thể vay nhiều hơn từ vốn nước ngoài vì sẽ vượt trần nợ công.
Ngoài ra, các cơ chế chính sách liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng như: giá, lãi suất, công tác đấu thầu, nguồn nguyên liệu khan hiếm (như cát nền)... cũng đang làm ảnh hưởng, gây chậm tiến độ triển khai các dự án, gây khó khăn cho các nhà đầu tư, cần được các Bộ, ngành tập trung tháo gỡ khó khăn, chỉnh sửa.
Vì vậy, chỉ đạo của Chính phủ về việc rà soát đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư sẽ tiếp tục là những chất xúc tác quan trọng nhằm cải thiện tiến độ các dự án đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng và thúc đẩy sự phát triển kinh tế đất nước.
Ngọc Hà/chinhphu