Chiếc gùi của mẹ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chiếc gùi của mẹ sao mà thân thương lạ! Gùi được đan bằng mây tre, mềm dẻo, chắc chắn và nhẹ nhàng, gắn bó máu thịt với người mẹ như chân với tay, như anh em một nhà.
Ngày bé còn nhỏ xíu, mẹ lên rẫy, cho bé theo cùng. Lúc đi, bé ở trong gùi, ló đầu ra ngoài, mở to đôi mắt tròn xoe, ngắm nhìn ánh nắng lấp lánh trên cành lá, ngạc nhiên thấy đất trời mênh mông trong xanh vời vợi. Bé lắng nghe nhịp thở và bước chân mẹ, lắng nghe tiếng chim ríu rít vọng về từ cánh rừng phía trước. Bé thích thú đứng dậy, vịn tay vào thành gùi, cảm nhận được tình cảm chở che nồng ấm của gùi nơi lưng mẹ. Chiều về, đằng trước, bé nằm nép vào ngực mẹ, đằng sau là chiếc gùi chứa đầy rau măng và hoa quả. Đến nhà, mẹ đặt gùi xuống sàn, nựng bé trong đôi tay êm dịu. Mẹ nhìn bé, nhìn gùi, ánh mắt rạng ngời hạnh phúc.
 Minh họa: HUYỀN TRANG
Minh họa: HUYỀN TRANG
Gùi cõng về nhà nào bắp, nào lúa, nào khoai cho bé ăn no chóng lớn, gùi đưa về quần áo, sách vở từ chợ xa cho bé đến trường. Bài văn đầu tiên về một đồ vật thân thuộc, gần gũi, bé nắn nót ghi từng chữ: Chiếc gùi của mẹ.
Rồi bé lớn lên thành chàng trai ngực vạm vỡ như núi, cánh tay rắn chắc như lõi lim rừng, giọng nói ầm ào như thác, trái tim rộn ràng sức trẻ. Chàng xé rừng tìm những cây mây dẻo dai săn chắc và đẹp nhất để chuốt đan gùi tặng người thương. Đêm ấy, núi rừng reo ca khi chàng nắm tay cô gái đi bên suối, trên lưng cô là chiếc gùi mới còn thơm mùi nhựa rừng. Ánh trăng lấp lánh, lấp lánh nơi đôi mắt chàng trai cô gái, lấp lánh nơi màu vàng đượm của gùi thủy chung-tín vật của tình yêu đôi trẻ.
Mùa xuân, họ thành vợ chồng, sinh con đẻ cái, gùi lại rộng lượng, dịu dàng mở lòng đón bé con lên nương rẫy.
Cứ thế, từ lâu, lâu lắm, chiếc gùi, vật dụng giản dị, quen thuộc và đơn sơ đã sẻ chia niềm vui nỗi buồn, thảnh thơi và nhọc nhằn của mẹ. Trong sâu thẳm tâm hồn mình, người làng ai cũng coi gùi là bạn, người bạn thân thiết, dịu hiền, thủy chung, tận tụy.
 ĐẶNG MINH SÁNG
 
Ứng dụng Báo Gia Lai đã lên 2 kho ứng dụng:
 - Google Play: http://bit.ly/2PcYBHy
 - App Store: https://apple.co/2W9SmGa

Có thể bạn quan tâm

Xây dựng nghị định về khuyến khích phát triển văn học là cần thiết

Xây dựng nghị định về khuyến khích phát triển văn học là cần thiết

Ngày 4-4, tại Hà Nội, Bộ VH-TT-DL tổ chức hội thảo lấy ý kiến xây dựng Nghị định về khuyến khích phát triển văn học. Đây là một bước quan trọng nhằm tạo dựng hành lang pháp lý hỗ trợ nền văn học Việt Nam phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0.

“Gạn đục khơi trong” để phát triển văn hóa

“Gạn đục khơi trong” để phát triển văn hóa

(GLO)- Sau nửa thế kỷ đất nước thống nhất, đời sống văn hóa tại nhiều ngôi làng Bahnar, Jrai có nhiều đổi mới, nhất là xóa bỏ những gánh nặng liên quan đến hủ tục. Nhưng để bảo tồn những giá trị cốt lõi của văn hóa vẫn là một hành trình cần “gạn đục khơi trong”.

Chuyện học trong một gia đình trí thức Jrai

Chuyện học trong một gia đình trí thức Jrai

(GLO)- Sinh ra trong một gia đình trí thức người Jrai ở thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai), cô Kpă H’Nina-Giáo viên môn Tiếng Anh ở Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (huyện Ia Grai) không chỉ được rèn giũa tinh thần ham học, mở mang kiến thức mà còn được thừa hưởng vẻ đẹp của cả bố và mẹ.

Sáng tạo văn học nghệ thuật: Hành trình không đơn độc

Sáng tạo văn học nghệ thuật: Hành trình không đơn độc

(GLO)- Mặc nhiên, việc sáng tạo văn học nghệ thuật luôn mang tính độc lập và tự giác cao độ của mỗi văn nghệ sĩ, nhưng hành trình ấy sẽ không đơn độc nếu có sự dìu dắt chân tình của người đi trước. Tại phố núi Pleiku, nhiều tác giả trẻ đã tìm được điểm tựa tinh thần đáng quý như thế.