Chiếc áo tơi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những ngày mưa bão, tôi đưa đón cháu nội đến trường. Lặng nhìn các sắc màu áo mưa sặc sỡ của các cháu, tôi chợt nhớ những ngày xưa đi học với chiếc áo tơi chằm bằng lá rừng.
Những năm 60-70 của thế kỷ trước, khi mùa đông đến, ba tôi lại vào rừng tìm lá kè hoặc lá đùng đình về kết thành những chiếc áo tơi dùng che mưa nắng cho cả nhà.
Bó lá kè hái về được ba lựa cẩn thận để chọn những chiếc lá còn nằm trong búp non, thường bằng cổ tay người lớn, dài chừng 40 cm trở lên. Sau đó, đem phơi nắng nguyên búp để có màu trắng đẹp. Đến lúc khô, dùng tay xòe búp ra như cánh quạt, tước theo biên sống lá sẽ có những bẹ lá rộng chừng vài đốt ngón tay. Ba tỉ mẩn khâu lại các bẹ lá bằng những sợi mây vót nhỏ, đan thành những tấm như lợp mái nhà, xếp lên nhau, phía biên trên xâu sợi dây để khi đeo áo tơi lên người sẽ cố định trên cổ và lưng.
Lá đùng đình chỉ lớn hơn bàn tay xòe, ba chọn những lá già còn nguyên chưa bị rách rồi hái về phơi khô, vuốt thẳng, xâu lại từng chuỗi. Sau đó, ba đan xếp từng tấm dài lá đùng đình và kết lên chiếc sườn áo tơi từ dưới lên trên như lợp mái nhà, thành một tấm áo tơi hình chữ nhật. Khi làm xong, cuộn lại treo trên gác bếp. Tùy thuộc vào chiếc áo cho người lớn hay trẻ em mà cắt xén theo độ rộng, dài, ngắn cho vừa. Màu lá lúc đầu xanh, khi khô chuyển sang màu xám đậm. Một chiếc áo tơi lá có thể sử dụng cho mùa nắng thì mát, mùa mưa thì ấm, độ bền đến 3-4 năm.
Ảnh minh họa: Minh Chiến
Ảnh minh họa: Minh Chiến
Nói là chiếc áo nhưng cũng chỉ là một mảnh lá kết lại, khi cuộn lại thành vòng tròn quanh người, khoét một lỗ trống ở biên để buộc sợi dây tròng vào cổ. Phía chân tơi được đan rút ngắn hơn phần thân để ôm vừa với người. Chiếc áo đơn sơ nhưng khi tròng vào người, vừa chống mưa, vừa chống lạnh, có thể xoay áo quanh mình để cản hướng gió mưa khỏi ướt, rất tiện.
Nhớ những ngày ba má ra đồng nhổ cỏ, cấy lúa, chiếc áo tơi lá trên lưng nhìn xa như những chiếc nấm chuyển động. Chiếc áo vừa che mưa, giữ thân nhiệt những hôm gió lạnh và làm mát khi trời nắng gắt. Ngày mùa, mọi người nghỉ trưa trên bờ ruộng, những chiếc áo tơi được trải úp, kết lại thành chiếu lá, bày thức ăn cùng chung vui. Để ngả lưng nghỉ ngơi trong chốc lát, chiếc áo tơi lại làm chiếc chiếu đỡ lưng và chiếc nón úp lên mặt che ánh nắng mặt trời giúp người nông dân có giấc ngủ nhanh để lấy sức làm việc buổi chiều. Chiếc áo tơi sau khi đã hỏng được cắm lên bờ ruộng, đầu đội một chiếc nón cời đứng dang tay để làm con bù nhìn xua đuổi chim, chuột.
Những ngày đi học mùa mưa bão, chiếc áo tơi của nhóm học sinh tiểu học chúng tôi được mắc xung quanh vách nứa của lớp học. Trên nón, dưới áo, nhìn xa giống như những ụ nấm bao quanh vách lớp. Sau đó vài năm, những chiếc áo tơi bằng ni lông xuất hiện, có mũ có tay nhưng chỉ những nhà có điều kiện mới mua cho con mặc đi học. Riêng tôi vẫn chiếc áo mà ba đã đan, mặc cho vài tiếng trêu đùa: “Con cúm núm di động!”.
Trong bối cảnh ngày trước, đất nước còn khó khăn, những chiếc áo tơi lá một thời đã gắn bó bao thế hệ với nhiều tiện ích. Dù thời gian có làm cho mẫu mã chiếc áo mưa thay đổi nhưng những hình ảnh gần gũi, thân thương của chiếc áo tơi lá một thời vẫn ghi lại trong tôi nhiều cảm xúc.
AN SINH

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Tranh minh họa (nguồn internet).

Thơ Đại Dương: Kính rượu thầy giáo cũ

(GLO)- Bài thơ "Kính rượu thầy giáo cũ" của tác giả Đại Dương chứa đựng nhiều tình cảm và lòng tri ân sâu sắc. Mỗi câu thơ là hình ảnh rất chân thật về một thời gian khó cắp sách đến trường, về những hy sinh thầm lặng của thầy giáo và cả sự khắc khoải, trăn trở của người học trò đã trưởng thành...

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

Thơ Từ Dạ Linh: Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

(GLO)- "Tặng em nỗi nhớ ngược chiều" của Từ Dạ Linh mang vẻ đẹp mộc mạc, đầy hoài niệm về tuổi thơ, về những khoảnh khắc hồn nhiên mà người ta thường dễ dàng quên đi. Ẩn chứa trong đó cũng là nỗi nhớ, sự lưu luyến về tình yêu đầu đời với những xúc cảm tinh khôi, thuần khiết...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.