Nghệ sĩ Hùng Hoa Lư: 70 tuổi vẫn dành trọn đam mê với nghệ thuật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tận tâm, tận lực với nghệ thuật, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hùng Hoa Lư không gây bất ngờ khi vừa ra mắt một triển lãm tranh cá nhân. Nhưng nhiều người không khỏi nể phục khi biết rằng triển lãm diễn ra khi ông đã chạm mốc 70 tuổi.

1h.jpg
Nghệ sĩ Hùng Hoa Lư (thứ 2 từ trái sang) và các khách mời tại triển lãm. Ảnh: Quốc Nguyễn

Sáng 9-5, tại khuôn viên Thiền viện Trúc Lâm Tây Nguyên (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) đã diễn ra triển lãm tranh với chủ đề “Mắt núi” của Nghệ sĩ nhiếp ảnh-họa sĩ Hùng Hoa Lư. Đây là triển lãm tranh cá nhân đầu tiên được ông trình làng sau gần 40 năm âm thầm lên kế hoạch. Chọn tổ chức tại Thiền viện Trúc Lâm Tây Nguyên, triển lãm của nghệ sĩ Hùng Hoa Lư nhằm chào mừng thành công Đại lễ Phật đản Vesak Liên hợp quốc 2025.

Từng có thời gian theo học nghề vẽ, nghệ sĩ Hùng Hoa Lư chuyển sang làm nghề ảnh dịch vụ rồi “lấn sân” chơi ảnh nghệ thuật. Ông liên tục được vinh danh tại các cuộc thi nhiếp ảnh trong nước và quốc tế. Chính góc nhìn của một họa sĩ đã giúp ông có được những góc máy đặc sắc trong nhiếp ảnh. Song đâu đó, nỗi nhớ dành cho nghệ thuật hội họa vẫn âm ỉ.

Vài năm trước, khi chứng kiến công cụ AI chỉnh sửa ảnh theo những cách không thể tin nổi, ông quyết định quay lại với cây cọ vẽ. Bên những khung tranh, khay màu, người nghệ sĩ mong được tìm về với những gì chân thật nhất.

“Chân thật đến từng sợi lông mi, lông măng”-ông vừa trò chuyện, vừa chỉ vào những bức tranh mà mình gò lưng có khi đến cả tháng trời để hoàn thiện.

Triển lãm trưng bày 56 tác phẩm với đủ chất liệu: sơn dầu, acrylic, tranh đồ họa, tranh ghép gỗ, tranh bút lửa… được ông chú tâm hoàn thành trong suốt 3 năm qua. Với phong cách tả thực, tranh ông mang cảm hứng chủ đạo về thiên nhiên rộng lớn và con người Tây Nguyên phóng khoáng, hồn hậu. Ngắm những bức “Biển Hồ mùa nước đầy”, “Thác Phú Cường”, “Miền hạnh phúc”, “Ngày về”… người thưởng lãm càng thêm yêu đất trời Tây Nguyên bình dị mà say đắm.

2tac-pham-me-nui-duoc-trung-bay-tai-trien-lam.jpg
Tác phẩm "Mẹ núi" được trưng bày tại triển lãm. Ảnh: P.D

Cùng với đó, các tác phẩm “Mẹ núi”, “Nỗi buồn của rừng”, “Âm thanh tháng 3”, “Tái sinh”… là lời bày tỏ của tác giả về sự gắn bó sâu sắc với con người vùng đất Tây Nguyên. Trong hầu hết tác phẩm, đôi mắt là “đối tượng” được chú ý đặc tả, từ ánh mắt trầm tư của người già đến nét long lanh, trong sáng của trẻ thơ.

Nghệ sĩ Hùng Hoa Lư chia sẻ: “Những bước chân rong ruổi qua các buôn làng Bahnar, Jrai, qua những triền đồi gió hú, những khu rừng nguyên sinh, những mái nhà sàn mộc mạc và đôi mắt trầm lặng của đồng bào nơi đây... trở thành nguồn cảm hứng bất tận, là chất liệu sống động hình thành triển lãm mỹ thuật Mắt núi”.

Nghệ sĩ chia sẻ thêm: “Mắt núi không chỉ là những bức tranh mà còn là ký ức, là tình cảm, là hơi thở của Tây Nguyên-nơi núi vẫn nhìn chúng ta bằng ánh mắt lặng thầm, bao dung”. Từ tình yêu và sự tôn kính đối với đất trời và con người Tây Nguyên, nghệ sĩ Hùng Hoa Lư mong mỏi mỗi người khi đến với triển lãm có thể tìm thấy một góc riêng để lắng nghe, cảm nhận và thêm yêu vùng đất thấm đẫm bản sắc.

3nguoi-thuong-lam-thich-thu-voi-cac-tac-pham-cua-nghe-si-hundg-hoa-lu.jpg
Người thưởng lãm thích thú với các tác phẩm của nghệ sĩ Hùng Hoa Lư. Ảnh: P.D

Người xem không khỏi ấn tượng trước 2 tác phẩm thể hiện niềm mong mỏi của đồng bào Tây Nguyên được một lần đón Bác Hồ vào thăm buôn làng. Đó là bức “Cồng chiêng đón Bác” và “May áo cho Người” với những nét vẽ vô cùng sống động, chân thật. Nghệ sĩ cho hay: Riêng bức “May áo cho Người” ông sẽ dành tặng Bảo tàng tỉnh sau triển lãm.

Chị Trần Thị Lan Phương-Giáo viên môn Tiếng Anh tại TP. Pleiku-không giấu niềm cảm phục khi đến với triển lãm. “Nghệ sĩ Hùng Hoa Lư quả là người có đam mê và tâm huyết với nghệ thuật. Ở độ tuổi này mà ông còn lao động sáng tạo như vậy là rất đáng nể. Tôi rất thích tranh của ông, chúng đa dạng về chất liệu, làm bật lên chủ đề về vùng đất, con người Tây Nguyên”-chị Phương nói.

Nhà thơ Đào An Duyên cũng xúc động bày tỏ: “Triển lãm hoành tráng và chuyên nghiệp. Khung cảnh tĩnh lặng của khuôn viên Thiền viện Trúc Lâm Tây Nguyên càng khiến người xem lắng hồn bước vào thế giới riêng của nghệ thuật. Tôi quý thái độ lao động sáng tạo của Nghệ sĩ nhiếp ảnh-họa sĩ Hùng Hoa Lư, làm gì cũng chuyên nghiệp và chỉn chu. Ở độ tuổi 70 mà ông vẫn lao động hăng say, khiến thế hệ sau như chúng tôi phải tự hỏi mình sao có thể chây ì, không tiếp tục cố gắng?”.

Triển lãm “Mắt núi” của nghệ sĩ Hùng Hoa Lư sẽ diễn ra đến hết ngày 13-5. Không chỉ trao đi cảm xúc về cái đẹp mà triển lãm này chắc chắn còn truyền cảm hứng mạnh mẽ về tinh thần lao động sáng tạo nghệ thuật bền bỉ đến người thưởng lãm.

Có thể bạn quan tâm

Trong dòng chảy báo chí cách mạng

Trong dòng chảy báo chí cách mạng

Trong dòng chảy tròn một thế kỷ của nền báo chí cách mạng Việt Nam, cái tên Thanh Niên luôn mang trên mình một sứ mệnh thiêng liêng; luôn khát khao, ước vọng đồng hành cùng dân tộc trên mọi chặng đường phát triển.

Độc đáo bộ tem thông tin liên lạc - xưa và nay

Độc đáo bộ tem thông tin liên lạc - xưa và nay

Thông tin liên lạc xưa và nay - Bộ tem như tái hiện quá trình phát triển của ngành viễn thông và báo chí, đưa chúng ta quay trở về những ký ức từ thưở sơ khai với con tem đầu tiên dán trên bức thư tay gói giấy cho đến các hình thức liên lạc, các loại hình báo chí hiện đại như ngày nay.

“Tiếp nối truyền thống 100 năm với tinh thần đổi mới, dấn thân và trách nhiệm”

“Tiếp nối truyền thống 100 năm với tinh thần đổi mới, dấn thân và trách nhiệm”

(GLO)- Đó là chỉ đạo của đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại hội nghị “Gặp mặt, biểu dương người làm báo tiêu biểu” và trao Giải Báo chí tỉnh Gia Lai lần thứ XIV diễn ra vào chiều 17-6 tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku).

100 năm đồng hành cùng dân tộc

100 năm đồng hành cùng dân tộc

(GLO)- Chúng ta tự hào đã có một nền Báo chí cách mạng với thế hệ những nhà báo-chiến sĩ vừa cầm bút, vừa cầm súng ở tuyến đầu, sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc, với hơn 500 nhà báo là liệt sĩ, nhiều nhà báo mang thương tật suốt đời nhưng vẫn không ngừng lao động, cống hiến cho đất nước, Nhân dân.

Báo chí trong thời đại AI

Báo chí trong thời đại AI

(GLO)- Sẽ không quá khi nói rằng, chúng ta đang ngày ngày hít thở trong bầu không khí “số”. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ nói chung và trí tuệ nhân tạo (AI) đang đưa các ngành nghề vào cuộc chạy đua để không bị tụt hậu. Báo chí càng không ngoại lệ.

 Siu Thu - “Giọng đọc không tuổi”

Siu Thu - “Giọng đọc không tuổi”

(GLO)- Phát thanh viên là người góp phần làm nên chiều sâu cảm xúc cho khán thính giả. Có những giọng đọc qua năm tháng đã trở thành ký ức trong lòng người nghe. Trong số đó, biên dịch viên, phát thanh viên tiếng Bahnar Siu Thu của Báo Gia Lai được ví là “giọng đọc không tuổi”.

null