Chàng trai cụt 2 chân kể chuyện trăm năm đẹp như một giấc mơ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
'Ngày 20-9 tụi mình chụp ảnh cưới và 16-10 tới sẽ làm đám cưới', hạnh phúc hiện rõ trên gương mặt Tô Đình Khánh, chàng trai từng bị cắt cụt 2 chân ở tuổi thanh xuân tươi đẹp nhất.
Vươn dậy sau những tháng ngày luôn nghĩ cách tìm đến cái chết để giải thoát cho bản thân và cho gia đình, nay gặp chúng tôi, Tô Đình Khánh (29 tuổi, hiện sống tại TP.HCM) như lột xác khi kể về cuộc sống hạnh phúc và chuyện trăm năm đẹp như một giấc mơ với cô gái vô cùng xinh đẹp. Một trang đời mới thật tươi đẹp đã mở ra với Khánh từ sau khi anh gượng dậy, sống thật tốt, thật lạc quan và tử tế.
Khánh hạnh phúc nói: “Khi mình sống tốt với cuộc đời, những điều tốt đẹp đến với mình nhiều hơn cả sự mong đợi. Công việc cũng tốt lên và mình có thể lo kinh tế cho cả gia đình, hành trình sống, phấn đấu của mình được mọi người yêu mến, họ lấy mình như động lực để khi nào gặp khó khăn dựa vào đứng dậy. Và mình cũng không tin là mình lấy được vợ, không tin mình may mắn đến như vậy, như một câu chuyện cổ tích”.

Giờ đây cuộc đời Khánh đã có thêm Thương, người vợ hiền và xinh đẹp. Ảnh: Nữ Vương
Giờ đây cuộc đời Khánh đã có thêm Thương, người vợ hiền và xinh đẹp. Ảnh: Nữ Vương
Thầm cảm ơn những nỗi đau
Cách đây 4 năm, ở độ tuổi tươi đẹp nhất của cuộc đời, biến cố bỗng ập đến và Khánh đã phải cắt bỏ cả đôi chân. Đến giờ, Khánh không nhớ nổi đã bao nhiêu lần nghĩ đến cái chết và tìm cách kết thúc cuộc đời mình.
Lúc còn nằm trên giường bệnh, thấy mọi người chăm sóc mình quá cực khổ, Khánh nghĩ mình sống làm gì nữa khi mà chỉ làm khổ mọi người, nên muốn giải thoát cho bản thân và người nhà. Nhiều lần Khánh nghĩ: “Hay mình giật hết dây truyền này đi, chắc là sẽ chết được”. Lúc xuất viện về nhà, gia đình sợ Khánh nghĩ quẩn nên không dám để anh ở một mình. Khi đó Khánh chỉ mong mẹ đi chợ để có cơ hội ra ban công nhảy xuống tự tử, hay lấy dây thép cắm vào ổ điện để tự giải thoát mình…
Nhưng rồi, đến tết năm 2019, Khánh thay đổi suy nghĩ. Khánh không thể nào quên được hình ảnh của ba mình, một người đàn ông trải qua biết bao sương gió cuộc đời, đã bật khóc khi thắp hương cho ông bà trong mâm cơm cúng ngày tết. Đó là cái tết đầu tiên Khánh không còn đôi chân.
“Mình hiểu được nỗi đau mà gia đình đang trải qua, một người đàn ông mà bật khóc lên như vậy thì chắc chắn đang rất đau khổ. Nên ngay lúc đó, mình nghĩ nếu cứ ủ rũ, bi quan mãi thì gia đình sẽ càng đi xuống, nên mình phải gượng dậy, ít nhất là phải vui vẻ trở lại để ba mẹ bớt buồn”, Khánh nhớ lại.

 
Trước khi biến cố ập đến, Khánh đang còn nợ ngân hàng khoản vay để khởi nghiệp, rồi sau đó là vay để chữa trị bệnh tật, nên thời điểm đó gia đình Khánh nợ nần chồng chất, tinh thần suy sụp, các em cũng phải bỏ hết mọi việc để lo cho Khánh. Thấy thế, Khánh tự nhủ mình phải sống, phải gượng dậy để cứu chính bản thân và gia đình.
Khánh bắt tay vào việc kinh doanh trực tuyến. Thời gian đầu rất khó khăn nhưng bằng sự cố gắng và quyết tâm, sau hơn 1 năm Khánh đã trả được hết nợ cho gia đình. Tiếng cười và tâm trạng vui vẻ cũng đã trở lại với gia đình.
“Giờ khi nhắc nỗi đau mà mình không khóc nữa thì tức là nó đã bình thường với mình rồi. Nhiều khi mình thầm cảm ơn những nỗi đau vì đã giúp thay đổi mình, giúp mình nhận ra được nhiều điều, trân trọng hơn nhiều thứ, biết sống có ý nghĩa và làm nhiều điều tốt đẹp hơn cho xã hội”, chàng trai đầy nghị lực chia sẻ.
Sẻ chia yêu thương
Ngồi nói chuyện trên chiếc xe lăn, thỉnh thoảng Khánh trở mình một lần, vì không thể ngồi quá lâu. Khánh bảo: “Vết thương đến giờ vẫn còn đau, nhưng là di chứng suốt đời rồi và mình phải chịu. Mỗi lần trái gió trở trời là đau nhức, hành mình rất mệt, nhưng nỗi đau về thể xác có là gì đâu. Lúc mình mới tỉnh dậy sau khi cắt cụt đôi chân, lúc đó nỗi đau về tinh thần còn lớn hơn rất nhiều và lấn át tất cả”.

Chuyện tình của Khánh và Thương đẹp như câu chuyện cổ tích. Ảnh: NVCC
Chuyện tình của Khánh và Thương đẹp như câu chuyện cổ tích. Ảnh: NVCC
Sức khỏe Khánh đã tốt lên rất nhiều, mấy năm trước phải uống thuốc thường xuyên nhưng nửa năm nay bác sĩ bảo đã ổn và đã cho dừng uống thuốc. Việc kinh doanh trực tuyến của Khánh cũng ngày càng phát triển, với số lượng đơn đặt hàng ngày càng tăng. Khánh không chỉ tự chủ được cuộc sống mà còn lo được kinh tế cho gia đình và tạo công ăn việc làm cho nhiều nhân công khác.
Từ chính nỗi đau đã vượt qua, điều mà Khánh mong muốn nhất là cùng lan tỏa và sẻ chia. Khánh lập Quỹ thiện nguyện “Đình Khánh và những người bạn”, tổ chức rất nhiều chuyến đi hỗ trợ các mái ấm, những hoàn cảnh khó khăn vì kinh tế, bệnh tật…
“Khi mình gặp biến cố đã được mọi người quan tâm, giúp đỡ, nên mình luôn nghĩ nếu sau này khỏe lại, mình sẽ mang những điều tốt đẹp đó chia sẻ đến các hoàn cảnh kém may mắn hơn mình. Mình hiểu được khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn, nếu được người khác chìa tay cho mình nắm thì đó chính là động lực lớn để có thể gượng dậy, vì chính mình đã từng như vậy”, Khánh tâm sự.
Khánh còn thường xuyên tham gia các buổi nói chuyện, truyền cảm hứng cho người trẻ từ chính cuộc đời mình: “Những món quà mình mang đến không lớn nhưng mang lại cho mọi người sự lạc quan, nghị lực sống. Mình muốn thay đổi, đặc biệt là những bạn trẻ trong cuộc sống nhiều áp lực hiện nay. Ít ra là nhìn vào hình ảnh của mình, biết đến câu chuyện của mình, các bạn sẽ hiểu vì sao một người không chân mà có thể làm được như vậy, có thể vượt qua và thay đổi cuộc sống như vậy, từ đó sẽ mang lại niềm tin cho mọi người”.
Và mỗi ngày Khánh luôn nhận được những tin nhắn cảm ơn từ rất nhiều người. Đọc được những tin nhắn đó, Khánh hạnh phúc thấy mình đang tạo ra một giá trị gì đó cho xã hội. Chính câu chuyện và hành trình sống của Khánh đã giúp thay đổi cuộc đời của nhiều người.

Hạnh phúc mỉm cười
Hạnh phúc mỉm cười
Sau những tháng ngày khóc cạn nước mắt vì thương con, cứ tưởng con sẽ không sống nổi, nhưng nào ngờ Khánh không chỉ vượt qua mà còn vươn lên trong cuộc sống, cô Trần Thị Nhiên không thể diễn tả hết được sự hạnh phúc của mình. “Không ai nghĩ Khánh có thể sống được, đến cả bác sĩ còn bảo không nói trước được gì, thậm chí ở quê đã tính đến chuyện lo tang sự. Thế nhưng không những con đã sống mà còn vươn lên để làm ăn, lo được kinh tế cho cả nhà. Tuy nhiên, điều tôi lo nhất sau khi con đã vượt qua được biến cố là sau này về già một thân một mình, đau ốm không người chăm lo, bầu bạn. Vậy mà giờ con sắp lấy vợ, mừng và hạnh phúc lắm”, cô Nhiên rưng rưng nói.
Chuyện tình của Khánh và vợ sắp cưới như một câu chuyện cổ tích mà chính anh cũng không dám tin là sự thật. Ý trung nhân của Khánh là Trần Thị Thương (quê Bình Định). Khi Thương còn đang làm việc tại Nhật thì vô tình biết được câu chuyện của Khánh trên mạng. Rung cảm trước nghị lực phi thường của Khánh, Thương đã quyết định bỏ ngang công việc đang nhiều cơ hội phát triển để về nước gặp gỡ và tìm hiểu chàng trai không chân ấy.
“Lúc đầu nhắn tin với nhau mình cứ nghĩ là trò chuyện cho vui thôi, không dám nghĩ xa xôi vì nó không thực tế. Sau thời gian nói chuyện với nhau thì cô ấy quyết định từ bỏ mọi thứ để về nước, mình mơ hồ nghĩ hay là cô ấy có ý định tìm hiểu mình? Nhưng hy vọng đó lại bị che khuất bởi ý nghĩ chắc chỉ là thời khắc bất chợt cô ấy ngưỡng mộ mình, biết đâu khi gặp nhau cô ấy thay đổi thì sao?”, Khánh chia sẻ.
Trước lúc Thương về Việt Nam, Khánh đã nói với cô: “Nếu mà quen anh thì em phải chịu rất nhiều thử thách. Một người xinh đẹp như em rất dễ tìm được một người tốt hơn anh nhiều”. Nhưng Thương vẫn rất quyết tâm. Đến khi gặp nhau, Khánh lại hỏi Thương một lần nữa: “Nhìn thấy anh rồi em có sốc không? Có thể chấp nhận ở bên một người không có chân như vậy không? Có rất nhiều khó khăn, và là khó khăn hằng ngày mà em phải đối diện”.
Nhưng với Thương, như là duyên phận, ngay từ lần đầu nhìn thấy Khánh trên mạng, hình ảnh của Khánh cứ hiện mãi trong tâm trí cô suốt mấy năm liền.
Thương nhớ lại: “Khi em nhìn thấy hình ảnh của anh Khánh, em cứ luôn suy nghĩ anh ấy mất đi một phần thân thể chắc là đau lắm, đau cả về thể xác đến tinh thần. Lúc đầu em thấy được sự lạc quan, mạnh mẽ của ảnh, sau này tiếp xúc thì thấy ở chàng trai này còn rất nhiều điểm tốt hơn nữa. Ở bên anh ấy, em thấy ấm áp và bình yên, từ những điều nhỏ nhất mà anh ấy suy nghĩ và quan tâm đến em”.
Từng một lần tan vỡ trong tình yêu, Thương nhận ra khi người đàn ông biết suy nghĩ cho người khác, có trái tim biết cảm nhận và yêu thương thì cuộc sống tự nhiên sẽ ấm áp chứ không phải phụ thuộc vào hình thể.
“Người đàn ông biết lắng nghe, biết yêu thương, thấu hiểu thì đâu phải là từ đôi chân, đôi tay hay hình thể của người đó, mà xuất phát từ trái tim. Lúc em ốm đau không tự dậy rửa mặt được, nếu người bình thường đi lấy nước sẽ rất nhanh, còn anh ấy phải lấy thau nước bỏ khăn đó vào rồi dùng tay đẩy đi tới để lau mặt cho em. Lúc đó em cảm nhận được ảnh còn mệt hơn cả mình, nhưng chính tình cảm đã giúp người đàn ông ấy luôn có cách để chăm sóc và quan tâm cho người mình yêu thương”, Thương hạnh phúc kể.
Chỉ sau 5 tháng vừa quen và tìm hiểu nhau, cả hai quyết định đi đến hôn nhân. Mới đây, lúc đi thử váy cưới, khi tấm rèm vừa kéo ra, Thương - một cô dâu xinh đẹp như hoa với nụ cười tươi đầy hạnh phúc, chạy đến quỳ gối xuống để ôm lấy người đàn ông của cuộc đời mình, hình ảnh ấy đã làm biết bao người xúc động. Với sự đồng cảm và yêu thương, một cuộc đời mới tươi đẹp đang chờ đón cả 2 ở phía trước.
Theo Nữ Vương (TNO)
 

Có thể bạn quan tâm

Cựu cán bộ Đoàn TP. Pleiku"truyền lửa" yêu thương

Cựu cán bộ Đoàn TP. Pleiku"truyền lửa" yêu thương

(GLO)- “Kết nối tình nguyện-cháy mãi nhiệt huyết của tuổi trẻ“ là phương châm hoạt động của nhóm cựu cán bộ Đoàn cơ sở TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Sau hơn 2 năm thành lập, nhóm không chỉ mang niềm vui đến cho những hoàn cảnh khó khăn mà còn là nơi các thế hệ cán bộ Đoàn gắn kết, “truyền lửa“ tình yêu với Đoàn.
Ý nghĩa lớn từ mô hình nhỏ

Ý nghĩa lớn từ mô hình nhỏ

(GLO)- Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh là một trong những nội dung được các đơn vị trường học ở huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) đặc biệt quan tâm. Trong đó, mô hình “Vườn rau em chăm“ mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần cải thiện bữa ăn và khơi dậy tình yêu lao động trong học sinh.
Đôi vũ công đặc biệt

Đôi vũ công đặc biệt

(GLO)- Đến với khiêu vũ một cách tình cờ, đôi vận động viên (VĐV) Trần Nam Dũng-Lê Phương Thảo đã từng bước khẳng định vị thế ở môn thể thao đầy tính nghệ thuật này. Tấm huy chương bạc tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX-2022 là sự ghi nhận cho những nỗ lực không biết mệt mỏi cùng tâm huyết của các vũ công.
Tín hiệu vui cho bệnh nhân ung thư

Tín hiệu vui cho bệnh nhân ung thư

(GLO)- Với mong muốn nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân ung thư, bác sĩ Nguyễn Đình Hùng-Phó Trưởng khoa Ung bướu và Y học hạt nhân (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đã nghiên cứu, áp dụng hiệu quả các phác đồ chữa trị mới, giúp người dân sớm phát hiện và điều trị ung thư tại chỗ. Một trong số đó là hóa trị trong điều trị ung thư đại trực tràng di căn.
Tỉnh Đoàn Gia Lai tổ chức chương trình "Ấm áp mùa đông" năm 2022

Tỉnh Đoàn Gia Lai tổ chức chương trình "Ấm áp mùa đông" năm 2022

(GLO)- Hưởng ứng chương trình “Tình nguyện mùa đông“ năm 2022 và “Xuân tình nguyện“ năm 2023. Trong 2 ngày (23 và 24-12), tại xã Đất Bằng, huyện Krông Pa và xã An Thành, huyện Đak Pơ, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Gia Lai phối hợp với Đoàn công tác xã hội TP. Hồ Chí Minh tổ chức Chương trình “Ấm áp mùa đông“ năm 2022.
Ngày thanh niên cùng hành động: Sôi nổi, thiết thực

Ngày thanh niên cùng hành động: Sôi nổi, thiết thực

(GLO)- Sau khi Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII (nhiệm kỳ 2022-2027) thành công tốt đẹp, 63 tỉnh, thành trong cả nước đã đồng loạt tổ chức “Ngày thanh niên cùng hành động“. Trong đó, Gia Lai là 1 trong 7 điểm cầu được lựa chọn tổ chức cấp trung ương. Chuỗi hoạt động góp phần nâng cao nhận thức, thể hiện quyết tâm của tuổi trẻ trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII.
Phát động thí điểm ứng dụng kết nối thanh thiếu niên

Phát động thí điểm ứng dụng kết nối thanh thiếu niên

(GLO)- Sáng 18-12, tại Trường THPT Hoàng Hoa Thám (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai), Quỹ Phòng chống thương vong Châu Á phối hợp với Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, Bộ Giáo dục-Đào tạo tổ chức lễ phát động thí điểm Ứng dụng kết nối thanh thiếu niên (YEA). Đây là hoạt động nằm trong dự án “Tuổi trẻ và những cung đường biết nói“ được triển khai tại TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Gia Lai và tỉnh Yên Bái.
Chung tay giúp trẻ em nghèo

Chung tay giúp trẻ em nghèo

(GLO)- Đối với trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thì chiếc áo ấm hay những đồ chơi tự chế rất có ý nghĩa. Thấu hiểu điều đó, chương trình “Áo ấm cho em“ đã trao tặng những chiếc áo ấm cùng những phần quà ý nghĩa cho trẻ em ở 2 huyện Ia Pa và Chư Păh (tỉnh Gia Lai).