Chàng trai chân đất trở thành 'phù thủy' ảo thuật châu Á

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Để trở thành "phù thủy" châu Á như hôm nay, ảo thuật gia Bùi Hữu Thiện (30 tuổi) đã từng đánh đổi giấc mơ, kỳ vọng và giọt nước mắt của mẹ... Trên hành trình đó, anh miệt mài học tập, đưa ảo thuật VN đến gần hơn với bạn bè quốc tế.

Gặp Bùi Hữu Thiện, ấn tượng đầu tiên là phong cách nói chuyện, trang phục lạ mắt và có chút kỳ quái. Chính anh gọi đó là nét "điên" của người nghệ sĩ. "Lâu lắm rồi mình mới có chút thời gian thảnh thơi và cảm giác thân quen ở quê nhà. Lịch diễn của mình khá dày nên nhiều khi chỉ di chuyển cũng hết ngày. Có những hôm ăn vội gói mì, ngủ được 2 tiếng đồng hồ để kịp phục vụ khán giả", anh Thiện nói.

Ảo thuật gia Bùi Hữu Thiện chinh phục khán giả châu Á bằng những tiết mục khó

Ảo thuật gia Bùi Hữu Thiện chinh phục khán giả châu Á bằng những tiết mục khó

Anh kể ở Thái Lan, Singapore, Indonesia…, ảo thuật rất được ưa chuộng, nhất là vào dịp lễ, tết. Quãng thời gian này, anh chủ yếu ăn ngủ trên máy bay để lưu diễn.

"Lửa thử vàng"

Đang nhắc về Thái Lan, bỗng anh thoáng buồn khi nhớ lại những ngày tập tễnh vào nghề và sự đánh đổi của tuổi 20, trong đó có cả ước mơ, kỳ vọng của mẹ.

"Tôi sinh ra ở một vùng quê nghèo thuộc xã Xuân Lộc, H.Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế. Gia đình đông anh em, đến mức ngày bé đi chăn bò tôi toàn đi chân đất, nhặt từng củ khoai bán lấy tiền đóng học phí", anh kể. Xong đại học, anh ra trường rồi vào làm việc tại một công ty xăng dầu trong niềm vui vỡ òa của mẹ. Đùng một cái, Thiện quyết bỏ ngang để theo nghề ảo thuật chuyên nghiệp.

Ảo thuật gia Bùi Hữu Thiện

Ảo thuật gia Bùi Hữu Thiện

Đó cũng là lần mà anh làm trái ý mẹ, khiến mẹ khóc… "Lúc đó, cha mẹ phản đối kịch liệt. Dù ai cũng đều biết mình rất mê ảo thuật, nhưng chả ai nghĩ mình sẽ liều lĩnh đến vậy. Ảo thuật đã ăn sâu trong máu của mình… Thời sinh viên, mình từng quá ham ảo thuật mà lơ là việc học, suốt ngày lang thang các con phố để biểu diễn", anh nhớ lại.

"Dứt áo ra đi" trong sự ngăn cấm của gia đình, anh một thân mang theo số tiền tiết kiệm ít ỏi sang xứ "chùa vàng", theo học ở Học viện Ảo thuật quốc tế Thái Lan. Động lực của Thiện lúc đó là tiếp cận những bài ảo thuật mới, quen biết những người bạn cùng đam mê và theo đuổi giấc mơ thành "phù thủy" sân khấu.

"Ngày đó mình còn trẻ nên cứ muốn là làm, không nghĩ nhiều. Mình nhớ như in, học kỳ đầu tiên ở Thái Lan mình phải nộp hơn 50 triệu đồng tiền học phí, đó cũng là tất cả số tiền mình tiết kiệm được. Dốc hết hầu bao đóng học phí, mình vay mượn khắp nơi để sống. Có những đêm tập bài đến 2 - 3 giờ sáng, ảo thuật mà, phải bí mật và luyện tập một mình. Cứ như vậy nhiều tháng liền ăn mì gói, tập luyện chỉ để lên sân khấu của trường biểu diễn vỏn vẹn 1 phút. Nhưng khi nhận được sự tán dương từ thầy cô, mình rất hạnh phúc. Mọi khó khăn, mệt mỏi đều tan biến hết", anh kể.

Những ngày còn dùi mài tại học viện ảo thuật, anh vắt kiệt sức để tập luyện những bài từ cơ bản cho đến phức tạp, như "cắt" người, làm biến mất chim bồ câu. Rồi học thêm tiếng Anh, tiếng Thái, văn hóa phong tục của nước bạn… để hình thành nên tiết mục sinh động, gần gũi và hấp dẫn hơn.

Bùi Hữu Thiện trong lần nhận giải thưởng ở cuộc thi ảo thuật châu Á

Bùi Hữu Thiện trong lần nhận giải thưởng ở cuộc thi ảo thuật châu Á

Ngoài những giờ tập luyện, Thiện được đàn anh đưa đi biểu diễn ở các con phố hay tại những buổi tiệc nhỏ. Kiếm được chút ít thu nhập, anh để dành mua đạo cụ… "Lúc đó, mình đặt mục tiêu mỗi ngày phải diễn cho 5 người đi đường để tăng sự tự tin trong giao tiếp, cách biểu diễn. Sau này, mình đã lên kịch bản cho những bài diễn phù hợp với bối cảnh sân khấu, quan khách và sự kiện… Cũng có những lần run đến rớt cả đạo cụ, nhưng rồi mọi thứ vẫn xong. Mới đây thôi mà nhìn lại đã hơn 10 năm trôi qua rồi", anh Thiện bồi hồi.

Học cả đời

Năm 2018, Bùi Hữu Thiện tốt nghiệp Học viện Ảo thuật quốc tế Thái Lan, đó cũng là cơ duyên để anh gặp những ảo thuật gia tên tuổi như Toni Hassini, Mr. Mamada, Robert Sode… Bằng sự sáng tạo và nét diễn riêng, chàng trai Việt "non choẹt" ngày đó đã dần chinh phục "đàn anh" trong những cuộc thi. Từng bước, chàng ảo thuật gia chân đất đã đến gần hơn với sân khấu chuyên nghiệp của các nước châu Á.

Đến nay, anh không nhớ hết đã thực hiện bao nhiêu chuyến đi diễn, tham gia bao nhiêu cuộc thi lớn nhỏ tại các nước như: Campuchia, Malaysia, Hàn Quốc, Trung Quốc… Trong đó, anh từng nhận giải thưởng tại Thái Lan do ảo thuật gia Toni Hassini, Chủ tịch Hiệp hội Ảo thuật quốc tế I.M.S, trao tặng. Gần đây nhất, cuối tháng 10.2023, anh là khách mời danh dự của cuộc thi ảo thuật Magic Extravaganza, một trong những cuộc thi danh giá nhất ở Đông Nam Á về ảo thuật được tổ chức thường niên tại Thái Lan.

"Ở VN, nếu nhắc đến mình thì rất ít người biết; nhưng ở Thái Lan, Malaysia khi nhắc đến "Little boy" thì mình nghĩ cũng kha khá người biết", anh Thiện vui vẻ nói về nghệ danh của mình.

Để thành công với nghề, anh Thiện theo đuổi phương châm "học cả đời". Mỗi bài diễn là một cách thể hiện riêng, phù hợp với mỗi lứa tuổi khán giả, sân khấu và văn hóa từng nước. Trong đó, nghệ sĩ cũng cần nhấn nhá sự sáng tạo, để luôn làm mới bản thân và ấn tượng. Với chàng ảo thuật gia người Việt này, biểu diễn bây giờ không dừng lại chỉ phục vụ người xem mà còn là cơ hội để lan tỏa văn hóa quê hương trên nước bạn, từng bước khẳng định nghệ thuật ảo thuật VN ra sân chơi quốc tế.

"Ảo thuật cần có chất riêng. Có thể cùng một bài diễn nhưng mỗi người biểu diễn mỗi kiểu. Ngoài ra, cần tìm hiểu kỹ nét văn hóa, thuần phong mỹ tục của từng nước để không gây phản cảm. Mình cũng từng rất tự hào khi mặc trang phục áo dài VN lên một sân khấu có hơn 10.000 người ở Malaysia. Phong cách biểu diễn của mình là bùng nổ và luôn có chút "điên", làm sao khiến người xem bất ngờ đến "mắt chữ A mồm chữ O" mà vẫn dễ chịu không phản cảm và nhớ đến mình", anh Thiện nói.

Có thể bạn quan tâm

Thư viện từ những bông hoa

Thư viện từ những bông hoa

Hoa là tượng trưng cho vẻ đẹp, sách là sản phẩm tri thức. Các bạn trẻ trong nhóm “Thư viện từ những bông hoa” đã tích hợp hai yếu tố đó làm một để chở theo những giấc mơ, mở ra chân trời mới cho trẻ em nghèo vùng cao.

Trao yêu thương đầu năm mới

Trao yêu thương đầu năm mới

(GLO)- Ngay khi năm mới 2025 vừa sang, nhiều hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng đã diễn ra trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Tinh thần trao yêu thương đầu năm mới chính là lời cam kết đầy tình người, rằng không ai bị bỏ lại phía sau.

Lan tỏa tình yêu đất nước cho thế hệ trẻ từ công trình “Đường cờ Tổ quốc”

Lan tỏa tình yêu đất nước cho thế hệ trẻ từ công trình “Đường cờ Tổ quốc”

(GLO)- Nhằm khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước trong mỗi người dân, đặc biệt là các bạn trẻ, một số tổ chức Đoàn-Hội trên địa bàn TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đã thực hiện công trình “Đường cờ Tổ quốc”, “Đường cờ Đảng” tại các thôn, làng. 

Cô giáo Gen Z truyền cảm hứng học tiếng Anh cho học sinh Pleiku

Cô giáo Gen Z truyền cảm hứng học tiếng Anh cho học sinh Pleiku

(GLO)- Với tấm bằng IELTS 8.0, Mai Ngọc Anh (SN 2000)-Chủ nhiệm Câu lạc bộ tiếng Anh TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đã truyền cảm hứng học tập cho nhiều học sinh ở TP. Pleiku. Nhiều hoạt động hướng về cộng đồng được cô giáo Gen Z triển khai giúp thanh thiếu nhi có thêm những kỹ năng giao tiếp bổ ích.

Nữ bác sĩ quân y tận tụy với công việc

Nữ bác sĩ quân y tận tụy với công việc

(GLO)- Đại úy Trần Thị Thu Hà-Trợ lý Quân y (Ban Hậu cần-Kỹ thuật, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai) là điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua quyết thắng của lực lượng vũ trang tỉnh. Đặc biệt, chị còn hoàn thành tốt nhiệm vụ tại Hội thao Quân sự quốc tế 2022 (Army Games) tại Liên bang Nga.

Những bước chân không mỏi trao yêu thương

Những bước chân không mỏi trao yêu thương

Gắn với nghiệp “gieo chữ”, những giáo viên vùng cao, giảng viên trẻ chung bầu nhiệt huyết, họ luôn giữ và thắp lên ngọn lửa tri thức, mang ánh sáng, trao những yêu thương, truyền cảm hứng gieo hy vọng cho bao thế hệ học trò vững vàng tiến bước.