Cây mía tìm lại vị thế

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Khoảng 2 năm trở lại đây, bà con nông dân rất phấn khởi khi giá mía tăng cao so với những năm trước. Đây là tín hiệu lạc quan để cây mía tìm lại vị thế cây trồng chủ lực của tỉnh Gia Lai trong những năm tới.

Gia Lai hiện có khoảng 45 ngàn ha mía nguyên liệu, tập trung tại khu vực phía Đông và Đông Nam tỉnh. Cây mía được 2 nhà máy đường tại thị xã An Khê và Ayun Pa đầu tư, hỗ trợ người trồng và bao tiêu sản phẩm với giá bảo hiểm thấp nhất 850 ngàn đồng/tấn. Đặc biệt, trong 2 vụ ép gần đây, giá mía trên thị trường tăng cao. Các nhà máy thu mua kịp thời và linh hoạt với giá khoảng 1,1 triệu đồng/tấn (10 chữ đường).

Trước đây, người dân xã Hbông (huyện Chư Sê) chủ yếu trồng mì, bắp, đậu đỗ nên thu nhập không đáng kể. Năm 2017, cây mía bắt đầu được trồng trên vùng đất khó này. Đến nay, Hbông đã trở thành vùng nguyên liệu mía năng suất cao, giúp nhiều hộ gia đình trở nên giàu có.

Bà Lê Thị Gấm (làng Ia Sa, xã Hbông) cho biết: “Tôi đã chuyển từ cây ngắn ngày sang trồng mía theo hướng thâm canh mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Vụ ép vừa rồi, tôi thu hoạch 40 ha mía, năng suất bình quân đạt 90 tấn/ha. Sau khi trừ chi phí đầu tư, lợi nhuận đạt khoảng 1 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều so với trồng bắp, mì, đậu đỗ các loại”.

Thu hoạch mía tại xã An Thành, huyện Đak Pơ. Ảnh: N.D

Thu hoạch mía tại xã An Thành, huyện Đak Pơ. Ảnh: N.D

Ngày 20-8-2024, UBND tỉnh có Quyết định số 383/QĐ-UBND ban hành kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025. Theo đó, đến năm 2025, tỉnh duy trì ổn định khoảng 38 ngàn ha mía, sản lượng đạt khoảng 2,66 triệu tấn nhằm cung cấp đủ mía nguyên liệu cho 2 nhà máy đường An Khê và Ayun Pa. Đẩy mạnh cơ giới hóa từ khâu làm đất đến thu hoạch, đưa giống mía mới vào sản xuất; tạo mối liên kết bền vững giữa nông dân và doanh nghiệp.

Bà Trần Thị Lê-Phó Giám đốc Nông nghiệp Công ty cổ phần Nông nghiệp AgriS Gia Lai-cho biết: Những năm qua, Công ty luôn đồng hành cùng người trồng mía tại khu vực Đông Nam tỉnh và các vùng lân cận.

Công ty có nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ cho người dân mở rộng vùng nguyên liệu cũng như đưa những giống mới có năng suất cao vào sản xuất; khuyến khích nông dân thâm canh tăng năng suất với các chính sách đầu tư không hoàn lại một phần chi phí khâu làm đất, tưới tiết kiệm, bón phân hữu cơ vi sinh, phun bổ sung dinh dưỡng qua lá, cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất mía… với kinh phí hơn 20 tỷ đồng.

Đặc biệt, Công ty thu mua theo giá bảo hiểm thấp nhất 850 ngàn đồng/tấn để người dân yên tâm chăm sóc mía. Trong vụ ép sắp đến, vùng nguyên liệu của Công ty đạt khoảng 15 ngàn ha, đáp ứng công suất ép 8 ngàn tấn mía cây/ngày. “Việc hỗ trợ để người trồng mía ứng phó với biến đổi khí hậu, canh tác đạt năng suất cao, tăng thu nhập là giải pháp phát triển vùng nguyên liệu theo hướng bền vững”-bà Lê cho hay.

Tại khu vực phía Đông tỉnh, Nhà máy Đường An Khê cũng có nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ người trồng mía phát triển vùng nguyên liệu lên đến gần 30 ngàn ha, đáp ứng công suất ép 18 ngàn tấn mía cây/ngày. Ông Nguyễn Quang Quốc-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kông Chro-cho biết: Mía là một trong những cây trồng chủ lực của huyện với diện tích xấp xỉ 10 ngàn ha. Những năm qua, Nhà máy Đường An Khê đã triển khai nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ người dân phát triển vùng nguyên liệu và thu mua theo giá thị trường, góp phần mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ trồng mía.

“Để cây mía phát triển bền vững, huyện khuyến khích người dân duy trì diện tích hiện có, đầu tư sản xuất theo hướng thâm canh tăng năng suất và chất lượng. Những diện tích mía kém năng suất, người dân nên chuyển sang trồng các loại cây khác phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, có giá trị kinh tế cao hơn”-ông Quốc cho hay.

Nông dân huyện Kbang thu hoạch mía. Ảnh: N.D

Nông dân huyện Kbang thu hoạch mía. Ảnh: N.D

Kết thúc vụ ép 2023-2024, các nhà máy đường đứng chân trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành thu mua mía nguyên liệu của người dân. Nhờ thời tiết thuận lợi cùng với giá thu mua ổn định, người trồng mía đạt lợi nhuận bình quân khoảng 40 triệu đồng/ha. Đây là động lực để nông dân các địa phương trong tỉnh phát triển cây mía ổn định theo vùng nguyên liệu của từng nhà máy.

Thời gian tới, ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu khảo nghiệm các giống mía mới có năng suất, chất lượng cao để đưa vào sản xuất; lựa chọn những chân đất phù hợp với cây mía để tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với chế biến. Đồng thời, đẩy mạnh cơ giới hóa, áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; quản lý tốt vùng nguyên liệu của các nhà máy, không để xảy ra tình trạng xâm lấn vùng nguyên liệu lẫn nhau.

Có thể bạn quan tâm

Các sản phẩm khởi nghiệp thu hút người tiêu dùng tại Ngày hội khởi nghiệp tỉnh Gia Lai năm 2024. Ảnh: M.K

“Làn sóng khởi nghiệp” chuyển động mạnh mẽ

(GLO)- 3 năm qua, Gia Lai đã từng bước tạo lập môi trường thuận lợi nhằm hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST). “Làn sóng khởi nghiệp” ngày càng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng, từng bước đi vào chiều sâu, nhất là ở lĩnh vực nông nghiệp.

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.