Cao nguyên mùa mưa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi về quê trong một ngày những cơn mưa của mùa mới vừa chạm đất cao nguyên. Gió xuyên qua những tàng cao su hai bên đường nghe ầm ào. Mưa tưới mát vùng đất đỏ sau những ngày nắng khô khốc, mưa dịu tâm hồn tôi, dẫn lối ký ức ngược về vùng trời kỷ niệm.
Ngày tôi còn nhỏ, con đường dẫn vào nhà mùa mưa đi lại còn khó khăn, những nơi mặt đường trũng xuống chứa dòng nước sóng sánh màu đất đỏ. Một chiếc xe chạy ngang, sình lầy văng tung tóe. Bây giờ, đường nhựa đã vào tận nhà, phẳng lỳ, thẳng tắp. Mùa mưa xuống, cây cối như được hồi sinh sau mùa nắng gay gắt xứ núi đồi. Những đám cỏ héo khô, vàng rạp xuống mặt đất mùa nắng được thay bằng sắc xanh đầy sức sống khi mưa về. Những vườn cà phê, vườn điều như bừng tỉnh, lá xanh hơn, mướt mắt. Bên khoảng sân trước nhà rông, lũ trẻ vui vẻ chơi đùa, đôi mắt tròn trong veo. Tôi rẽ vào con đường mòn nhỏ dẫn vào nhà. Mưa không thôi rả rích. Dòng suối cạnh nhà được dịp đỏ lừ. Đám mì nhà hàng xóm xanh um, từng thân cây vươn mình đón dòng nước mát. 
 Minh họa: KIM HƯƠNG
Minh họa: KIM HƯƠNG
Căn nhà gỗ bình yên đón bước chân tôi về với vòng tay thương mến của ba mẹ. Vùng đất đỏ đêm mưa rỉ rả, mẹ nhóm bếp lửa thơm hương củi điều, ba châm ấm trà, tôi đem ra ít bánh kẹo mua từ phố rồi cả nhà cùng ngồi bên nhau. Nơi bếp lửa tí tách đêm đại ngàn, tôi nghe ba rủ rỉ kể chuyện nhà. Lại thấy thương hơn những khuya sớm khi ba mẹ bên vườn cao su cặm cụi cạo mủ. Lại thấy thương hơn những ngày nắng hạn, mẹ loay hoay kéo ống cho ba tưới cà phê trên những triền đồi. Mẹ xoa đầu con gái bảo tôi phải thường xuyên về thăm nhà hơn nữa. Tôi nghe trong làn tóc đã lấm tấm màu mây trời hương nắng cao nguyên nồng nàn, oi ả. Nhìn những nốt chai sần trên tay ba dày lên theo năm tháng, lòng chợt dâng nỗi nghẹn ngào.
Sáng sớm, tôi ra vườn, hít vào thật sâu lồng ngực không khí trong lành và thoáng đãng. Bầu trời như cao hơn và xanh trong hơn. Gió cũng mang trong mình hơi mát không còn oi ả như mùa hạn. Tiếng lũ chim sâu chuyền cành trên mấy nhánh cà phê. Một con sóc nhanh chân phóng lên ngọn cây khi nghe bước chân tôi vừa đi đến. Tôi bước chân ra vườn cao su sau nhà. Trận mưa đêm qua để lại hàng ngàn giọt nước li ti vươn trên những cành lá. Đất dưới chân tôi mát lành, tôi đang đi tìm một thức quà quý mà mùa mưa mang đến. Tôi lật giở nhẹ những lớp lá rụng, từ tốn và cẩn thận. Rồi tôi à lên tiếng, chúng kia rồi! Những cây nấm mối nhỏ xinh, vừa búp. Chúng mọc thành cụm, san sát nhau. Tôi tỉ mẩn nhổ từng cây, mân mê thức quà ngon đã thành ký ức tuổi thơ ngọt ngào. Mẹ nhẹ nhàng rửa sạch rồi xào nhanh với lửa lớn. Những cây nấm non mềm, hương thơm hấp dẫn, vị ngọt tự nhiên đến nao lòng.
Cơm sáng xong, tôi cùng ba mẹ lên rẫy. Con đường đất đỏ lên đồi có đoạn đất dẻo quánh, dính chặt vào đôi dép. Xa xa dưới kia, tôi nghe tiếng chảy mạnh mẽ của dòng suối. Mùa này, suối nước nhiều hơn, dòng chảy cũng mạnh hơn len lỏi qua chân đồi. Ba mẹ đợi có mưa xuống cho đất mềm ra mới trỉa bắp. Ba đào lỗ, mẹ và tôi bỏ hạt vào. Ba không cần căng thước mà từng nhát cuốc cứ thẳng đều tăm tắp. Lâu  lâu, một ngọn gió cao nguyên phóng khoáng lại lùa qua mát rượi. Ở phía lưng đồi, cây kơ nia tỏa bóng mát rượi.
Chiều về cùng cơn mưa. Chúng tôi quây quần bên mâm cơm đầm ấm, hân hoan chuyện trò. Vậy là một mùa mưa nữa đã về, để thương, để nhớ trong tôi...
 PHONG DƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Các nghệ nhân xã Glar (huyện Đak Đoa) chụp ảnh lưu niệm trước tác phẩm “Nét Tây Nguyên”. Ảnh: N.A.M

“Nét Tây Nguyên”

(GLO)- Tại Ngày hội Di sản văn hóa năm 2024 vừa diễn ra ở khu vực Bảo tàng tỉnh Gia Lai, tác phẩm “Nét Tây Nguyên” gồm 1 cụm 5 trụ gỗ của nhà điêu khắc Nguyễn Nam-Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã tạo nên điểm nhấn, một nét Tây Nguyên riêng có giữa lòng phố núi.

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.