Cần khẩn trương đưa chợ xã Ia Le vào hoạt động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau hơn 6 năm xây dựng, công trình chợ xã Ia Le (huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) đang trong quá trình hoàn thiện những hạng mục cuối cùng và dự kiến đi vào hoạt động trong tháng 8-2024. 

Tuy nhiên, hiện nay, việc đấu giá đất khu dịch vụ thương mại phía trước chợ vẫn chưa thực hiện được do áp dụng theo quy định mới.

Tiểu thương bức xúc vì việc xây dựng chợ kéo dài

Năm 2017, khi có chủ trương xây dựng chợ xã Ia Le, hơn 100 tiểu thương đã di dời đến khu chợ tạm cách chợ cũ chừng 100 m để tiếp tục buôn bán. Việc xây dựng chợ tạm dự kiến chỉ trong khoảng 2 năm nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành khiến người dân rất bức xúc, nhất là khi khu chợ tạm quá nhếch nhác, buôn bán khó khăn.

Công trình chợ xã Ia Le (huyện Chư Pưh) đang trong giai đoạn hoàn thiện. Ảnh: V.T

Công trình chợ xã Ia Le (huyện Chư Pưh) đang trong giai đoạn hoàn thiện. Ảnh: V.T

Bà Nguyễn Thị Kim Yến (bán hàng rau) cho hay: “Tháng 9-2017, toàn bộ tiểu thương được di dời đến bán tại chợ tạm. Lúc đó, chính quyền địa phương hứa khoảng 2 năm là sẽ xây xong chợ mới. Thế nhưng, đến nay đã 7 năm mà chợ mới vẫn chưa hoàn thiện. Quá trình thi công xây dựng chợ thì ì ạch, bị tạm ngưng một thời gian dài do thiếu vốn. Còn quá trình đấu giá vào năm 2021 cũng có những sai sót dẫn đến phải hủy kết quả đấu giá”.

Ông Lê Thanh Việt-Chủ tịch UBND xã Ia Le-cho biết: Hiện nay, đơn vị thi công đang triển khai hoàn thiện các hạng mục cuối cùng của chợ, tiến độ đạt khoảng hơn 80%. Dự kiến giữa tháng 8-2024, công trình sẽ hoàn thành. Việc hoàn thiện và đưa vào sử dụng công trình chợ xã Ia Le là yêu cầu bức thiết của địa phương nhằm tạo địa điểm kinh doanh ổn định cho các tiểu thương cũng như thuận lợi trong giao thương hàng hóa với các xã lân cận.

Sẽ sớm đưa công trình vào hoạt động

Cũng theo ông Việt: Hiện nay, chính quyền địa phương chưa xây dựng được phương án đấu giá cho thuê khu đất dịch vụ thương mại phía trước chợ do vướng quy định. Chính quyền địa phương đang rà soát số hộ kinh doanh trong chợ tạm để sắp tới đưa vào chợ mới. Theo phương án xây dựng và bố trí, chợ mới sẽ đáp ứng cho khoảng 140 hộ kinh doanh. Ngoài số hộ kinh doanh cố định, chợ được bố trí khu vực cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số kinh doanh không cố định.

“Việc xây dựng chợ kéo dài vì gặp nhiều vướng mắc do nguồn vốn đầu tư bị gián đoạn và việc tổ chức đấu giá. Đối với những ý kiến, kiến nghị của các tiểu thương về việc tổ chức đấu giá lô sạp, bố trí ki ốt phù hợp với đặc thù mua bán tại địa phương, chúng tôi ghi nhận và sớm đề xuất đến các cấp, ngành chức năng nhằm sớm đưa chợ đi vào hoạt động”-ông Việt cho hay.

Khu chợ tạm nhếch nhác nên rất ít người đến mua bán. Ảnh: VT

Khu chợ tạm nhếch nhác nên rất ít người đến mua bán. Ảnh: VT

Còn ông Nguyễn Văn Hạ-Trưởng phòng Tài chính-Kế hoạch huyện Chư Pưh thì cho biết: Trước đó, huyện đã tổ chức đấu giá 13 lô trong chợ xã Ia Le. Riêng trong năm 2021, huyện làm quy hoạch và tổ chức đấu giá 12 lô. Tuy nhiên, quy hoạch này lại không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh nên phải hủy bỏ kết quả đấu giá. Sau đó, huyện mới tiến hành làm lại quy hoạch và lấy ý kiến người dân. Đây là đất cho thuê chứ không phải đất ở nên phải có thời hạn và số tiền thuê của từng thời hạn sẽ khác nhau.

Theo quy hoạch mới, huyện sẽ đấu giá 25 lô xung quanh chợ. Qua khảo sát lấy ý kiến của tiểu thương và người dân thì có nhiều ý kiến xung quanh việc cho thuê thời hạn 20 năm hay 30 năm (thời gian tối đa 50 năm) nên chưa có phương án thống nhất.

“Sau khi UBND xã Ia Le lập phương án, UBND huyện sẽ phê duyệt phương án đấu giá. Theo Công văn số 2823/STC-QLGCS của Sở Tài chính về việc triển khai Nghị định số 71/2024/NĐ-CP ngày 27-6-2024 của Chính phủ có quy định: Việc xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 159 (áp dụng bảng giá đất), điểm d khoản 1 Điều 160 (áp dụng giá đất cụ thể) của Luật Đất đai 2024; không thực hiện xây dựng hệ số điều chỉnh giá đất hàng năm hoặc tăng hệ số điều chỉnh giá đất hàng năm để làm cơ sở xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất.

Theo quy định này, hiện nay, vướng mắc nhất là chưa thể làm phương án đấu giá cho thuê vì việc điều chỉnh bảng giá đất lại thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh. Huyện cũng muốn nhanh chóng đưa công trình đi vào hoạt động để người dân có địa điểm kinh doanh thuận lợi, từ đó huyện cũng thu được tiền cho thuê đất để bù lại khoản đầu tư xây chợ”-ông Hạ cho biết thêm.

Quy mô chợ Ia Le gồm: nhà lồng chính 2 tầng, diện tích xây dựng 484 m2, diện tích sử dụng 980 m2. Tổng mức đầu tư công trình gần 10 tỷ đồng, nguồn vốn thu từ cho thuê ki ốt và thu từ giao quyền sử dụng đất khu vực xung quanh chợ Ia Le từ năm 2018 đến 2020.

Có thể bạn quan tâm

Gia đình bà Nguyễn Thị Kim Hương (tổ 2, phường Ngô Mây) tự nguyện tháo dỡ hàng rào, hiến đất để mở rộng đường. Ảnh: M.N

An Khê huy động nguồn lực hoàn thiện hạ tầng giao thông

(GLO)- Những năm qua, thị xã An Khê đã tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông từ nội thị đến nông thôn. Nhờ đó, mạng lưới giao thông được kết nối, đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa, đi lại của người dân và giúp địa phương hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Ngày 3.12, UBND TP.HCM đã phân công cho Chủ tịch, 5 Phó chủ tịch theo dõi, chỉ đạo giải quyết cụ thể từng dự án tồn đọng, dừng thi công để khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát. Điều này hứa hẹn sẽ giúp cho các dự án trùm mền nhiều năm trời có cơ hội hồi sinh trở lại.

Bộ Xây dựng đề xuất phát hành trái phiếu 100.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi nhà ở xã hội. Ảnh nguồn doanhnghieptiepthi.vn

Đề xuất phát hành 100.000 tỷ đồng trái phiếu cho vay mua nhà ở xã hội

(GLO)- Bộ Xây dựng đang xin ý kiến các bộ, ngành về dự thảo Nghị quyết về nguồn vốn ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội quy mô khoảng 100.000 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu Chính phủ. Đây là lần đầu tiên Bộ Xây dựng đề xuất áp dụng gói nhà ở xã hội bằng phát hành trái phiếu.